Những học sinh giỏi luôn được các thầy cô chú ý trong hội thi giáo viên giỏi

23/01/2019 07:08
NHẬT DUY
(GDVN) - . Nhưng, có điều mà chúng ta đều biết là dù “thi” hay “diễn” thì người chịu nhiều bất hạnh và không kém phần vất vả là các em học trò.

Chưa bao giờ, hội thi giáo viên giỏi các cấp ở ngành giáo dục lại được báo chí bàn sâu, bàn kĩ giống bây giờ. Mỗi ngày, mở các trang báo ra thì chúng ta luôn thấy hiện hữu những bài viết về chủ đề thi giáo viên giỏi.

Người muốn giữ lại hội thi nhưng cần thay đổi cách làm, cách tổ chức, người thì cương quyết bỏ để không còn tình trạng “diễn” trong ngành giáo dục.

Nhưng, có điều mà chúng ta đều biết là dù “thi” hay “diễn” thì người chịu nhiều bất hạnh và không kém phần vất vả là các em học trò.

Trong đó, những em có học lực khá giỏi là những em thường xuyên bị áp lực trong học tập nhiều nhất.

Phía sau những danh hiệu của thầy cô có sự đóng góp rất lớn từ học trò ( Ảnh minh họa: Báo Tuyên Quang)
Phía sau những danh hiệu của thầy cô có sự đóng góp rất lớn từ học trò ( Ảnh minh họa: Báo Tuyên Quang)

Hội thi giáo viên giỏi các cấp ở địa phương hiện nay được tổ chức thành 3 cấp là cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh.

Nhưng, dù cấp nào đi chăng nữa thì đáp án cuối cùng là thầy cô giáo tham gia hội thi cũng đều phải tìm đến những học sinh giỏi của lớp mà mình dạy thực hành để “nhờ cậy” các em chuẩn bị bài ở nhà kỹ càng cho bài dạy của mình trong buổi dự thi.

 Việc "nhờ cậy" học trò chuẩn bị bài trước luôn là khâu quan trọng mà mỗi khi tham dự hội thi giáo viên giỏi đều rất chú trọng.

Thi cấp trường thì những lớp có học sinh giỏi nhiều, lớp có nền nếp là giáo viên thường chọn làm tiết thực hành cho mình. Vì vậy, có những lớp được chọn làm địa điểm giảng dạy liên tục cho giáo viên các môn khác nhau.

Với cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông có hơn 10 môn học thì cũng chừng ấy tiết dạy trong thời gian từ 1-2 tuần nhà trường tổ chức chấm thi giáo viên giỏi.

Những học sinh giỏi luôn được các thầy cô chú ý trong hội thi giáo viên giỏi ảnh 2Chúng tôi đi thi giáo viên dạy giỏi

Nhưng, có những trường chỉ thi thực hành có 1 tuần thì áp lực dành cho học sinh càng lớn. Bởi, có lớp, giáo viên này chưa bước ra thì giáo viên khác đã lấp ló đứng bên ngoài chờ đợi sẵn để bước vào…dạy tiếp.

Học sinh trong lớp mà đặc biệt là những em học tốt thì tất nhiên cũng phải tập trung cao độ để cùng tham gia “diễn” với thầy cô một cách chỉn chu nhất.

Những giờ học mà thầy cô thi giáo viên giỏi, có các giám khảo ngồi phía sau thì học sinh im phăng phắc, có thảo luận nhóm cũng thật nhẹ nhàng, nghiêm túc.

Với thời lượng 45 phút/ tiết học thì nếu học sinh "chịu trận" 2 tiết liên tục là 90 phút- thời gian đúng bằng một trận đá bóng của người lớn.

Nhưng, thời lượng chuyển tiết chỉ có 5 phút nên đa phần 5 phút này cũng cũngchỉ đủ thời gian để học sinh lấy sách vở môn mới ra để học bởi thầy cô môn này vừa bước ra thì thầy cô khác đã lại bước vào.

Để diễn được một tiết chơn chu, linh hoạt trong từng hoạt động bài học của giáo viên tất nhiên ngoài sự chuẩn bị của giáo viên thì phần không kém quan trọng là chuẩn bị của học trò.

Thầy cô thường phải đưa phần câu hỏi cho những em khá giỏi nhất trong lớp để các em về nhà chuẩn bị trước và dặn dò kỹ lưỡng từng bước trong bài dạy sắp tới.

Tâm lý học trò khi được thầy cô tin tưởng, giao phó thì các em cũng phải chuẩn bị kỹ càng và chu đáo để không làm phật lòng thầy cô.

Vì thế, những tiết thi giáo viên giỏi thường có rất ít những câu trả lời sai của học trò. Đương nhiên, để làm được như vậy thì học trò phải chuẩn bị mất rất nhiều thời gian.

Đối với hội thi giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh phải thi thực hành ở trường khác nên giáo viên tham dự không biết trước những em học sinh nào trong lớp học tốt nhưng chuyện đó cũng không không có gì là khó khăn cả.

Những học sinh giỏi luôn được các thầy cô chú ý trong hội thi giáo viên giỏi ảnh 3Thông tư 21 về thi giáo viên dạy giỏi cần sửa đổi nội dung nào?

Giáo viên sẽ gặp hoặc xin số điện thoại giáo viên bộ môn lớp đó trước để buổi đến làm quen với lớp là “nhờ” một số em chuẩn bị bài học ở nhà trước.

Hoặc giáo viên tham dự nhờ giáo viên bộ môn lớp mình dạy hẹn các em về chuẩn bị bài và nhấn mạnh những chỗ cần chuẩn sâu, chuẩn bị kĩ.

Tất nhiên, việc không quên là giáo viên dự thi sẽ xin danh sách giáo viên bộ môn những em học tốt nhất lớp để khi thi gọi tên các em phát biểu xây dựng bài.

Thực tế, việc nhờ vả giáo viên bộ môn cũng không có gì khó khăn cả vì đa phần cũng đều quen biết nhau trong những lần họp Hội đồng bộ môn hay tập huấn hàng năm với nhau.

Chính vì cách thi, cách diễn đã và đang xảy ra hiện nay trong hội thi giáo viên giỏi đã khiến cho nhiều thầy cô cảm thấy hội thi không thiết thực mà vô tình làm khổ học trò của mình, của trường bạn.

Điều cốt lõi là người lớn đang tự tạo cho học trò một vở diễn hoàn hảo- một bài học xấu về lòng trung thực .

Việc Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã “bật tín hiệu” là sẽ sửa đổi Thông tư 21/2010/TT-BGDĐT ngày 20/7/2010 và bỏ một số hội thi không cần thiết là một dấu hiệu khả quan trong ngành giáo dục trong thời gian tới.

Thay đổi để phù hợp, thay đổi để đưa hội thi trở về giá trị thật tạo cho môi trường giáo dục được cạnh tranh lành mạnh, trung thực là cần thiết.

Việc duy trì quá nhiều hội thi như hiện nay mà không tổ chức nghiêm minh đã tạo nên bức tranh xấu xí cho ngành.

Vì vậy, giáo viên chúng tôi đang chờ đợi những thay đổi thiết thực từ lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho những năm tới đây.

NHẬT DUY