Chúng tôi đi thi giáo viên dạy giỏi

20/01/2019 08:11
Thủy Trúc
(GDVN) - Mang gánh nặng trên vai danh dự, uy tín của nhà trường nên giáo viên được chọn đi thi giáo viên dạy giỏi thường có tâm trạng khá căng thẳng và áp lực.

Chưa bao giờ, chuyện thi giáo viên dạy giỏi lại được dư luận quan tâm như lúc này. Câu chuyện đang làm nóng trên các diễn đàn, các trang thông tin xã hội.

Chẳng phải chuyện “diễn” trong hội thi giáo viên dạy giỏi bây giờ mới có. Nó xuất hiện từ rất lâu rồi.

Có điều sự “diễn” ấy chỉ âm ỉ trong nội bộ ngành, ai cũng biết cũng hay nhưng vẫn xem như chuyện thường trong ngành giáo dục.

Hội thi giáo viên dạy giỏi tỉnh Quảng Ninh. ảnh: Báo Quảng Ninh.
Hội thi giáo viên dạy giỏi tỉnh Quảng Ninh. ảnh: Báo Quảng Ninh.

Dạo gần đây, một trường học ở Hải Phòng đã bị rò rỉ tin nhắn của giáo viên gửi phụ huynh cho học sinh yếu ở nhà trong thời gian nhà trường diễn ra Hội thi giáo viên dạy giỏi thì sự việc gian dối trong giáo dục mới thật sự được xới tung lên.

Những mặt trái (nhưng có thực) đã được phanh phui, huỵch toẹt trước công luận. Dư luận nghi ngờ chất lượng giáo viên dạy giỏi trong các hội thi.

Không quy chụp, vơ đũa cả nắm, thế nhưng cách mà ngành giáo dục đang tổ chức hội thi hiện nay đã biến những giáo viên vốn thật thà, trung thực cũng phải dối trá, ngụy tạo. Nếu không sẽ bị cho là lập dị và hậu quả sẽ tự mình gánh chịu.

Bản thân người viết bài đã có ít nhất 5 lần đạt các danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện và cấp tỉnh.

Xin được kể câu chuyện do chính mình chứng kiến và trải qua để bạn đọc thêm phần thấu hiểu mặt trái phía sau những danh hiệu hoành tráng mà giáo viên nhận được.

Chọn hạt giống

Chẳng phải ai muốn đi thi giáo viên dạy giỏi (từ cấp huyện trở lên) cũng được. Vì chỉ tiêu đưa về trường có hạn.

Phòng giáo dục sẽ căn cứ vào thương hiệu, vào chỉ tiêu cần của trường để phân bổ số lượng giáo viên đi thi.

Ví như trường điểm, trường có thương hiệu số lượng giáo viên đi thi sẽ nhiều hơn một số trường khác. Hay trường đang thời kì lên chuẩn hoặc giữ chuẩn quốc gia (theo quy định của Thông tư số: 59/2012/TT-BGDĐT) sẽ được ưu tiên nhiều.

Có chỉ tiêu đưa về, Ban giám hiệu sẽ chọn những giáo viên tốt nhất tham gia thi. Trước là lấy danh dự, uy tín cho nhà trường. Sau mới đến thành tích cá nhân mình.

Thế nên mới có chuyện, có những giáo viên luôn được chọn đi thi hết lần này đến lần khác.

Dù một số thầy cô phản ứng không muốn đi thi nhưng không thể bỏ qua hạt giống tốt, nhà trường đã dùng mọi cách để bắt ép, gây áp lực buộc những giáo viên ấy không thể từ chối.

Ngược lại, cũng có những giáo viên muốn đi thi (để có cơ hội tiến thân) nhưng cũng chẳng được sự tín nhiệm của nhà trường.

Và cũng có trường hợp, trường đang cần khoảng 10 giáo viên đạt danh hiệu dạy giỏi để lên chuẩn. Nhưng không thể tìm ra đủ nhân tố tốt đi thi, cũng đành “vơ bèo vạt tép” cho đủ chỉ tiêu.

Vật vã chuẩn bị

Nhà trường sẽ yêu cầu giáo viên đăng kí và hoàn thành sáng kiến để cho các cán bộ cốt cán, phó hiệu trưởng đọc trước, góp ý, chỉnh sửa rồi hoàn thiện.

Bộ trưởng vừa chỉ đạo cắt các cuộc thi diễn, Hải Phòng làm điều ngược lại

Thường thì có mấy ai tự viết sáng kiến? Cách mà nhiều thầy cô áp dụng nhất là tìm kiếm, sao chép, cắt dán trên mạng.

Dù chỉ là thao tác “ăn cắp” trí tuệ của đồng nghiệp nhưng cũng phải tốn khá nhiều thời gian mới hoàn thành.

Cùng với đó, chuyên môn nhà trường sẽ tìm kiếm tài liệu để thầy cô học trước chuẩn bị cho vòng thi năng lực.

Mang gánh nặng trên vai danh dự, uy tín của nhà trường nên giáo viên được chọn đi thi thường có tâm trạng khá căng thẳng và áp lực.

Vì thế, họ phải ra sức cố gắng. Những tập tài liệu dày cộp tập hợp các Thông tư, các chỉ đạo của ngành phải học thuộc.

Thời gian không có để học, có giáo viên học cả đêm, người tranh thủ mang lên trường vừa dạy vừa học. Thế là thời gian giảng dạy đã bị bớt xén ít nhiều.

Thi xong vòng năng lực đến vòng giảng dạy. Ngày bốc thăm tiết dạy về (khoảng 2 tuần trước khi dạy), đây là cuộc chạy đua nước rút với thời gian.

Giáo viên sẽ phải chuẩn bị bài dạy, trước là soạn giáo án, hoàn chỉnh giáo án và dạy thử lần 1, lần 2 từ lớp này đến lớp khác… đến khi thành thục.

Một bộ phận giáo viên khác sẽ được nhà trường phân công lo đồ dùng dạy học cho tiết dạy của giáo viên đi thi. Chuyện lo đồ dùng dạy học cũng khá công phu.

Có trường cắt cử luôn một giáo viên tin học hỗ trợ giáo viên đi thi cách soạn giáo án điện tử, cách trình chiếu và đi theo đến điểm trường thi phòng khi tiết dạy có gì trục trặc.

Có trường thuê vẽ tranh, làm nhiều mô hình phục vụ dạy học hay chuẩn bị khá nhiều hải sản (dạy về cá, tôm), chuẩn bị côn trùng (dạy bài côn trùng), chuẩn bị trái cây, cây rau, cây ăn trái…

Đã có trường hợp, giáo viên chỉ dạy một tiết đi thi nhưng đồ dùng dạy học cho tiết dạy đó phải chở riêng một xe khá cồng kềnh mới đủ.

Học sinh thiệt thòi nhiều

 

Thi giáo viên giỏi ở Hải Phòng, sao lại yêu cầu "học sinh khác" ở nhà?

Những tưởng có giáo viên giỏi, học trò lớp ấy sẽ được nhờ nhưng hoàn toàn ngược lại.

Thời gian chúng tôi lo học bài thi, lo đi thi, lớp chúng tôi được khá nhiều giáo viên khác vào dạy thay.

Nhưng dù thế, vẫn không thể bằng thầy thầy cô chủ nhiệm giảng dạy.

Năm ít nhất là một hội thi (giáo viên dạy giỏi cấp trường). Có năm, đến 3 hội thi (cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh). Thế nên, thời gian tôi và một số đồng nghiệp đi thi bỏ lớp khá nhiều.

Ngoài ra, học sinh còn phải cuốn vào vòng quay dạy thử của thầy cô. Nhà trường lên lịch dạy thử, phân công người dự giờ góp ý.

Dù không muốn chúng tôi cũng chẳng thể chối từ. Bởi, chúng tôi cũng sợ, nếu không may bị rớt, trách nhiệm sẽ đổ lên đầu giáo viên khá lớn. Chúng tôi sẽ bị quy chụp tự cao, tự mãn nên phụ công người khác.

Học sinh thì thiệt thòi, nhưng danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp này cấp nọ đã mang lại cho chúng tôi khá nhiều bổng lộc. 

Người được lên chức, người tăng lương trước thời hạn, người cơ cấu vào đội ngũ cốt cán chuyên môn, người được tặng luôn danh hiệu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được xét công nhận chiến sĩ thi đua...

Thế nên, việc thi giáo viên dạy giỏi dù vất vả vẫn luôn hút không ít thầy cô tham gia.

Thủy Trúc