Những trở ngại khi chấm thi môn ngữ văn

21/06/2017 08:31
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Sau khi các hội đồng coi thi, điểm thi hoàn thành nhiệm vụ coi thi, ban chấm thi sẽ tiến hành công tác chấm thi từ ngày 26/6.

LTS:  Năm nay do đổi mới trong công tác thi tuyển của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia mà 4 môn thi, bài thi tổ hợp đều do máy chấm, chỉ có duy nhất môn Ngữ Văn là thi tự luận.

Trước những điểm mới về công tác chấm thi môn Ngữ văn năm 2017, tác giả Sông Trà đã chỉ ra một số tồn tại làm cản trở cũng như khó khăn trong quá trình chấm thi.

Tác giả mong muốn các ban chấm thi, tổ chấm thi sớm có nhiều sáng kiến, biện pháp, kiểm tra có hiệu quả để nâng cao chất lượng, độ tin cậy chấm bài thi môn tự luận này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Sau khi các hội đồng coi thi, điểm thi hoàn thành nhiệm vụ coi thi, ban chấm thi sẽ tiến hành công tác chấm thi từ ngày 26/6. 

Năm nay, 4 môn thi, bài thi tổ hợp đều do máy chấm, chỉ có môn thi tự luận Ngữ văn là do các thầy cô giáo trường trung học phổ thông chấm bài. 

Hình ảnh về công tác chấm điểm của các thầy cô giáo. (Ảnh: giaoduc.net.vn)
Hình ảnh về công tác chấm điểm của các thầy cô giáo. (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Việc, làm giám khảo chấm kỳ thi trung học phổ thông quốc gia là vinh dự lớn trong đời dạy học nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề đối với các thầy cô giáo. 

Bởi, việc “cầm cân nảy mực”, đánh giá, thẩm định từng bài văn của thí sinh luôn yêu cầu rất cao ở độ chính xác, khách quan, nghiêm túc, không phải ai đều dễ dàng vượt qua. 

Là một thầy giáo nhiều năm tham gia chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, kì thi trung học phổ thông quốc gia môn Ngữ văn, tôi muốn chia sẻ đến độc giả về những yếu tố khách quan, chủ quan, cản trở tồn tại ảnh hưởng đến công việc chấm thi này.  

Thời gian chấm thi thường diễn ra vào mùa hè, thời tiết vô cùng nắng nóng. Đặc biệt, các tỉnh duyên hải miền Trung chịu ảnh hưởng nặng nề, khiến cho nhiều giám khảo mệt mỏi, đặc biệt vào lúc gần trưa và các đầu giờ chiều. 

Ban chấm thi đặt tại khu vực, trường trung học phổ thông trung tâm của tỉnh, thành phố nên không gian hạn chế, chật hẹp; chất lượng bàn ghế, quạt, điện các phòng còn chưa đồng đều… làm cho các giám khảo càng thêm ể oải, hiệu quả chấm thi khó đạt mức tốt nhất.

Những trở ngại khi chấm thi môn ngữ văn ảnh 2

Chấm thi môn Ngữ văn tại kì thi quốc gia có gì mới?

Trong bài thi môn Ngữ văn của nhiều học sinh tình trạng chữ viết xấu, cách trình bày, chưa kể lỗi chính tả, lỗi diễn đạt, lỗi kiến thức nhiều vô kể. 

Có bài làm nhảy cóc, 4 câu hỏi nhỏ trong phần đọc hiểu thì mỗi trang một câu trả lời; có bài trang này viết dày đặc, kín mít, trang kia lại bỏ thừa, bỏ trống làm cho giám khảo phải mày mò, tìm kiếm đến đau đầu. 

Những giáo viên lớn tuổi mắt đã mờ phải đeo kính, khi bốc vào những bài làm như vậy quả thực rất khó khăn với họ.

Qua đây, chúng ta mới thêm thấu hiểu những nỗi vất vả, nhọc nhằn của các thầy cô giáo dạy môn Ngữ văn trong quá trình chấm bài kiểm tra tại lớp và chấm bài thi ở các kỳ thi quan trọng. 

Bên cạnh đó, tình trạng một số thầy cô giám khảo chưa nghiêm túc, thiếu trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ chấm thi. 

Phần bình luận dưới bài: “Dự giờ, chấm bài: hôm nay, tui bị xui rồi” của tác giả Thiên Ấn, đăng ngày 29/3/2017, báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bạn đọc có tên là Thiện Linh từng chia sẻ: 

“tôi tham gia chấm thi tốt nghiệp nhiều năm và nhiều lần thấy được sự thiếu trách nhiệm của giáo viên khi chấm thi. Có giáo viên chấm 30 bài chỉ 30 phút, sau đó ra ngoài ngồi uống cà phê. 

Có giáo viên (thường là nữ) vừa chấm bài vừa nói chuyện rất rôm rả. Có giáo viên chấm rất nhanh, có khi 1 ngày chấm được 5,6 phòng thi, khi đưa lên tổ thư kí kiểm tra thì phát hiện giáo viên này cộng điểm sai hơn phân nửa số bài. 

Dĩ nhiên những giáo viên đó không bao giờ đánh giá được chính xác bài làm của học sinh. Tổ trưởng tổ chấm, thư kí, chủ tịch hội đồng chấm, mặc biết nhưng "dĩ hòa vi quý" nhắc nhở cũng rất nhẹ nhàng rồi thôi. Vậy nên tình trạng tiếp diễn hết năm này đến năm khác”. 

Những trở ngại khi chấm thi môn ngữ văn ảnh 3

Thầy cô giáo tâm đắc với những thay đổi, định hướng mới ở môn Ngữ văn

Bên cạnh đó, là tư tưởng, thái độ dễ dãi, sớm thỏa hiệp, buông xuôi trong đánh giá bài thi của thí sinh. 

Biểu hiện như việc các giám khảo chấm kiểu “theo đuôi”, nghĩa là bài này chị cho 7 điểm, em cho 6 điểm, thôi thì theo điểm của chị, khỏi cần trao đổi, xem lại bài vừa mất thời gian mà vừa có lợi cho học sinh. 

Đáng lo hơn nữa, một số giáo viên chấm thi Ngữ văn, một bộ môn có tính đặc thù riêng biệt, ngoài đáp án, thang điểm, người chấm cần chú ý phát hiện, đánh giá cao tính sáng tạo, tính cảm xúc, tính hoàn chỉnh trong từng câu trả lời. 

Bài văn, đoạn văn của thí sinh lại rất cứng nhắc, máy móc nên các thầy cô thường cho điểm ở mức an toàn, đồng đều 5; 6; 6, 5 điểm. 

Nếu duy trì mãi cách đánh giá, chấm văn như vậy, chỉ khiến việc dạy - học văn dần bị thui chột, không khuyến khích được các em yêu và thích môn văn mà cần động viên, nâng cao chất lượng học tập cũng như giảng dạy của cả thầy và trò.

SÔNG TRÀ