LTS: Năm nay, hầu hết các môn thi quốc gia đều dưới dạng trắc nghiệm, riêng môn Ngữ văn vẫn duy trì hình thức thi tự luận.
Nêu ra những điểm mới trong công tác chấm thi môn Ngữ văn năm nay, thầy giáo Sông Trà cho rằng các thầy cô giáo sẽ bớt vất vả hơn nhiều.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Đến thời điểm này, các Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã có quyết định thành lập Ban chấm thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017.
Hai ngày, sau khi các Hội đồng coi thi, điểm thi hoàn thành nhiệm vụ coi thi, các Ban chấm thi sẽ tiến hành công tác chấm thi (từ ngày 26/6).
Nếu như các năm trước đây, các môn thi tự luận nhiều (Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lý) huy động một lực lượng lớn các thầy, cô giáo ở trường đại học, cao đẳng, trường trung học phổ thông làm giám khảo chấm thi thì năm nay, chỉ có một mình Ngữ văn là môn thi tự luận cho nên số lượng giám khảo giảm đáng kể.
Công tác chấm thi môn Ngữ văn năm nay có nhiều điểm mới. (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại) |
Các môn thi, bài thi tổ hợp theo hình thức trắc nghiệm khách quan: Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội chuyển sang máy chấm, chỉ cần bố trí một số cán bộ giám sát là được.
Như vậy, năm nay, Nhà nước, ngành giáo dục tiết kiệm được một khoản kinh phí không nhỏ vì giảm chế độ bồi dưỡng, chi trả cho một lượng lực lớn cán bộ chấm thi tự luận.
Các cụm thi đại học những năm trước, ban chấm thi các môn tự luận có sự phối hợp giữa giám khảo trường đại học, cao đẳng và giám khảo trường trung học phổ thông thì năm nay khi giao về cho các Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, thành phần giám khảo chấm môn Ngữ văn toàn là các thầy cô giáo của các trường trung học phổ thông.
Thầy cô giáo trung học phổ thông vốn đang giảng dạy trực tiếp nội dung, chương trình, đối tượng học sinh lớp 12 có nhiều thuận lợi, sâu sát hơn trong việc đánh giá, thẩm định chất lượng làm bài môn Ngữ văn so với các giảng viên trường đại học, cao đẳng.
Việc điều chỉnh, sắp xếp cán bộ chấm thi môn tự luận Ngữ văn như thế là phù hợp, nhận được sự đồng tình lớn của tất cả nhà giáo và dư luận xã hội.
Thời gian làm bài môn Ngữ văn năm nay chỉ còn 120 phút, giảm 30 phút so với các năm trước.
Thời gian làm bài giảm, yêu cầu về kiến thức, kỹ năng trong đề thi môn Ngữ văn cũng giảm theo, thay vì câu 2 là viết bài văn nghị luận xã hội (khoảng 400-600 từ) thì nay mỗi thí sinh chỉ cần viết một đoạn văn nghị luận xã hội (khoảng 200 từ).
Bộ đã giao bảo kiếm, kỳ thi thành hay bại là do các thầy, các cô |
Thời gian làm bài giảm, yêu cầu nội dung, kiến thức, kỹ năng giảm, tất nhiên công việc chấm bài môn tự luận Ngữ văn năm 2017 này của các giám khảo sẽ nhẹ nhàng phần nào.
Tại Điều 25 (chấm bài thi tự luận) của Quy chế 04/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ hướng rất cụ thể, rõ ràng Quy trình chấm và cách xử lý các tình huống thường gặp khi chấm.
Việc quán triệt quy trình chấm, tổ chức thảo luận hướng dẫn chấm, chấm chung ít nhất 10 bài thi tự luận để rút kinh nghiệm, thống nhất cách vận dụng hướng dẫn ở từng tổ chấm vô cùng quan trọng, cần thiết, không được phép hời hợt, xem nhẹ.
Một cơ sở, một chuẩn chung ban đầu sẽ giúp cho các giám khảo chấm đúng, chấm trúng, vận dụng tốt hướng dẫn chấm vào từng bài làm cụ thể của thí sinh.
Đối với môn Ngữ văn, môn học có tính đặc thù về ngôn ngữ, diễn đạt, cách hiểu khác nhau nên dễ có nguy cơ lệch điểm cao ở câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học (7 điểm).
Các câu này, lâu nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo ít chi tiết, cụ thể, khá mông lung, mơ hồ cho người chấm, sắp tới đây, hướng dẫn, đáp án cần làm rõ hơn hoặc đưa ra các tình huống, hướng gợi ý cụ thể để tổ chấm bàn bạc, thống nhất thang điểm, cách cho điểm… góp phần giảm thiểu độ vênh, lệch điểm giữa các giám khảo, các tổ, ban chấm thi.
Công tác chấm thanh tra, chấn chỉnh, xử lý những nhầm lẫn, sai phạm của giám khảo trong quá trình chấm thi cũng cần thường xuyên, kịp thời và nghiêm túc, nhẹ thì phê bình, nhắc nhở, trừ tiền, nặng thì đình chỉ chấm…
Năm nay, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng sau khi đã biết điểm thi |
Nhiệm vụ này lâu nay, mới ngày đầu thì nhiệt tình, khí thế lắm nhưng đến mấy ngày sau thì thường xao nhãng, dễ dãi, như vậy là thiếu đồng bộ, chặt chẽ.
Hơn nữa, môn Ngữ văn mấy năm nay có nhiều câu hỏi lớn, nhỏ, nếu giám khảo thiếu cẩn thận, soi xét không kỹ càng dễ dẫn đến nhầm lẫn, sai sót trong chấm, trong cộng điểm từng ý, từng câu, điểm tổng cộng toàn bài.
Đi chấm thi nhiều lần, tôi nhận thấy nhiều tổ, ban chấm thi còn mắc một số tồn tại từ giám khảo, cán bộ chấm thi mà chưa khắc phục được: nói chuyện, bình luận ngoại đề quá nhiều gây ảnh hưởng đến sự tập trung của các giám khảo khác trong phòng chấm thi.
Có giám khảo lười chấm, ra ngoài toàn tán chuyện, hút thuốc lá suốt dồn gánh nặng, vất vả, trách nhiệm cho những thầy, cô giáo nhiệt tâm, làm việc nghiêm túc.
Những tồn tại ấy, lãnh đạo tổ, ban chấm thi cần quán xuyến và có biện pháp nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời để công đoạn chấm thi vừa đảm bảo độ chính xác vừa đúng tiến độ, thời gian đề ra.