Trong vũ trụ có vô số thứ có thể “chuyển hóa” cho nhau, điều này thấy rõ nhất trong hóa học hay sự trao đổi chất trong cơ thể sống… lý luận chung của phép biện chứng duy vật trong Triết học Mác - Lênin cho rằng sự “chuyển hóa” chính là biểu hiện của cái mới ra đời thay thế cho cái cũ, ví dụ sự chuyển hóa giữa cái “đơn nhất” thành “cái chung” trong cặp phạm trù “cái chung, cái riêng, cái đơn nhất”.
Trong thế giới này, vạn vật vốn vận động không ngừng nghỉ trong mối liên hệ tác động qua lại lẫn nhau mang tính biện chứng. Có không ít sự vật, sự việc diễn biến quanh ta đã bị chân lý để lâu hóa bùn tác động khiến không ít điều bất thường trở thành… bình thường!
Cử nhân thất nghiệp sẽ còn tăng, nhưng sinh viên không có tội (Ảnh: giaoduc.net.vn). |
Có phải đây là chiều hướng phát triển mang tính tích cực như phép biện chứng duy vật đã khái quát?
Cái “đơn nhất” ấy có thể là cái xấu, cái ác, cái bất hợp lý; cũng có thể là cái hay, cái đẹp, cái tốt...
Trong hiện thực, cái “mới” ấy chỉ xuất hiện ban đầu dưới dạng cái “đơn nhất” về sau cái “mới” hoàn thiện dần và thay thế cái “cũ” để trở thành cái chung, cái phổ biến. Nhưng về sau nữa khi không còn phù hợp với thực tiễn “cái chung” có thể chuyển hóa thành cái “đơn nhất”.
Thị trường giáo dục Việt Nam: Vì sao đa số vào trận đều thua? |
Chiều hướng chuyển hóa những cái tốt nhỏ nhoi, cái hay le lói, cái tích cực mong manh thành cái tốt phổ biến, cái hay phổ quát, cái tích cực bền vững là biểu hiện cho một xã hội văn minh, tiến bộ.
Ngược lại sự chuyển hóa những cái bất thường thành bình thường là thước đo cho một xã hội đang gặp phải những vấn đề mang tính vĩ mô.
Tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Trị ngày 20/8 vừa qua, sau khi nghe Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị, Hoàng Đức Thắm phát biểu:
“Ở tỉnh ta, một năm có 1.086 học sinh bỏ học là bình thường, cứ yên tâm”, các đại biểu trong khán phòng chỉ biết nhìn nhau rồi cùng kêu: “Ồ lạ quá” (?!). [1]
Chính sách của Đảng, Nhà nước đã xác định giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu, Tư lệnh ngành giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định “giáo dục là con người” qua đó có thể thấy tính cấp thiết, tinh thần nhân đạo, nhân văn như một đặc trưng riêng có của ngành giáo dục.
Hội nhập và phát triển trong thế kỷ XXI nhất thiết phải là những công dân toàn cầu, đầy đủ trí tuệ để phù hợp với kinh tế tri thức, cho nên một bộ phận (không nhỏ) lên đến hàng ngàn con người bỏ học rồi thất học, mù chữ sẽ phát triển và hòa nhập cộng đồng như thế nào đây? Làm sao thoát cái khổ, cái nghèo nếu mù con chữ?
Viễn cảnh xấu ấy có thể dễ dàng tặc lưỡi là bình thường?
Để lý giải cho cái sự bình thường ấy vị Giám đốc Sở phân trần:
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Tôi viết thư này gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ(GDVN) - Chúng ta không bi quan về thực trạng giáo dục nước nhà nhưng cần xác định cái gì nên làm trước, cái gì nên thực hiện sau vì “dục tốc bất đạt”. |
“So với mọi năm thì con số bỏ học đó là bình thường, không có gì đột biến. Chúng tôi đã so sánh với Quảng Bình bỏ học đến 975 học sinh, còn Thừa Thiên- Huế bỏ học đến 1.121 em.
Như vậy, con số học sinh bỏ học của tỉnh ta so với các năm trước là bình thường, và so với các tỉnh khác cũng bình thường, nên cứ yên tâm, không có gì đột biến đâu”. [1]
Có phải đây là lối nghĩ “nước nổi bèo trôi”? Lương tâm của một người “thầy” làm “sếp” có áy náy, day dứt khi mỗi năm có cả ngàn học sinh bỏ học, tại sao không so sánh với các địa phương có số lượng học sinh đến trường đạt gần 100% mà hùa theo điểm yếu của địa phương khác để “chuyển hóa” khuyết điểm của mình thành… bình thường!
Lại thêm một câu chuyện bất thường được biến thành bình thường diễn ra trong giáo dục: một trường Tiểu học thị trấn ở Cà Mau đạt chuẩn quốc gia cấp độ 1 nhưng học sinh không viết nổi tên mình.
Để “chuyển hóa” cái bất thường thành bình thường, lãnh đạo trường đã ca điệp khúc muôn thuở là trường điểm lẻ, học sinh chủ yếu người Khmer xuất phát điểm thấp… Cái bình thường là thành tích trường chuẩn quốc gia chắc chắn thuộc về người lớn, còn cái bất thường là chất lượng giáo dục không đi kèm với danh hiệu thì trẻ con lãnh đủ.
Các nhà quản lý giáo dục không thể “bình thường hóa” thực trạng hàng trăm nghìn cử nhân thất nghiệp, làm sao có thể coi đó là điều bình thường khi rất nhiều cử nhân học xong chỉ để gia nhập đội quân thất nghiệp, Thạc sỹ quay lại học nghề, có bình thường không khi ở Việt Nam học càng cao càng… khó kiếm việc làm!
Nước Việt ta đang giáo dục truyền thống như thế nào? |
Đừng coi là chuyện bình thường ở một quốc gia có đội ngũ Giáo sư, Tiến sỹ hùng hậu bậc nhất nhưng cũng là nơi có ít những sáng kiến, phát minh đủ để đưa đất nước đi lên.
Một xã hội mà ai cũng muốn ngồi mát ăn bát vàng, ai cũng muốn làm thầy thiên hạ, ai cũng muốn “chạy” cho mình “tấm vé” biên chế Nhà nước đề an nhàn hưởng lương suốt đời bất kể đất nước này có nguy cơ thua cả Lào, Campuchia rồi thì ngang với các nước nghèo Châu Phi.
Có bình thường không khi nói về tình trạng tham nhũng hiện nay, một vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phải thốt lên “cả một bầy sâu” còn Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan chua xót “người ta ăn của dân không từ một thứ gì”.
Bất ổn trong đời sống, áp lực cạnh tranh sinh tồn khiến những vụ án mạng ngày càng tăng về quy mô lẫn tốc độ, chuyện giết người, đâm chém nhau vì một vài xích mích nhỏ, mỗi năm hàng ngàn người thiệt mạng vì tai nạn giao thông… được xem như chuyện chẳng có gì mới mẻ!?
Chẳng bình thường chút nào khi em bé Tây Nguyên phải tự tử vì không có áo quần mới như bè bạn trong ngày khai trường trong khi đó khắp Bắc chí Nam người ta lạnh lùng vung hàng chục ngàn tỷ đồng không thương tiếc để đầu tư các dự án xong rồi... bỏ hoang!
Giá như xóa nghèo không phải chỉ là những chỉ số tròn trịa đẹp đẽ trên giấy, giá như một người dân thiếu ăn, một đứa trẻ thiếu mặc là sự tổn thương của chúng ta.
Năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đặt ra một câu hỏi day dứt:
“Bây giờ mình không thiếu gạo, mình cũng viện trợ nơi này nơi khác, vậy tại sao để con cháu mình trong cảnh cháu mang mì, cháu mang ngô, cháu mang khoai đến lớp, rồi phải lợp chòi nấu ăn?”. [2]
Đất nước nào cũng tồn tại những điều bất thường như cái gót chân của Achilles nhưng khi có quá nhiều điều bất thường được “nuôi dưỡng” để nghiễm nhiên “chuyển hóa” thành bình thường thì đất nước ấy sẽ không bình thường.
Chẳng có thế lực thần thánh nào có thể biến những điều bất thường thành bình thường mà chính là do nếp nghĩ, nếp làm, nếp tư duy của con người tạo nên.
Cái ác, cái xấu không bị tiêu trừ tận gốc thì nó sẽ lặp đi lặp lại lâu dần trở thành đương nhiên. Thật nguy hiểm nếu như lương tâm con người bị “chai sạn” trước cái ác, cái xấu.
Tài liệu tham khảo:
[2]http://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/toi-khong-giat-minh-cau-thu-tuong-hoi-16412.html.