Phía sau hào quang PISA của một số nước châu Á

11/12/2016 07:01
Võ Xuân Quế
(GDVN) - Ai đã quen với những nước dẫn đầu PISA không lấy làm ngạc nhiên với việc tự tử, ganh đua cũng như dành tới 14-16 giờ mỗi ngày cho việc học.

LTS: Quý vị độc giả đang theo dõi bài viết của tác giả Võ Xuân Quế, một Việt kiều tại Phần Lan.

Trong bài viết gửi riêng cho Giáo dục Việt Nam lần này, ông chỉ ra các vấn đề phía sau hào quang xếp hạng PISA mà không phải ai cũng thấy.

Những học sinh và thậm chí cha mẹ các em, cả nền giáo dục phải chịu những sức ép không nhỏ để giành được thành tích cao.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến độc giả bài viết!

Sau khi kết quả của cuộc khảo sát kiến thức ba môn: Toán, Đọc hiểu và Khoa học của học sinh lứa tuổi 15 lần thứ 6, PISA 2015, của OECD được công bố vào ngày 6/12 vừa qua, các phương tiện truyền thông nhiều nước liên tục đưa tin, bình luận với những luồng ý kiến khác nhau. 

Cũng như ở PISA 2012, học sinh ba nước châu Á: Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng như Hồng Kong, Thượng Hải đạt kết quả rất cao về Toán và Khoa học, vượt xa các nước như Anh, Mỹ và ngay cả Phần Lan trong PISA 2015 như trong hai bảng dưới đây:  

Bảng xếp hạng PISA năm 2012 và 2015 môn Toán. Nguồn: trích từ OECD
Bảng xếp hạng PISA năm 2012 và 2015 môn Toán. Nguồn: trích từ OECD
Bảng xếp hạng PISA năm 2012 và 2015 môn Khoa học. Nguồn: trích từ OECD.
Bảng xếp hạng PISA năm 2012 và 2015 môn Khoa học. Nguồn: trích từ OECD.

Học sinh các nước Đông Á nói trên cũng dẫn đầu trong các cuộc khảo sát về Toán và Khoa học ở học sinh lớp 4 và lớp 8 (Trend in International Mathematiics and Science Study - TIMSS) 2011 & 2015 do Tổ chức Đánh giá giáo dục Quốc tế (International Educational Assessment - IEA) có trụ sở ở Boston (Mỹ) thực hiện.

Học sinh các nước Đông Á dẫn đầu trong các cuộc khảo sát về Toán và Khoa học ở học sinh lớp 4 và lớp 8 năm 2011 và 2015. Nguồn: Trích từ IEA
Học sinh các nước Đông Á dẫn đầu trong các cuộc khảo sát về Toán và Khoa học ở học sinh lớp 4 và lớp 8 năm 2011 và 2015. Nguồn: Trích từ IEA

Các quốc gia này đã đựa vào những kết quả từ các khảo sát ấy để phát triển hệ thống giáo dục của họ cũng như giáo viên và học sinh.

Một số quốc gia cũng đi theo mô hình của các nước này như Anh, Mỹ, Israel đang áp dụng một chương trình Toán của Singapore. Nhưng cùng với sáng kiến ấy người ta cũng chứng kiến những hiện trạng lạ thường.

Mới đây BBC có chương trình giới thiệu ba học sinh Xứ Welsh ở trường học Hàn Quốc và phát hiện ra rằng sự thực khác hơn nhiều so với những điều mà các kết quả khảo sát cho thấy.

Trẻ em Hàn Quốc đang học 14 đến 16 giờ một ngày để cạnh tranh và cuối cùng vượt qua cuộc thi vào đại học.

Học sinh Xứ Welsh không cần làm như vậy và chúng cần nhiều thời gian được vui chơi hơn. Điểm PISA của học sinh Xứ Welsh thấp hơn học sinh Hàn Quốc, nhưng so sánh chúng với nhau cũng giống như so sánh tỏi tây với kim chi. 

Các nước Châu Á-Thái Bình Dương đều dẫn đầu PISA về tất cả các môn có trong các cuộc thi vào đại học trong một môi trường xã hội cạnh tranh khốc liệt, trong khi các nước phương tây bỏ điều đó lại phía sau đã rất lâu rồi.

Thời điểm quyết định trong câu chuyện của học sinh Xứ Welsh ở Hàn Quốc là khi một học sinh Hàn Quốc nói về việc các bạn cùng lứa tự tử vì sức ép từ gia đình và thầy cô giáo về kết quả các kỳ thi vào đại học.

Tỉ lệ người tự tử cao nhất trên thế giới của Hàn Quốc (theo sau là Nhật Bản) dường như có liên quan tới sự ganh đua trong xã hội.

Tháng 10/2016, một học sinh Singapore, nước dẫn đầu mấy kì PISA liền, cũng chọn cái chết tương tự vì sức ép của kỳ thi hết bậc tiểu học (Primary School Leaving Examenation - PSLE) rất căng thẳng ở nước này. 

Trong cuốn sách: "The Smartest kids in the world and how they got that way” (2013), tác giả Amandar Ripley thuật lại lời của Bộ trưởng giáo dục Hàn Quốc: "Người Mỹ chỉ nhìn thấy mặt sáng của giáo dục Hàn Quốc. Còn người Hàn Quốc không vui với nó.

Phía sau hào quang PISA của một số nước châu Á ảnh 4

Mẫu học sinh lý tưởng mà hệ thống giáo dục Phần Lan theo đuổi là gì?

Chúng tôi đã tạo nên một con quái vật. Hệ thống đã trở nên cạnh tranh quá mức dẫn tới một tình trạng không lành mạnh về điểm số và lệ thuộc vào phụ đạo tư.

Thậm chí vào kỳ nghỉ hè thư viện đông đến nỗi học sinh phải mua vé mới có chỗ ngồi…

Điểm PISA của Hàn Quốc cao chủ yếu là do việc học không mệt mỏi của học sinh chứ không phải của các trường.”

Cuốn sách còn kể lại chuyện một học sinh ở Seoul đã giết mẹ mình để ngăn mẹ đi dự một cuộc họp phụ huynh vì sợ mẹ phát hiện ra việc cậu đã bị điểm thấp trong cuộc thi gần nhất. Mẹ cậu bắt cậu phải luôn luôn về nhất trong các cuộc thi bằng mọi giá. 

Tuy nhiên, ai đã quen với những nước dẫn đầu PISA và TIMSS không lấy làm ngạc nhiên với việc tự tử, ganh đua cũng như dành tới 14-16 giờ mỗi ngày cho việc học.

Đấy là tiêu chuẩn ở các nước ấy, chứ không phải là ở Xứ Welsh và các nước phương Tây, vì văn hóa khác nhau.

Cách thành lập và điều hành trường học ở Trung Quốc không giống như ở các nước châu Âu và ngược lại.

Ở châu Âu, trường học đào tạo học sinh cho xã hội và không quan tâm lắm đến tiếng vang trên thế giới. Nhiệm vụ của các trường là chuẩn bị cho sinh viên bước vào đời và giúp họ có một chỗ đứng trong xã hội.

Vì thế họ tập trung vào việc trang bị cho học sinh các kỹ năng cần cho công việc và sự đam mê. Trong khi đó các quốc gia châu Á thì luôn chăm chăm đến điểm số trong các cuộc thi và tên của các trường tinh hoa trên thế giới. 

Sự thực là để đạt được điểm số cao trong các khảo sát quốc tế, học sinh các nước giàu ở châu Á đã phải trả giá rất cao.

Hệ quả kéo dài với từng cá nhân thật khó biết. Việc trẻ em phải học đến tận nửa đêm mỗi ngày và không có ngày nghỉ cuối tuần đã bị bỏ qua trong các bảng thành tích.

Điều đó nói lên rằng các hệ thống giáo dục đó không giống phương Tây hay nói đúng hơn là chúng có một đích đến khác.

So sánh các quả táo với các quả cam không thể đưa đến một so sánh có ý nghĩa hay công bằng. Những ai thích cam không bao giờ cho rằng táo tốt hơn và ngược lại.

Hậu quả của sức ép thi cử và điểm số đối với học sinh đã khiến chính phủ Singapore bắt đầu giảm bớt sự quan trọng của kết quả các kỳ thi.

Từ năm 2012, nước này đã cấm việc công bố tên và điểm số của những học sinh đạt kết quả trong kỳ thi PSLE theo truyền thống.

Mùa hè vừa qua bộ giáo dục Singapore cũng đưa ra dự kiến thay đổi cách chấm điểm với điểm số bằng xếp loại theo các trình độ trong kỳ thi PSLE, sẽ được thực hiện từ năm 2021.

Mục đích là nhằm hạ nhiệt cuộc đua theo điểm số của phụ huynh và học sinh. Tuần qua, một phó giáo sư ở trường Đại học Singapore đã kêu gọi người Singapore và nhất là các em học sinh xóa bỏ nỗi sợ thay đổi quan niệm về kỳ thi PSLE, và cho rằng: các em học sinh đáng yêu và quan trọng hơn cuộc thi.

Khác với các quốc gia Đông Á, Phần Lan cũng là nước có kết quả PISA cao, song trường học Phần Lan không có sức ép như các quốc gia đó.

Học sinh Phần Lan có số giờ học trên lớp và giờ làm bài tập ở nhà ít nhất trong số các quốc gia tham gia khảo sát. Trường học không chấm điểm cho đến năm lớp 8.

Trong 12 năm học phổ thông chỉ có một kỳ thi tốt nghiệp cuối bậc học này để chuyển lên đại học hoặc đi làm.

Mặc dù trong hai kỳ PISA 2012 và 2015 Phần Lan bị sụt hạng về môn Toán, song không vì thế mà các nhà quản lý giáo dục cũng như giáo viên lo ngại.

Cái khiến họ quan tâm hơn là sự chênh lệnh giữa học sinh nam và nữ, giữa các vùng thể hiện rõ hơn các kì PISA trước.

Nhà Nobel kinh tế Bengt Holmström cho rằng: "Giáo dục Phần Lan vẫn phát triển đúng hướng và có chất lượng tốt. Không nên quan trọng hóa kết quả PISA. Điều quan trọng là trang bị cho học sinh những kiến thức cần thiết cho cuộc sống của các em sau này".

Bài viết thể hiện nhận thức, quan điểm, cách nhìn và cách hành văn của riêng tác giả.

Võ Xuân Quế