Theo Phó giáo sư Lê Đức Ngọc (Đại học Quốc gia Hà Nội) chỉ ra những bối cảnh môi trường tác động đến quá trình xây dựng hệ thống giáo dục đại học mở ở nước ta hiện nay gồm:
Bối cảnh kinh tế: phát triển kinh tế tri thức toàn cầu hóa với/trên nền tảng là kinh tế thị trường và công nghệ 4.0.
Bối cảnh chính trị: xây dựng nhà nước pháp quyền, quản lý thông qua luật pháp với việc thúc đẩy giao quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình cao cho các cơ sở giáo dục đại học.
Bối cảnh xã hội: bùng nổ dân số, chỉ có giáo dục mới chuyển được gánh nặng dân số thành lợi thế trong nền kinh tế tri thức toàn cầu hóa;
Bùng nổ tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ số, và tiến bộ khoa học giáo dục trong thời đại công nghệ 4.0, buộc phải đổi mới căn bản toàn diện giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng.
Theo Phó giáo sư Lê Đức Ngọc, hoạt động kiểm tra đánh giá mở cần hiểu theo nghĩa người học cùng tham gia đánh giá tiểu luận môn học và dùng công nghệ để kiểm tra đánh giá tích lũy tín chỉ. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn) |
Với bối cảnh như vậy, vừa là tiền đề, vừa là cơ hội và cả vừa là động lực dẫn đến xây dựng hệ thống giáo dục đại học mở, Phó giáo sư Lê Đức Ngọc đề xuất một số nội dung xây dựng hệ thống giáo dục đại học mở.
Thứ nhất, mở đầu vào cho hệ thống giáo dục đại học
Trên cơ sở kiểm định chất lượng chương trình đào tạo và cơ sở đào tạo, cần có chính sách:
Tuyển sinh mở: tùy theo nguồn lực (cơ sở vật chất và nhân lực) và năng lực (tổ chức và quản lý) của cơ sở giáo dục nhằm đáp ứng bùng nổ dân số và toàn cầu hóa nguồn nhân lực.
Trong tương lai học chính quy cũng không cần phải đến trường |
Đội ngũ nhân sự mở: thành lập các hội đồng quản trị/hội đồng trường, hội đồng khoa học, hội đồng giảng viên mở (ít nhất 1/3 là người ngoài), theo vùng miền (thù lao theo đóng góp)nhằm giảm tải “biên chế” và nâng cao hiệu quả nguồn nhân lực cho các cơ sở giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học.
Tài chính mở: mở rộng các nguồn và tỷ lệ thu hợp pháp (học phí, tài trợ, thương vụ khoa học và dịch vụ...); như vậy, mới có nguồn lực tài chính để nâng cao chất lượng các nguồn lực đầu vào và các sản phẩm đầu ra.
Cơ sở vật chất mở: mở các địa điểm, phòng học, trang thiết bị thực hành...để tổ chức các hoạt động giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học và dịch vụ công đồng (qua hợp tác hoặc thuê bao sử dụng) để giảm tải đầu tư cho cơ sở vật chất và nâng cao hiệu suất sử dụng cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục đại học.
Thông tin mở: xây dựng kho học liệu mở làm nguồn miễn phí và giảm phí cho người dạy, người học trong và ngoài cơ sở giáo dục (giáo trình, bài giảng, ngân hàng câu hỏi bài tập các môn học... ở các dạng văn bản, băng hình, băng tiếng...);
Như vậy, mới có điều kiện tốt để đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và dịch vụ công đồng.
Ngoài ra, thông tin mở còn để thực hiện đầy đủ trách nhiệm giải trình,công khai đối thoại về chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ sở giáo dục đại học với các bên liên quan.
Thứ hai, mở đối với hoạt động đào tạo
Trên cơ sở thông tin mở về các chương trình đào tạo và nguồn học liệu mở cho các bậc học cao đẳng, cử nhân và thạc sỹ của cơ sở đào tạo, thực hiện:
Tùy theo nhu cầu và hoàn cảnh người học được phép tích lũy ít nhất 1/3 số tín chỉ của chương trình dạy học ở các cơ sở đào tạo khác nhằm mới giảm tải đầu tư nguồn lực và nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo của cơ sở giáo dục đại học.
Hoạt động dạy học mở theo nghĩa dạy cách học qua các kiến thức cốt lõi để có năng lực tự chiếm lĩnh/tự kiến tạo kiến thức mới suốt đời để tạo được năng lực học suốt đời và mới thực sự xây dựng được xã hội học tập.
Hoạt động kiểm tra đánh giá mở theo nghĩa người học cùng tham gia đánh giá tiểu luận môn học và dùng công nghệ để kiểm tra đánh giá tích lũy tín chỉ qua ngân hàng câu hỏi bài tập mở để nâng cao được chất lượng hoạt động kiểm tra đánh giá chính xác, khách quan; đảm bảo chất lượng sản phẩm đào tạo.
Mở về cấp văn bằng chứng chỉ nghĩa là căn cứ vào kết quả tích lũy theo trình độ (theo chương trình) cao đẳng, cử nhân hay thạc sỹ và mức độ năng lực tích lũy được (thể hiện qua điểm số) để cấp bằng cao đẳng, cử nhân hay thạc sỹ tương ứng với trình độ;
Điều đó có nghĩa là người học tham gia tích lũy các tín chỉ của bậc học cao, nhưng vẫn có thể chỉ cấp văn bằng, chứng chỉ ở bậc học thấp hơn, do điểm trung bình chung tích lũy thấp;
Như vậy, mới thúc đẩy động cơ học tập của người học và chất lượng sản phẩm được nâng cao, vì cấp bằng đúng với trình độ người học.
Thứ ba, mở đối với hoạt động nghiên cứu và dịch vụ cộng đồng
Theo đó, cần mở về triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu và dịch vụ cộng đồng, điều đó có nghĩa là định kỳ đánh giá tiến độ thực hiện đề tài để điều chỉnh chủ nhiệm hay các thành viên thực hiện đề tài để đảm bảo thực hiện đề tài đúng hạn đề ra và đảm bảo chất lượng kết quả thực hiện.
Mở về nguồn nhân lực và tài lực để thực hiện đề tài, điều đó có nghĩa là định kỳ tham vấn chuyên gia và thẩm định tài lực để điều chỉnh kịp thời nguồn lực cho các hoạt động thực hiện đề tài, đảm bảo tiến độ và chất lượng kết quả thực hiện.
Và mở về cách đánh giá kết quả nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ qua phản biện kín và hội đồng nghiệm thu kết quả nghiên cứu hay dịch vụ cộng đồng; có như vậy mới đảm bảo đánh giá chính xác, khách quan về chất lượng và kết quả thực hiện đề tài.