Khi kết thúc Hội thảo khoa học quốc gia “Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế" do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức ngày 16/5, Giáo sư Trần Hồng Quân chia sẻ:
Có thể nói rằng hội thảo đã thành công, trước hết là do chủ đề “giáo dục mở” là quan trọng, thiết thực vì vậy nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của nhiều báo cáo viên.
Được biết, tính tới thời điểm diễn ra hội thảo, Hiệp hội đã nhận được hơn 130 bài tham luận và đang còn một số thầy cô dự kiến sẽ gửi bài.
Thông qua các ý kiến sôi nổi từ nhiều nhà khoa học tới dự hội thảo, cụ thể về khái niệm thế nào là hệ thống giáo dục mở còn nhiều ý kiến phân tán rằng đó là hệ thống có tính mở hay hệ thống giáo dục mở.
Theo Giáo sư Trần Hồng Quân: “Tự chủ là yếu tố quan trọng vì suy cho cùng tự chủ chính là một giải pháp mở” (Ảnh: Thùy Linh) |
Tuy nhiên theo Giáo sư Trần Hồng Quân: “Chúng ta không cần bàn quá nhiều về khái niệm mà chúng ta thống nhất với nhau rằng giáo dục mở là cần thiết, quan trọng đặc biệt trong giai đoạn hiện nay”.
Về vấn đề tự chủ đại học các báo cáo viên nhắc tới không nhiều nhưng trong ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội thảo đã nhắc nhiều còn theo Giáo sư Trần Hồng Quân: “Tự chủ là yếu tố quan trọng vì suy cho cùng tự chủ chính là một giải pháp mở”.
Bởi lẽ, tự chủ gắn liền với nhiều yếu tố từ tự chủ học thuật tức là được mở về mục tiêu đào tạo, cấu trúc ngành nghề, thậm chí theo thông tin từ Giáo sư Trần Hồng Quân, 10 năm tới 65% những ngành nghề mới sẽ xuất hiện thì bây giờ hoàn toàn chưa có, có nghĩa là sự biến đổi ngành nghề rất lớn buộc các trường phải thích nghi với sự chuyển đó chứ không thể cứ cố định với danh mục ngành nghề hiện nay.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: phải tạo sức ép, buộc các trường tự chủ |
Ngoài ra, tự chủ tổ chức giúp nhà trường hoàn toàn tự cấu tạo bộ máy tổ chức của mình một cách gọn nhẹ, có hiệu quả mà không cần giống hệt với mô hình của các trường khác.
Và trường tự tuyển, sử dụng, sàng lọc, đãi ngộ đội ngũ để tạo ra động lực phát triển và tìm cách quản lý các loại vốn khác nhau trong một cơ sở giáo dục.
“Bản thân tự chủ đã mang tính mở và yếu tố mở đó mang tính xã hội hóa, dân chủ hóa do vậy tự chủ đại học đang là vấn đề mang tầm chiến lược, mang sinh khí mới cho nền giáo dục đại học”, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng nhấn mạnh.
Còn giáo dục mở đối với phổ thông thì cần tập trung vào mục tiêu đào tạo để nắm được giáo dục muốn xây dựng con người kiểu gì.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Trần Hồng Quân, yếu tố vô cùng quan trọng ở giáo dục mở đó là ý chí, năng lực tự học của người học, nếu thiếu điều này thì người học khó thành công, vì vậy, nhà trường cần có ý thức bồi dưỡng giúp đỡ họ.
Trong khi nhiều người cho rằng chúng ta đã có hai viện đại học mở, đã xây dựng tài nguyên học tập mở, nhưng nếu quan niệm giáo dục mở chỉ vậy thôi là còn hẹp.
Việc cần làm lúc này là cần đánh giá lại mô hình của 2 Viện đại học mở từ đó rút ra bài học xem nên tăng cường đầu tư thế nào cho phù hợp cả về cơ chế lẫn nguồn lực để 2 cơ sở này có vai trò thỏa tháng trong giáo dục mở. Đó là ý kiến của Giáo sư Trần Hồng Quân.
Trong bối cảnh hiện nay, khi công nghệ thông tin phát triển mạnh và có sự chuyển biến về chất ở các nước phát triển ảnh hưởng tới các nước đang phát triển tức là đang có sự dịch chuyển tư duy, phương tiện từ bắc tới nam.
Do đó, chúng ta cần nghiên cứu, cố gắng học cả tư duy của họ, cái gì học được, cái gì cần sàng lọc từ đó rút kinh nghiệm.
Đồng thời cần tăng cường giáo dục đại cương bởi đây là vấn đề xu thế quốc tế nhằm tạo bản lĩnh cơ bản của người được đào tạo, năng lực tư duy và kỹ năng cơ bản; quan tâm tới vấn đề sở hữu trí tuệ khi sử dụng tài nguyên giáo dục mở đặc biệt cần phải tính đến việc đầu tư thỏa đáng để kiểm soát chất lượng ổn định.
Cuối cùng, Giáo sư Trần Hồng Quân thông tin, sau hội nghị, tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, thầy cô, Hiệp hội sẽ làm báo cáo gửi các cơ quan có liên quan trong thời gian sớm nhất.