Phụ huynh ơi, sao lại đánh cô, chửi thầy?

09/12/2018 07:35
Trần Phương
(GDVN) - Xúc phạm thầy cô giáo để bênh con mình chắc chắn không phải là cách hành xử văn minh, ngược lại nó còn làm cho sự việc càng thêm phức tạp.

Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, ngày 30/11, một vị nữ phụ huynh đến Trường Trung học cơ sở Trần Huỳnh (thành phố Bạc Liêu) có lời nói xúc phạm thầy giáo rồi quay phim và tung lên mạng xã hội gây xôn xao dư luận.

Hành vi của vị phụ huynh lập tức nhận được sự phản ứng của cư dân mạng. Phần đông các ý kiến đã phê bình vị phụ huynh học sinh.

Đáng nói, lý do xúc phạm thầy giáo hết sức vô lý, dường như, dư luận đang cảm thấy dù bất kỳ lý do nào, phụ huynh cũng có thể gây gổ và đổ lỗi cho thầy cô giáo.

Đây không phải lần đầu tiên phụ huynh học sinh lăng mạ, dùng nắm đấm với thầy cô giáo.

Tháng 6/2018, chỉ vì nghi ngờ trên cơ thể con là do cô giáo đánh, ông Phan Minh Th. - phụ huynh học sinh trường mầm non Sen Hồng (đường số 33, thôn Thanh Quýt, xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đã kéo người tới trường đánh một giáo viên mầm non, khiến cô bị thủng màng nhĩ.

Tháng 3/2018, cũng chỉ vì nghi ngờ vết tím trên người con mình do cô giáo gây ra, một phụ huynh tại Trường mầm non Việt Lào (Thành phố Vinh, Nghệ An) cũng đã đánh một cô giáo đang mang thai nhập viện.

Trước đó, tháng 10/2017, phụ huynh tại Trường tiểu học Đặng Cương (huyện An Dương, Hải Phòng) cũng đã xông vào lớp đánh giáo viên ngất xỉu tại lớp chỉ vì cô giáo phạt con họ.

Nắm đấm, nhục mạ, xỉ vả các thầy cô giáo không làm con họ ngoan hơn, giáo dục thân thiện hơn. (Ảnh minh họa: Giaoduc.net.vn)
Nắm đấm, nhục mạ, xỉ vả các thầy cô giáo không làm con họ ngoan hơn, giáo dục thân thiện hơn. (Ảnh minh họa: Giaoduc.net.vn)

Không biết từ bao giờ, phụ huynh và nhà trường lại có nhiều hành động đối đầu bằng những cách vô văn hóa như thế.

Sau những sự việc xảy ra, các bên đều có lý giải khác nhau. Nhiều người có thể lấy lý do về bạo lực học đường trong thời gian gần đây hay những cái tát trong ngành giáo dục để lý giải hành động của mình.

Thế nhưng, không thể lấy đó làm lý do để phụ huynh học sinh có cái quyền “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với các thầy cô giáo hay dùng đủ ngôn từ thấp hèn nhất để xúc phạm các thầy cô giáo.

Ngày nay, gần như mỗi khi một vụ bạo lực học đường xuất hiện, xã hội sẽ đổ lỗi cho hệ thống giáo dục có vấn đề.

Con hư, con xấu con học chưa tốt, đổ tại thầy cô giáo.

Khi có bất kỳ vấn đề tiêu cực nào, thầy cô giáo cũng trở thành đối tượng bị chỉ trích.

Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều sự việc đau lòng khi giáo viên bị chính học trò của mình khinh rẻ.

Và cũng vì phạt con lỗi, các vị phụ huynh sẵn sàng dùng nắm đấm đề “nói chuyện” với thầy cô giáo.

Phụ huynh ơi, sao lại đánh cô, chửi thầy? ảnh 2Dù thế nào, đừng bao giờ xúc phạm thầy cô

Những vụ việc tiêu cực, những cái tát trong giáo dục thời gian qua là những con số đau lòng có thật, đây cũng là những lời cảnh báo hết sức nghiêm trọng đối với giáo dục.

Nhưng không vì những vụ việc như thế mà phủ nhận hàng vạn thầy cô đang ngày đêm lăn lộn vì sự nghiệp trồng người, nhất là ở các vùng biên giới, hải đảo, vùng khó khăn.

Hàng vạn thầy cô giáo khác đang mang trong mình sứ mệnh trồng người.

Thầy cô giáo không chỉ đơn thuần dạy học sinh làm người qua con chữ mà phải đưa các em đến gần với chân-thiện-mỹ bằng chính nhân cách sống của mình.

Nghề giáo, thời nào, nơi nào cũng vậy, làm nghề phải hy sinh, phải thương yêu, gieo hạt giống tâm hồn cao thượng cho cuộc đời.

Không có lý do gì mà ông cha ta đã truyền dạy: “Tiên học lễ, hậu học văn”, các con liệu có học được hay “bị quên lãng” và bị giả vờ không hiểu bởi những điều thực dụng trong cách nghĩ cách làm của chính các vị phụ huynh?

Nắm đấm, những lời mắng nhiếc các thầy cô giáo ngay trên bục giảng có góp phần cho giáo dục được tốt hơn không?

Rõ ràng là không thể mà nó chỉ tạo ra sự đối đầu không mong muốn giữa nhà trường và phụ huynh. 

Đối tượng thiệt thòi chính làcác em học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường.

Sự nghiệp giáo dục không chỉ giao hết cho nhà trường là có thể đào tạo ra con em họ thành “con ngoan, trò giỏi” ngay được.

Giáo dục con cái là sự chung tay, chia sẻ của nhà trường, gia đình, xã hội.

Đấu tranh với cái xấu, tiêu cực và những cái chưa được trong trường họ là việc cần làm nhưng không vì những tiêu cực xảy ra mà dùng nắm đấm, lời thóa mạ thầy cô giáo để giải quyết.

Hành xử văn minh phản ánh đúng nơi đúng chỗ, góp phần loại bỏ cái xấu, cái chưa tốt để chung tay xây dựng môi trường giáo dục ngày càng tốt hơn.

Hình ảnh phụ huynh kéo đàn kéo lũ đá, đạp cô giáo, là hành động nhẫn tâm và man rợ chứ không phải thiếu văn hóa nữa.

Trần Phương