Học sinh Hà Nội không biết tên Thủ đô:

Quan chức từ chức ở Bộ Giáo dục: "Học sinh kém do nền giáo dục kém"

18/12/2012 06:40
Xuân Trung
(GDVN) - Xung quanh những bức xúc của giáo dục Việt Nam hiện nay, PGS.TS Nguyễn Kế Hào – nguyên Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học (Bộ GD&ĐT) nói: Lí do vì đâu mà học sinh ngày càng thiếu hiểu biết, đến tên Thủ đô, Hồ Gươm hay những kiến thức đơn giản về lịch sử cũng không biết? Đó là do chương trình sách. Cần có được chuẩn chương trình lớp học và phải được công khai cho toàn dân, nếu cần có thể tiếp cận được. Không có chuẩn đó nên học sinh thường xuyên bị “dọa”, đó là cái bệnh của những người không mang bệnh.
LTS: Sau khi thực hiện một loạt các clip trắc nghiệm kiến thức cơ bản về lịch sử và đời sống của học sinh tại Hà Nội, Báo Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận những chia sẻ sâu sắc của PGS.TS Nguyễn Kế Hào, người đã dũng cảm từ chức vào năm 2001 để phản đối việc thay đổi chương trình dạy tiểu học. Theo PGS.TS Nguyễn Kế Hào, việc học sinh Hà Nội không biết tên Thủ đô, không biết Hồ Gươm ở đâu, không biết các anh hùng lịch sử dân tộc... không phải lỗi của các em.

Muốn cho giáo dục tốt phải đồng bộ
Nguyên Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Kế Hào cho rằng, lí do vì đâu mà học sinh ngày càng thiếu hiểu biết, đến tên Thủ đô, Hồ Gươm hay những kiến thức đơn giản về lịch sử cũng không biết? Đó là do chương trình sách. Ngoài chương trình sách ra nếu không dạy, không thi, không kiểm tra học sinh sẽ không học. Hiện chương trình sách đang ở mức quá tải, học sinh đến nỗi không còn có thời gian xem tivi như là một kiến thức bổ trợ, ngoại khóa nên những phông hiểu biết cơ bản về cuộc sống đương nhiên là cũng không biết.

Thời gian còn lại học sinh phải đi học thêm, ngoài học sinh  giáo viên cũng cảm thấy quá tải. Tất cả là do “cái cổ” của chương trình học không tạo ra hứng thú, không có cách dạy mới,vẫn kiên trì cách dạy giao bài tập cho học sinh trên lớp để nhanh hết giờ.

Lí do vì đâu mà quá tải, PGS Hào nói rằng, từ khi chương trình sách triển khai năm 2002 đã có những bất ổn, thiếu người tổng chỉ huy, thiếu đồng bộ, chia nhỏ thành từng nhóm, từng tác giả làm sách. Vậy nên đã không tìm ra lối thoát và tiến hành giảm tải. Giảm tải ở đây không phải là chương trình cao mà chính là thừa, rườm rà, thiếu logic, không hợp lí, cái cần thì lại thiếu, cái có trong chương trình thì lại không để làm gì.
Theo ông Nguyễn Kế Hào, cấp tiểu học phải là những cấp đậm tính dân tộc. Hiện nay nhiều người ảo tưởng tiểu học phải hội nhập quốc tế ngay, điều đó là không nên. Ảnh Xuân Trung
Theo ông Nguyễn Kế Hào, cấp tiểu học phải là những cấp đậm tính dân tộc. Hiện nay nhiều người ảo tưởng tiểu học phải hội nhập quốc tế ngay, điều đó là không nên. Ảnh Xuân Trung
Tuy nhiên, giảm tải cũng là một quá trình. “Ngay từ năm 2004 tôi đã nói, sửa chữa còn khó hơn làm mới. Cái tệ bây giờ là không có tiền người ta không làm, đáng nhẽ tác giả phải chịu trách nhiệm khi chương trình không thích hợp. Nhưng chương trình quá tải mà bắt giáo viên giảm tải thì họ không đủ sức vì tác giả còn không xử lí được”, ông Hào nói về sự bất cập trong làm sách giáo khoa.

PGS Nguyễn Kế Hào cũng bày tỏ quan điểm, qua những clip do Báo Giáo dục Việt Nam thực hiện mà kết luận là học trò kém thì chưa chuẩn. Học sinh mà học kém thì đầu tiên phải là do nền giáo dục kém, do thiếu sót ở một khâu nào đấy. Bảo học sinh Trường Nguyễn Khả Trạc mà không biết ông Nguyễn Khả Trạc là ai thì không được. Những danh nhân này không có trong chương trình, lỗi này là lỗi chỗ khác chứ không phải giáo viên, cũng không phải tại học sinh. “Mình lâu nay coi sách là một pháp lệnh, không được hạ xuống. Đáng nhẽ chúng ta chỉ quản mục tiêu và chuẩn kiến thức kĩ năng, còn sách giáo khoa phải được sư phạm hóa để có những bộ sách khác nhau”, ông Hào đề nghị.

PGS.TS Nguyễn Kế Hào bật mí, Trung tâm Công nghệ giáo dục (NXB Giáo dục Việt Nam) đang triển khai làm bộ sách phục vụ cho công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục sắp tới, trước hết trong cấp tiểu học.

Với mục tiêu hướng tới là học sinh lớp 1, sau 1 năm học có thể đọc thông viết thạo, không phải học trước, không phải học thêm, không thể tái mù chữ. Do vậy, tài liệu và phương pháp linh hoạt là quan trọng, còn mục tiêu quốc gia phải thống nhất. Tuy nhiên, chuẩn kiến thức kĩ năng là những cái tối thiểu quy định như học xong tiểu học phải đạt ở mức nào, lớp 1 phải đạt như thế nào, không ngoại trừ cả hiểu biết xã hội và hành vi lối sống. Theo ông Nguyễn Kế Hào, cấp tiểu học phải là những cấp đậm tính dân tộc. Hiện nay nhiều người ảo tường tiểu học phải hội nhập quốc tế ngay, điều đó là không nên.
Vẫn nặng về nền giáo dục ứng thí, thi cử

Đứng trước thực trạng dạy thêm, học thêm tràn làn như hiện nay ông Nguyễn Kế Hào lắc đầu nói rằng, đó chỉ chỉ hô khẩu hiệu, muốn làm phải đồng bộ từ trên. Trước hết phải đổi mới quan niệm về giáo dục trong cả ngành, trong toàn dân và trong mỗi gia đình. Cần phải có một triết lí giáo dục khác, chúng ta phải xác định được học để làm gì sau đó mới tính đến học cái gì và học như thế nào. 

Theo ông Hào, cần có được chuẩn chương trình lớp học và phải được công khai cho toàn dân, thậm chí phụ huynh nếu cần có thể tiếp cận được. Không có chuẩn đó nên học sinh thường xuyên bị “dọa”, đó là cái bệnh của những người không mang bệnh. Việc tổ chức học thêm cũng cần được công khai minh bạch.

Nhưng, tâm lí muốn con đi học thêm của phụ huynh cũng khó thay đổi vì con hàng xóm đi học, đi học để được điểm cao hơn. Đây là một xu thế của cơ chế thị trường, bố mẹ kiếm được nhiều tiền, kinh tế khá giả thì không việc gì phải để con ở nhà, cho con đi học để có người quản lí, trông nom và yên tâm hơn. Trong tương quan đó, có giáo viên vẫn có mức sống thấp nhưng cũng có giáo viên khá giả lên vì dạy thêm. 

Theo ông Nguyễn Kế Hào, nền giáo dục của chúng ta đã quá nặng về thi cử, điểm số nên giáo viên chỉ cần đưa điểm ra dọa là học sinh sợ phải học thêm. Nói cách khác chúng ta vẫn chưa có điều kiện, muốn chống dạy thêm, học thêm thì giáo dục toàn diện phải tăng, trường sở phải có sân chơi, bãi tập có điều kiện tổ chức các hoạt động mới phát triển được toàn diện, hơn nữa sẽ giảm nhẹ đi, làm cho cân bằng lại. 

Theo lời PGS Nguyễn Kế Hào, cần phải nhìn lại quãng thời gian trước đó để thấy được nền giáo dục chậm phát triển như thế nào. “Thời trước giáo dục còn lành mạnh hơn bây giờ. Thời tôi làm ở Bộ GD&ĐT, cấp tiểu học mới tái lập lại, bắt đầu dạy 2 buổi/ngày, có trường chuẩn... Lúc đó cũng có giảm tải để đảm bảo phổ cập. Thời đó còn nghèo, không có điều kiện như bây giờ, nhưng dù sao tương đối thật hơn, giáo viên không đi làm thêm, dân cũng nghèo nên ít tiêu cực, cũng ít người giàu để có thể dùng đồng tiền để lũng loạn”.

Nguyên Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học nói tiếp, muốn giáo dục phát triển phải làm đồng bộ, phải từ những cái rất cơ bản và phải đổi mới. Tất cả vì học sinh thân yêu, dạy tốt, học tốt. Đó là triết lí của Bác Hồ, nhưng lâu nay chúng ta dường như đã lãng quên, đành rằng mỗi thời mỗi khác nhưng phải xác định được khái niệm dạy tốt, học tốt từ đấy mới đẩy lùi được tiêu cực.
“Chương trình sách sau 2015 đang khởi động, nhưng tôi nghĩ chúng ta nên rút ngắn chương trình học xuống còn 11 năm cấp phổ thông để bớt lãng phí thời gian của thế hệ trẻ. Có người nói kết thúc phổ thông sớm thể thì làm được gì? Rõ ràng các em đã 16-17 tuổi, học xong nếu không học tiếp thì tìm con đường khác, có thể tham gia lao động, hoặc tham gia các hoạt động xã hội, đi nghĩa vụ quân sự” - PGS.TS Nguyễn Kế Hào.
Xuân Trung