Quang Trung và Nguyễn Huệ có còn là anh em trong môn lịch Sử mới?

22/01/2019 06:43
NGUYỄN CAO
(GDVN) - Thực tế ở trường phổ thông hiện nay có nhiều học sinh không thích môn Lịch sử và thường là nắm kiến thức lịch sử dân tộc rất mơ hồ.

Thực tế ở trường phổ thông hiện nay có nhiều em học sinh không thích môn Lịch sử và nắm về lịch sử dân tộc rất mơ hồ.

Trong quá trình giảng dạy, nhiều lúc chúng tôi hỏi học trò về lịch sử dân tộc qua các thời kỳ thì nhiều em học sinh không nắm được.

Điều này cũng được thể hiện rất rõ trong kết quả của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia ở các năm học vừa qua. Đây thực sự là nỗi lo cho những công dân tương lai nhưng lại chưa chú tâm vào lịch sự của dân tộc mình.

Học sinh Hải Phòng học tập, trải nghiệm môn Lịch sử ( Ảnh : Lã Tiến)
Học sinh Hải Phòng học tập, trải nghiệm môn Lịch sử ( Ảnh : Lã Tiến)

Sáng 21/1/2019, khi đi tham quan tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có những trăn trở về môn Lịch sử trong nhà trường, trong đó có đoạn:

Nhân đây tôi còn trăn trở muốn chia sẻ với đồng bào, đồng chí: Tại sao lịch sử chưa phải là môn học hấp dẫn đối với học sinh, sinh viên chúng ta?

Nếu không thay đổi thực tế này thì làm sao chúng ta bồi dưỡng tinh thần, ý thức dân tộc;

Và, nếu không thay đổi được thực tế này thì chúng ta khó có thể động viên, lôi kéo những tài năng trẻ, những thanh niên ưu tú của Việt Nam trên khắp thế giới về đây cống hiến, phụng sự quốc gia”.

Từ những trăn trở của người đứng đầu Chính phủ cũng như thực tế giảng dạy và kết quả thi Trung học phổ thông Quốc gia trong những năm qua cho ta thấy lời trăn trở của Thủ tướng là hoàn toàn có thể lý giải được.

Quang Trung và Nguyễn Huệ có còn là anh em trong môn lịch Sử mới? ảnh 2Tại sao điểm thi quốc gia môn Lịch sử của học sinh Hải Phòng thấp?

Học sinh, sinh viên không thích Sử hoặc môn Sử chưa hấp dẫn được các em có nhiều nguyên nhân.

Nhưng, theo chúng tôi có những nguyên nhân cơ bản sau:

Thứ nhất: Các cuốn sách giáo khoa Lịch sử giảng dạy ở trường phổ thông, cũng như giáo trình cho sinh viên đại học hiện nay còn qúa nặng về kiến thức sự kiện, số liệu, chỉ đề cập đến chiến thắng này, cuộc khởi nghĩa nọ một cách khô khan, chưa hấp dẫn.

Chính vì vậy mà giáo viên khi đứng lớp chỉ có thể đảm đương được nội dung trong sách giáo khoa nên có rất ít thời gian để giới thiệu những gì ngoài sách giáo khoa cho học trò.

Thứ hai: Phần lớn học sinh bây giờ ít được tiếp cận được những thư viện có nhiều đầu sách về lịch sử. Những tủ sách địa phương mới giới thiệu được một số sách về kiến thức pháp luật, trồng trọt, chăn nuôi…

Còn ở thư viện nhà trường thì quá nghèo nàn về các đầu sách, chỉ quẩn quanh vài quyển sách cũ về giáo trình, sách tham khảo, sách giải bài tập, vài đầu sách truyện tranh…

Thứ ba: Một bộ phận học sinh thời nay rất ít đọc sách, ngại tìm tòi, đặc biệt là sách về lịch sử - một mảng đề tài có phần khô khan, nhiều số liệu và sự kiện.

Thứ tư: Việc dạy học môn Sử hiện nay ở nhà trường chưa được coi trọng, các em học sinh thì chỉ chăm chú vào những môn học để thi.

Thầy cô thì cũng loay hoay để hoàn thành môn học bằng những gì mà sách giáo khoa và Hội đồng bộ môn hướng dẫn, chưa tạo được sự thích thú, hấp dẫn cho học trò.

Quang Trung và Nguyễn Huệ có còn là anh em trong môn lịch Sử mới? ảnh 3Lịch sử như chiếc bánh trôi…

Chính vì vậy, để giới trẻ hiểu biết về lịch sử, yêu thích lịch sử dân tộc là điều người lớn chúng ta nên làm và cần chú trọng ngay từ những ngày các em học sinh đang còn ngồi trên ghế nhà trường.

Bởi đây là quãng thời gian lý tưởng nhất, phù hợp nhất để các em hiểu về dân tộc, hiểu về ông cha mình đã dựng xây nên đất nước hôm nay.

Muốn làm được điều này không phải là một điều quá khó đối với các nhà lịch sử, các nhà quản lý giáo dục và ngay cả với những thầy cô đang đứng lớp và các em học sinh.

Trước hết, những sự kiện lịch sử, những cuộc khởi nghĩa, những chiến thắng chúng ta không nên viết chung chung, nặng về sự kiện, số liệu mà chỉ cần viết khách quan, ngắn gọn, dễ hiểu và trọng tâm.

Không nên quá chú trọng trang bị kiến thức bề rộng mà cần hướng tới chiều sâu lịch sử. Bởi, thực tế, sách lịch sử hiện nay nhiều chỗ còn đang rất mơ hồ, vừa thiếu nhưng lại vừa thừa.

Trong qúa trình thầy cô đứng lớp cần mở rộng thêm vấn đề, nêu lên những gì mà sách sách giáo khoa chưa có, chưa đề cập để tạo tính hấp dẫn cho môn học mà mình giảng dạy.

Điều này đòi hỏi người thầy phải thường xuyên cập nhật, tìm hiểu thêm để truyền đạt cho các em hiểu hơn về lịch sử dân tộc.

Ngoài ra, những thầy cô dạy Sử cần khuyến khích các em tìm hiểu thêm trên các tài liệu tham khảo, trên mạng internet bằng hình thức ra các bài tập nhóm để các em có thể tiếp cận lịch sử một cách sâu sắc.

Ngày 27/12/2018 vừa qua, Bộ Giáo dục đã thông qua chương trình môn học và tiến tới năm 2020-2021 là áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới.

Đây là lúc chúng ta cần có những định hướng tốt nhất để thay đổi cách viết, cách dạy và cách học học Sử hiện nay.

Các nhà biên soạn sách giáo khoa cần đưa những sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử đến với các em học sinh một cách gần gũi hơn.

Đây cũng là điều mong muốn chính đáng của các thầy cô giáo, học sinh và mọi người dân trong cả nước. Để mỗi khi nhắc về môn Sử thì chúng ta không còn phải trăn trở như hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Thu-tuong-Tai-sao-lich-su-chua-phai-la-mon-hoc-hap-dan/357488.vgp

NGUYỄN CAO