Điều này nghe có vẻ ngược với chủ trương nhưng đó là sự thực khi ngày 25/1, Bộ GD&ĐT công bố kết quả rà soát ngành ĐH, CĐ trong trường đại học. Theo đó, 207 ngành hệ đại học của 71 cơ sở đào tạo từ năm 2014 bị đề nghị dừng tuyển sinh do không đáp ứng các điều kiện quy định. Trong đó, có nhiều ngành văn hóa nghệ thuật mang tính đặc thù.
Kết quả rà soát này xuất phát từ Thông tư số 08/ 2011/TT-BGDĐT ngày 17/2/2011 của Bộ GD&ĐT, do Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ký về nội dung: Quy định điều kiện, hồ sơ, quy trình mở ngành đào tạo, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học, trình độ cao đẳng. Trong đó, điều kiện để được mở ngành là các ngành phải có đội ngũ giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy tối thiểu 70% khối lượng của chương trình đào tạo, trong đó có ít nhất 01 giảng viên có trình độ tiến sĩ và 03 giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký (đối với ngành bậc đại học), việc cho dừng tuyển sinh cũng dựa vào tiêu chí này.
Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực cho điện ảnh có nguy cơ không đạt khi nhiều ngành đào tạo thuộc lĩnh vực này bị dừng tuyển sinh. Anh minh họa |
Với yêu cầu trên, sau khi rà soát đã có ít nhất 2 cơ sở đào tạo về điện ảnh là Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội và Trường ĐH Sân khấu điện ảnh TP.HCM (chưa kể các ngành nghệ thuật thuộc các Học viện trong cả nước) có ngành bị đề nghị dừng tuyển sinh. Trong đó, trường ĐH Sân khấu điện ảnh đóng tại Hà Nội có tới 15 ngành bị đề nghị dừng tuyển sinh từ năm 2014. Trường tại TP. HCM có 1 ngành bị dừng tuyển sinh (Đạo diễn Điện ảnh TH).
Lãnh đạo các trường nghệ thuật cho rằng, do tính đặc thù của các ngành nghệ thuật nên việc có được số lượng giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sỹ hay thạc sỹ như yêu cầu trong Thông tư số 08 là không khả thi và thiếu thực tế, bởi hầu hết giảng viên ở các trường văn hóa – nghệ thuật là những nghệ sỹ có kinh nghiệm thực tế trong giảng dạy và thực tiễn. Theo lý giải, không phải các trường không muốn tiến sỹ đáp ứng yêu cầu của Bộ GD&ĐT mà khó tìm ra tiến sỹ chuyên ngành này vì đó là ngành đặc thù. Rất khó để có được 1 tiến sỹ nhiếp ảnh, hay đơn giản chỉ là một thạc sỹ chèo hay tuồng...?
Cũng trong ngày 25/1/2014, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 199/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030". Trong đó mục tiêu tổng quát là: “Thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, phát triển ngành điện ảnh theo hướng công nghiệp, hiện đại và hội nhập, mang đậm bản sắc dân tộc, phục vụ tốt nhu cầu về đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn. Từng bước phấn đấu xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành nền điện ảnh mạnh trong khu vực Đông Nam Á và châu Á”.
Trong bản Quy hoạch phát triển này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói rõ về mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực trong nước là: Bình quân mỗi năm đào tạo 15 – 20 Đạo diễn, 10 – 15 Nhà sản xuất phim, 10 – 15 Biên kịch, 10 Lý luận – phê bình, 10 – 15 Nhà phát hành phim, 10 – 20 Quay phim, 10 Thiết kế mỹ thuật, 15 – 20 Kỹ thuật – công nghệ, 5 – 10 Họa sỹ hóa trang, 25 – 30 Diễn viên; mở thêm ngành đào tạo Nhà sản xuất phim, Nhà phát hành phim, Họa sỹ hóa trang; thực hiện mô hình du học tại chỗ cho sinh viên điện ảnh
Quyết định cũng nêu rõ: Mở các lớp đào tạo, thực tập ngắn hạn để nâng cao tay nghề. Bình quân mỗi năm tổ chức đào tạo, thực tập ngắn hạn cho 20 – 30 Đạo diễn, 10 – 15 Nhà sản xuất phim, 10 – 15 Nhà phát hành phim, 10 – 15 Biên kịch, 10 – 15 Quay phim, 10 – 15 Thiết kế mỹ thuật, 15 – 20 Kỹ thuật – công nghệ, 5 – 10 Họa sỹ hóa trang, 15 – 20 Diễn viên.
Nâng cao chất lượng đào tạo tại Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội và Trường ĐH Sân khấu điện ảnh TP.HCM, trong đó chú trọng nâng cao trình độ giảng viên, cải tiến giáo trình giảng dạy và xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác giảng dạy và học tập.
Rõ ràng Quyết định của Thủ tướng và Thông tư của Bộ GD&ĐT đang có sự khập khiễng. Với bản Quy hoạch như trên của Thủ tướng Chính phủ cho ngành điện ảnh sẽ rất khó thực hiện khi Thông tư 08 của Bộ GD&ĐT có nhiều điều khoản áp dụng chung cho các ngành nghệ thuật – đặc thù.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quý Hiền – giảng viên Trường ĐH sân khấu điện ảnh Hà Nội cho biết, đào tạo sinh viên nghệ thuật cũng giống như thầy dạy lái xe (có thể so sánh hơi khập khiễng): phải biết lái xe thành thục cỡ bậc thầy. Thầy dạy trong trường đại học ngành nghệ thuật chỉ cần là Giải thưởng nhà nước, NSND, NSƯT là quá quý, và các thầy này không cần phải có biên chế trong trường đại học thành “giáo viên cơ hữu”.
“Họ phải gắn bó với hoạt động nghề nghiệp và khi trường mời thỉnh giảng để dạy nghề, nếu được họ nhận lời là sự thắng lợi của nhà trường, bởi đó là sự cần thiết đối với việc đào tạo sinh viên nghệ thuật” ông Hiền cho hay.
Cùng ý kiến, ông Trần Thanh Hiệp – Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội dẫn chứng một ngành bị dừng tuyển sinh của trường và cho rằng, việc đình chỉ đào tạo ngành Đạo diễn vì không đủ điều kiện về giảng viên là thạc sỹ, tiến sỹ là không phù hợp vì nhiều năm qua trường đã đào tạo ngành này với những tên tuổi nghệ sỹ nổi tiếng nhưng không phải là thạc sỹ, tiến sỹ. Hay như, đối với các nghệ sỹ tuồng, chèo thì đều là do nghệ nhân dạy nên bằng cấp của họ có khi chỉ hết cấp 3, thậm chí cấp 2.
Nhắc tới Thông tư 08 của Bộ GD&ĐT cách đây 2 năm (ban hành ngày 17/2/2011), ông Hiệp khẳng định nhà trường hoàn toàn chưa nhận và cũng chưa biết được Thông tư này cách đây 2 năm.
Trả lời vấn đề này ngày 10/2 vừa qua với báo chí, phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Bùi Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, với việc công bố 207 ngành dừng tuyển sinh là dựa trên báo cáo thống kê đội ngũ của các nhà trường. Trên cơ sở báo cáo này bộ dã ra quyết định dừng tuyển sinh 207 ngành đào tạo.