Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định lại quan điểm khi thông báo chính thức từ năm nay Bộ sẽ không tiếp nhận hồ sơ nâng cấp của các trường lên cấp cao hơn.
Thay đổi từ hệ thống đóng sang hệ thống mở
Trên tinh thần của Nghị quyết Trung ương 8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận quán triệt lại về việc thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay, đổi mới đối với giáo dục đại học đã được bắt đầu từ sớm hơn, ngay từ sau Đại học Đảng lần thứ XI. Trên tinh thần đó đã triển khai xây dựng Luật Giáo dục đại học, việc giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đã được khẳng định, bao gồm cả việc “tự chủ tuyển sinh”.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận. Ảnh Trần Kháng |
“Gần đây chúng tôi đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao các đồng chí Giám đốc các đại học Quốc gia được bổ nhiệm Hiệu trưởng các trường thành viên. Cũng sẽ giao Giám đốc Đại học vùng thẩm quyền bổ nhiệm hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng thành viên” Bộ trưởng Luận cho biết.
Trên tinh thần phân cấp, tư lệnh ngành giáo dục cho hay, đã giao cho Hiệu trưởng tự quyết định mọi khâu trong quá trình đào tạo từ TCCN, CĐ, ĐH đến thạc sĩ, tiến sĩ. Bộ chỉ quản lý việc mở ngành, với lý do duy nhất là để kiểm soát, cân đối tổng “cung” lao động cho phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tái khẳng định, từ năm 2014, Bộ GD&ĐT sẽ không tiếp nhận hồ sơ nâng cấp lên trường ĐH, CĐ, mục đích để giữ ổn định của toàn hệ thống.
“Chúng ta không chấp nhận việc một trường trung cấp đang hoạt động tốt sẵn sàng nâng cấp để trở thành trường cao đẳng yếu, sau một thời gian phục hồi, bắt đầu đào tạo có chất lượng lại tìm cách nâng lên trở thành trường đại học yếu. Thực tế vừa qua cho thấy, chúng ta luôn có nhiều trường không mạnh, và cả hệ thống luôn ở trong trạng thái không ổn định, bất an. Việc nâng cấp các trường tới đây sẽ được chỉ định theo quy trình chúng tôi sẽ công bố công khai” Bộ trưởng Luận nói.
Cụ thể, trong thời gian tới về phương hướng đổi mới giáo dục đại học, Bộ trưởng Luận cũng cho biết, do hiện nay ở các trường đại học vẫn đang nặng về truyền thụ kiến thức một chiều, chưa chú ý phát triển năng lực và phẩm chất cho sinh viên. Cách dạy và học ở đại học về cơ bản vẫn “thầy dạy trò ghi”, các nhà trường thiếu gắn kết với doanh nghiệp và thị trường lao động, công tác tổ chức thi cử vẫn theo lối cũ. Nên trong thời gian tới sẽ tập trung vào một số nội dung trọng yếu như:
Thứ nhất, phải thay đổi từ hệ thống giáo dục đóng sang hệ thống giáo dục mở. Đó chính là sự đổi mới căn bản trong giáo dục đại học đã được Trung ương và cả xã hội đồng tình ủng hộ.
Thứ hai, phải chuyển từ đào tạo theo khả năng của các nhà trường sang đào tạo theo nhu cầu của xã hội, của thị trường lao động, phù hợp với khả năng và thế mạnh của nhà trường.
Thứ ba, quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học đã và sẽ được tăng cường, và đi đôi với việc này là trách nhiệm trước xã hội của các cơ sở giáo dục đại học sẽ phải nâng cao.
Thứ tư, nội dung giáo dục đại học, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phải sẽ phải được đổi mới theo hướng cung cấp cho sinh viên các kiến thức và kỹ năng cần thiết cùng với việc rèn luyện về kỷ luật và thái độ lao động, hiểu biết xã hội, để sinh viên có thể đáp ứng yêu cầu nhân lực trong điều kiện kinh tế - xã hội và khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ, cùng với việc quy mô việc làm thay đổi nhanh chóng, mức độ cạnh tranh trên thị trường lao động ngày càng tăng cao.
Thứ năm, đổi mới hoạt động kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục đại học theo hướng chú trọng đánh giá năng lực phân tích, sáng tạo, giải quyết vấn đề và thái độ nghề nghiệp, năng lực nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, năng lực thực hành tương xứng với trình độ đào tạo, năng lực thích nghi với môi trường làm việc của người học.
“Tự chủ thi tuyển sinh là việc dứt khoát phải làm”
Chia sẻ thêm về vấn đề tự chủ trong tuyển sinh, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, Trên thực tế, việc tự chủ trong thi tuyển sinh đã được các trường khối văn hóa nghệ thuật thực hiện thành công. Việc lãnh đạo nhiều trường có trình bày khó khăn trong tự chủ tuyển sinh, có nhiều trường muốn duy trì tiếp “ba chung”. Vấn đề này, người đứng đầu ngành giáo dục cho hay, tuyển sinh là một vấn đề rất quan trọng nhưng không phải là khâu duy nhất trong hoạt động đào tạo của chúng ta.
Để đảm bảo và nâng cao chất lượng đại học cần phải có một ngưỡng chất lượng đầu vào, nhưng đó không phải là yếu tố quyết định duy nhất. Bộ trưởng lấy ví dụ: “Các em học sinh của chúng ta thi trượt đại học trong nước, được gia đình cho đi du học nước ngoài thì vẫn học được. Nói thế không phải là coi nhẹ yếu tố chất lượng đầu vào, nhưng hiện chúng ta đang quá coi trọng vấn đề này, dẫn đến cả trong nhận thức và hành động, vấn đề tuyển sinh lấn át và làm lu mờ nhiều việc quan trọng khác. Cần đổi mới căn bản tư duy, nhận thức về việc này”.
Giải thích về một số nhà trường than phiền không tuyển được sinh viên vào học do quy chế tuyển sinh không phù hợp. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhận định, có thể ở một số trường cụ thể, một vài chi tiết cụ thể của phương án tuyển sinh vừa qua đã làm các trường gặp khó khăn trong tuyển sinh. Nhưng đó chỉ là một trong các lý do.
“Chất lượng đầu ra và khả năng tìm được việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp mới là điều quan trọng và quyết định vấn đề tuyển sinh của các trường. Nghị quyết ĐH 11 và NQ TW 8 (khoá XI) lần này không chỉ chúng ta quán triệt, mà toàn dân đã, sẽ quán triệt và triển khai thực hiện. Các bậc phụ huynh học sinh sẽ tự cân nhắc và cùng với con em mình lựa chọn ngành, trường cho các cháu vào học. Bằng đồng tiền của mình, họ sẽ lựa chọn trường và bỏ phiếu đánh giá chất lượng các cơ sở đào tạo của chúng ta” lãnh đạo ngành giáo dục cho biết.