LTS: Trước những thông tin về nghi vấn lộ đề thi giữa kỳ tại Trường trung học phổ thông Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc chia sẻ bài viết thể hiện sự phức tạp trong khâu ra đề.
Để bảo đảm công bằng cho các học sinh, thầy cô giáo phải thực sự có đạo đức và lương tâm nghề nghiệp. Bởi nếu không, việc lộ đề ra bên ngoài rất khó để kiểm soát.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Mới đây, báo điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, có nghi vấn lộ đề thi giữa kỳ ở Trường trung học phổ thông Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đó, phần câu hỏi đọc hiểu của đề thi giữa kỳ môn Ngữ văn, khối 10 trùng với bài giảng của các cô giáo, làm dấy lên nghi vấn lộ đề thi (chiều ngày 2/3).
Sau giờ thi, một cô giáo dạy văn báo với trường là đề đã bị lộ. Cô này cho rằng các câu hỏi ở phần đọc hiểu đã được cô N. và L. ôn cho học sinh trên lớp.
Các học sinh sau khi thi xong đã nói với nhau là ''trúng tủ''. Tiếp đó, thầy H. (giáo viên bộ môn văn của trường) chụp hình đề thi và một trang vở của học sinh ghi chép nguyên văn phần đọc hiểu, nội dung trùng khớp đăng lên facebook của mình.
Thầy giáo này cũng nghi rằng, cô N. và cô L. đã làm lộ đề. Sự việc khiến hàng trăm học sinh khối 10 và giáo viên hoang mang.
Thông tin về việc đề thi bị lộ làm giáo viên và học sinh Trường trung học phổ thông Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh) rất hoang mang. (Ảnh: T.A) |
Từ sự việc, nghi vấn này gợi cho thầy, cô giáo chúng tôi đang giảng dạy, quản lý trực tiếp tại trường trung học phổ thông những câu chuyện, vấn đề liên quan đến việc ra đề thi, kiểm tra ở nhà trường, địa phương.
Cách đây 8 năm, khi biết tin tôi có tên trong danh sách ban ra đề tuyển sinh vào 10 của Sở Giáo dục và Đào tạo, mấy đồng nghiệp, anh, chị em, chỗ quen biết ở các trường bạn liền gọi điện đến hỏi han, thăm dò, cậu, anh sẽ ra đề ở vùng kiến thức, nội dung nào, nói cho mình, cho em biết đi để định hướng cho các em dễ làm bài…
Mấy đứa cháu của tôi khi thi tuyển sinh vào lớp 10, nhất định phải qua phố học thêm một số thầy nổi tiếng, chứ không bao giờ chịu học các thầy, cô giáo dạy lớp 9 tại trường.
Tôi hỏi lý do, cháu tôi thưa thật: “Cháu nghe nói, mấy ông thầy bên phố có quan hệ xã hội rộng lắm, học luyện thi các thầy ấy thường trúng tủ, trúng đề, các anh, chị lớp trước ở trường xã đều lặn lội đến phố học hết, vì có tỉ lệ đỗ cao…”
Thực tế cho thấy, có em học thì bình thường thôi nhưng thi tuyển sinh vào lớp 10 lại điểm rất cao, lọt cả vào lớp chọn.
Tìm hiểu kỹ ra mới hay, những em đó (thường là phụ huynh) có quan hệ, quen biết với ban ra đề hoặc đi học luyện thi gặp những thầy cô giáo dạy là chỗ thân tình với ban ra đề.
Trúng đề được một, hai lần, tên tuổi các thầy cô giáo dạy thêm, luyện thi vào 10 sẽ vang lừng, đến mùa học sinh các nơi đổ về đăng ký tấp nập, tha hồ hốt bạc….
Phần lớn, các trường trung học phổ thông hiện nay thường tổ chức kiểm tra chung để tập dượt, đánh giá mặt bằng chung của học sinh trong khối.
Khâu ra đề thi học kỳ, kiểm tra 1 tiết trở lên cũng hay nảy sinh những khó khăn, phức tạp.
Chất lượng dạy và học được phản ánh qua các con điểm, thầy cô giáo nào (nhất là các giáo viên có dạy thêm) rất lo lắng về điểm số của học sinh lớp mình.
Giáo viên được nhà trường, tổ trưởng phân công ra đề thi, kiểm tra luôn có nhiều lợi thế cho mình và chắc chắn kết quả, tỉ lệ điểm của học sinh sẽ rất cao so với mặt bằng của khối.
Giáo viên, lớp dạy có điểm thấp thì buồn, giáo viên, lớp dạy có điểm cao thì vui. Vì đây là căn cứ về chỉ tiêu, thi đua, vì đây là “mức độ” để học sinh đi học thêm nhiều hay ít.
Trước đây, khi làm tổ trưởng chuyên môn (môn Ngữ văn - một bộ môn ít có phức tạp về chuyện dạy học thêm) nhưng tôi rất chú trọng đến sự công tâm, khách quan trong việc phân công ra đề thi học kỳ, đề kiểm tra chung các khối lớp.
Tôi hay phân công chéo, giáo viên A dạy khối 10 thì ra đề thi, kiểm tra khối 11 và ngược lại, dựa trên đề cương và chuẩn kiến thức, kỹ năng chung. Giáo viên không còn dị nghị, hoài nghi về nhau.
Có trường, mọi giáo viên chẳng tin tưởng nhau, bảo việc ra đề nên giao cho Ban Giám hiệu, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn (hoặc rút ra từ ngân hàng đề thi) là công tâm nhất.
Nhưng việc này lại không đơn giản, vì Ban Giám hiệu, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn đâu có đào tạo và dạy đa môn mà gánh vác, đảm đương cho nổi.
Còn lấy trong ngân hàng đề ra cũng phải là những người cùng chuyên môn, hiểu rõ mức độ và năng lực của học sinh mới được.
Quả thật, khâu ra đề làm sao cho công bằng, khách quan, không có những yếu tố khác tác động, chi phối dẫn đến lộ đề, phần nhiều phụ thuộc vào lương tâm, đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo và cách quản lý, chỉ đạo của các cơ sở giáo dục, địa phương.