Rất vất vả nhưng tôi luôn trân quý nghề giáo viên mầm non

08/02/2019 06:46
LÃ TIẾN
(GDVN) - Tất bật đón trẻ từ sáng sớm và trả trẻ khi trời tối, giáo viên mầm non không chỉ là người thầy, mà còn như người mẹ, một nhân viên y tế, người bạn của mỗi trẻ.

Từ sáng thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, khoảng 6 giờ 45 phút, cô Nguyễn Thị Yến, giáo viên Trường mầm non Bông Sen (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) đều phải có mặt tại lớp để mở cửa, dọn dẹp, vệ sinh phòng học cho thông thoáng rồi mới làm nhiệm vụ đón trẻ.

Việc đón trẻ diễn ra trong hơn 1 tiếng. Sau khi nhận trẻ, cô giáo Yến lại xoay như chong chóng với việc cho trẻ tập thể dục buổi sáng.

Cô Yến chia sẻ: “Lớp tôi chủ nhiệm có gần 50 cháu, nhiều cháu bố mẹ bận đi làm nên đưa con đi học từ sớm và tối muộn mới đón con.

Là lớp cuối cấp nên ngoài việc chăm sóc các con từ miếng ăn, giấc ngủ, chúng tôi phải bảo đảm cho các con được vui chơi, sinh hoạt trải nghiệm…”.

Giáo viên mầm non không chỉ là người thầy mà còn là người mẹ của con trẻ (Ảnh: Lã Tiến)
Giáo viên mầm non không chỉ là người thầy mà còn là người mẹ của con trẻ (Ảnh: Lã Tiến)

Ở Trường mầm non Bông Sen có lớp nhà trẻ có độ tuổi nhỏ hơn, mặc dù chỉ có hơn chục bé, nhưng các cô giáo vẫn cần sự hỗ trợ của nhân viên nấu ăn mỗi khi trẻ ăn, cho trẻ ngủ hay vệ sinh cho trẻ.

Trẻ độ tuổi này hiếu động, chưa biết phục vụ bản thân, công việc của cô giáo Yến và nhiều giáo viên nhà trường vất vả hơn gấp nhiều lần so với giáo viên dạy các lớp lớn.

Ngoài việc hướng dẫn các cháu vui chơi, cô giáo vừa phải làm vai trò của một người mẹ, từ cho ăn, uống thuốc đúng giờ, vệ sinh cá nhân cho bé cũng như lớp học...

Theo lãnh đạo nhà trường, với những bé mới đến lớp, giáo viên  mầm non phải mất 1 tuần, 2 tuần, thậm chí cả tháng để dỗ dành, bế ẵm để trẻ làm quen với môi trường lớp học và những bạn mới.

Chăm sóc, dạy dỗ trẻ vất vả thế nào chắc hẳn mỗi bậc phụ huynh đều thấm thía khi trẻ sinh ra và lớn lên.

Ở nhà, nhiều khi chỉ có mỗi một đứa con mà cũng khiến cả gia đình nhức đầu, mệt mỏi. Huống chi các giáo viên mầm non phải trông đến vài chục cháu.

Rất vất vả nhưng tôi luôn trân quý nghề giáo viên mầm non ảnh 2Cô giáo mầm non, nghề nguy hiểm

11 giờ trưa là đến giờ ăn của trẻ. Ở lớp nhỏ tuổi hơn (4 tuổi) do cô giáo Nguyễn Thị Quý phụ trách, giờ ăn vẫn rất nhốn nháo.

Có trẻ 4 tuổi mà trông chỉ bé như trẻ 3 tuổi, thường xuyên bị nôn, trớ khi ăn. Vì thế, mỗi bữa ăn, cô giáo Quý cần phải có sự hỗ trợ của nhân viên nấu ăn.

Cô Quý chia sẻ: “Khi nào trẻ ăn xong, ngủ hết thì giáo viên chúng mình mới được đi ăn. Bữa trưa của mình thường diễn ra rất muộn, vào lúc gần 1 giờ chiều.

Thậm chí có những hôm 2 giờ, sau khi trẻ đã ngủ hết, các cô mới được ăn. Hầu như chúng mình không có thời gian ngủ trưa.

Lúc mình ăn xong là nhiều trẻ đã dậy, lại phải vệ sinh, cho trẻ ăn bữa phụ, dạy học cho trẻ. Cứ như thế, công việc của mình ngày nào cũng kết thúc vào lúc 6 giờ tối, sau khi bố mẹ đón hết trẻ”.

Nhìn cảnh cô Yến, cô Quý vừa ăn vừa trông trẻ ngủ, chúng tôi cảm thấy vô cùng cảm thông.

Chắc hẳn, khi nhìn được những hình ảnh ấy, mỗi phụ huynh sẽ có cái nhìn đồng cảm hơn đối với những người giáo viên mầm non.

Phụ huynh cần có cái nhìn đồng cảm với giáo viên mầm non (Ảnh: Lã Tiến)
Phụ huynh cần có cái nhìn đồng cảm với giáo viên mầm non (Ảnh: Lã Tiến)

Không chỉ giáo viên trong khu vực nội thành, các giáo viên mầm non tại các huyện ngoại thành cũng trong tình cảnh tương tự.

Mặc dù đã được quan tâm, tuy nhiên, những giáo viên mầm non của thành phố Hải Phòng nói riêng, cả nước nói chung vẫn gặp vô vàn khó khăn, áp lực, rất cần được thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông.

Áp lực đến từ phụ huynh là một nỗi khổ chung của rất nhiều giáo viên mầm non. Rất nhiều giáo viên cho rằng không ít phụ huynh thiếu kiềm chế tỏ ra khó chịu khi trẻ bị té ngã hoặc bị bạn bè cấu, đánh.

Ở một số trường, hệ thống camera được lắp ở trong lớp học, nơi phụ huynh có thể quan sát con và giáo viên.

Điều này phần nào cũng tạo áp lực lên giáo viên mầm non vì các phụ huynh thường xuyên gọi điện, nhắn tin trách mắng.

Không chỉ vậy, ở một số trường học nằm ở trung tâm các thành phố, do cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên hạn chế, dẫn đến sĩ số trẻ/lớp học rất đông.

Có lớp chỉ có 1-2 cô giáo nhưng phải trông, chăm sóc, dạy dỗ đến 40-50 trẻ, dẫn đến việc các cô giáo mầm non bị quá tải công việc.

Vất vả là vậy nhưng thu nhập của giáo viên mầm non thì cũng chẳng đáng là bao.

Nhiều giáo viên mầm non hợp đồng thu nhập chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng nhưng vì tình yêu với nghề, tình yêu với trẻ và cũng chẳng còn sự lựa chọn nào khác, họ vẫn gắng gượng tiếp tục gắn bó với công việc này.

Mong rằng, mỗi bậc phụ huynh hãy trân quý hơn những cô giáo mầm non, thấu hiểu hơn những vất vả, khó khăn của họ, để những cô giáo ấy có thêm động lực, gắn bó với nghề, dành hết tâm huyết dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ.

LÃ TIẾN