Để phát triển giáo dục đại học đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước thì xu thế tự chủ là tất yếu. Nói như Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: “Tự chủ là nhu cầu tự thân của đại học”, đặc biệt trong thời đại cách mạng 4.0.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Nguyễn Văn Phúc, trong Dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi bổ sung trình Quốc hội để thông qua năm 2018, nội dung tự chủ đại học so với Luật hiện hành năm 2012 được làm rõ hơn. Điều 32 đã có quy định về tự chủ đại học gồm những nội dung gì và bao gồm cả trách nhiệm giải trình.
Ngoài ra, còn có các điều khác liên quan đến các vấn đề cụ thể; ví dụ như: Tự chủ về chuyên môn học thuật, về tuyển sinh, về mã ngành, về đào tạo, về nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế…
Nội dung tự chủ nhân sự bộ máy đã quy định chi tiết hơn. Tự chủ tài chính, sử dụng tài sản được quy định thể chế hóa trong Nghị quyết 77.
Tự chủ học thuật - một trong những nội dung lớn của tự chủ đại học được nhà quản lý và các chuyên gia thảo luận tại buổi giao lưu “Tự chủ đại học - Xu thế phát triển tất yếu” do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Trước ý kiến cho rằng, không ít trường đại học khi nói về tự chủ đại học đang quá đặt nặng về tài chính, nhân sự mà chưa chú trọng tới tổ chức, quản trị, hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ học thuật, ông Nguyễn Đắc Hưng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho rằng:
“Đầu tiên, tôi cũng có suy nghĩ như vậy, nhưng bây giờ các trường đại học tự chủ cũng đã thấy rất rõ.
Đầu tiên phải là tự chủ về học thuật, sau đó đến quản trị bộ máy tổ chức, rồi đến tài chính rồi quan hệ quốc tế. Đấy là những vấn đề quản trị mà hiện nay tư duy của các đồng chí lãnh đạo nhà trường đại học phải suy nghĩ.
Từ Bộ đến Chính phủ cấp cao chỉ đạo chiến lược cũng nhận thức rõ điều này và đã chỉ đạo quyết liệt, chứ không phải nặng về vấn đề tài chính”.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, khi giao quyền tự chủ cho các trường thì phải có cơ chế, thiết chế vì Hội đồng trường là đại diện cao nhất cho nhà trường. (Ảnh: Thùy Linh) |
Trước vấn đề đặt ra rằng, hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã “cởi trói” gần hết các yêu cầu, điều kiện liên quan tới tự chủ học thuật cho các trường đại học (điều kiện mở ngành, tuyển sinh, xây dựng chương trình…), tuy nhiên có vẻ đây chính là khâu yếu nhất của không ít trường đại học, Phó giáo sư Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương Hà Nội nhận định:
“Tự chủ học thuật thực hiện được hay không phụ thuộc vào điều kiện đội ngũ, đi kèm tự chủ tổ chức, nhân sự, tài chính và một số vấn đề khác.
Cho nên chúng ta nói tự chủ đại học là mang tính chất đồng bộ các yếu tố đó. Ngoài ra, cần nói đến năng lực, mức độ tự chủ đến đâu thì tự chủ đến đó”.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, chúng ta đã bắt đầu thực hiện mạnh mẽ tự chủ đại học, đòi hỏi sự thay đổi nhận thức và đổi mới mạnh mẽ từ phía cơ sở đào tạo, đơn vị chuyên môn, thầy cô, người học...
Sau 5 năm đổi mới, tự chủ đại học, Việt Nam có 2 trường lọt top 1.000 thế giới |
Từ phía đội ngũ chuyên môn đã bắt đầu bắt nhịp với xu hướng mới, nhưng một bộ phận khác thì chưa.
Hiện nay, giáo viên ngoài việc giảng dạy còn phải nghiên cứu khoa học; ngoài việc có các tác phẩm nghiên cứu được công bố trong nước và quốc tế, phải viết bằng tiếng Anh với hàm lượng khoa học cao.
Số lượng những người có nghiên cứu khoa học đã tăng lên nhưng so với yêu cầu chung còn yếu.
“Về phía trường là năng lực quản trị, về phía cơ sở là năng lực thực hiện tự chủ, vừa phải truyền bá tri thức mới, đồng thời cũng sáng tạo tri thức mới, đòi hỏi cần có năng lực thực sự. Như vậy, tự chủ chuyên môn học thuật đòi hỏi quá trình các trường phải nỗ lực không ngừng”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc lưu ý.
Nhiều ý kiến cho rằng, sau những khó khăn khi thực hiện tự chủ đại học, phải chăng nhiều lãnh đạo trường đại học không muốn tự chủ hoàn toàn, vẫn muốn duy trì cơ chế bao cấp bình quân từ ngân sách nhà nước?
Với tư cách là Hiệu trưởng của một trường đại học thực hiện cơ chế tự chủ, ông Bùi Anh Tuấn nêu quan điểm:
"Tôi nghĩ rằng cũng chưa có một nghiên cứu nào cho rằng lãnh đạo, các hiệu trưởng các trường ngại tự chủ. Thế nhưng khi mà trao đổi với anh em thì cũng có một số tâm tư.
Thứ nhất, nhận thức của chúng ta, của xã hội nói chung về tự chủ đại học. Như chúng ta trao đổi trong buổi Giao lưu ngày hôm nay, thấy rằng nhận thức rất là quan trọng.
Thứ hai, khi mà tự chủ thì rõ ràng vấn đề trách nhiệm: trách nhiệm của nhà trường đối với xã hội, trách nhiệm giải trình và đặc biệt là trách nhiệm lãnh đạo, trách nhiệm của các hiệu trưởng nhà trường phải đặt lên cao hơn rất nhiều.
Điều quan trọng hơn nữa chính là vấn đề về rủi ro cho lãnh đạo, cho hiệu trưởng các nhà trường khi mà hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta chưa đầy đủ.
Chính vì vậy, mà có những tâm lý cũng băn khoăn, e ngại. Chứ còn, trên thực tế, các hiệu trưởng, lãnh đạo các nhà trường, tôi cho rằng đa số đều mong muốn là tự chủ".
Hơn nữa, Hội đồng trường/Hội đồng quản trị là khâu đột phá trong tiến trình trao quyền tự chủ cho trường đại học.
Ở Việt Nam, chủ trương đúng đắn này đã triển khai từ lâu, song vai trò của Hội đồng trường vẫn chưa thực sự phát huy được vai trò của mình.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Phúc cho rằng, hiện nay Luật Giáo dục đại học năm 2012 có một số điểm mà chúng ta đang sửa đổi, bổ sung để phát huy vai trò của Hội đồng trường thực chất hơn, thực quyền hơn nhằm đảm bảo được quá trình tự chủ.
Khi giao quyền tự chủ cho các trường thì tới đây phải có cơ chế cho Hội đồng trường, thiết chế cho Hội đồng trường, vì Hội đồng trường là đại diện cao nhất cho nhà trường thì phải có thực quyền để làm sao cùng với Ban Giám hiệu nhà trường thực hiện tốt quyền tự chủ.
Hạn chế của Luật Giáo dục đại học hiện hành là nhiệm kỳ của Hội đồng trường theo nhiệm kỳ của Hiệu trưởng. Như vậy, Hội đồng trường trường thực quyền là cao hơn, vì thế trong nội dung Luật sửa đổi, bổ sung tới đây đã điều chỉnh lại nhiệm kỳ của Hiệu trưởng theo nhiệm kỳ của Hội đồng trường.
“Theo Luật Giáo dục đại học hiện hành, Hội đồng trường không có tài chính và nhân sự độc lập với Ban Giám hiệu thì trong dự thảo Luật giáo dục đại học mới cho phép Hội đồng trường có tài chính và nhân sự giúp việc cho Hội đồng trường để làm sao trong quá trình làm việc có thể giám sát các hoạt động của nhà trường, của Ban giám hiệu tốt hơn.
Những nội dung của tự chủ gồm có: Chuyên môn học lực, nhân sự, tổ chức và tài chính thì vai trò, thực quyền của Hội đồng trường trong dự thảo mới của Luật Giáo dục đại học cũng đều tăng hơn so với quy định hiện hành để đảm bảo vai trò thực quyền của Hội đồng trường, đồng thời tăng quyền tự chủ trong các trường đại học hiện nay”, Thứ trưởng Phúc nhấn mạnh.