Đại biểu Quốc hội Triệu Thế Hùng, Ủy viên Ủy ban văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã nêu một số quan điểm xung quanh một số vấn đề hạn chế được coi là “điểm nghẽn”.
Theo đại biểu Quốc hội Triệu Thế Hùng, dự thảo sắp được trình Quốc hội tại kỳ họp này có nhiều điểm mới và tháo gỡ được nhiều điểm nghẽn của luật hiện hành.
“Ban soạn thảo dự án Luật đã rất cầu thị tiếp thu các ý kiến của nhà khoa học, chuyên gia, các nhà quản lý liên quan đến giáo dục.
Dự thảo khắc phục khá nhiều những hạn chế so với Luật Giáo dục đại học 2012, hiện hành”, đại biểu Triệu Thế Hùng nói.
Những hạn chế cơ bản của Luật Giáo dục đại học 2012 đã trở thành những điểm nghẽn, nút thắt cản trở đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học trên thực tiễn.
Đại biểu Triệu Thế Hùng: "Cần sự cởi mở cho cả trường đại học công lập và tư thục". (Ảnh: Quochoi.vn) |
Đại biểu Triệu Thế Hùng cho rằng, bất cập này là do nhận thức tại thời điểm đó của người làm luật, người thực hiện, nhà quản lý…
Đến bây giờ, Hiến pháp 2013, Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo đã đi vào cuộc sống. Vì vậy, chúng ta thay đổi Luật Giáo dục đại học là cần thiết để thể chế hóa các văn bản trên.
“Căn bản nhất là đáp ứng nhu cầu thực tiễn về nhân lực hiện tại và trong tương lai của đất nước. Nó đòi hỏi phải có đổi mới trong giáo dục đại học”, đại biểu Triệu Thế Hùng khẳng định.
Theo Đại biểu, điểm nghẽn mà luật lần này cần khắc phục là hệ thống cần rõ ràng hơn, phải làm rõ ra trường đại học, học viện.
“Dự án luật cũng phải giải quyết câu chuyện của đại học vùng. Các đại học vùng hiện nay sẽ phát triển như thế nào.
Cùng với đó, cốt lõi của luật Giáo dục đại học sửa đổi là về vấn đề tự chủ của giáo dục đại học”, đại biểu Hùng chỉ ra.
Luật Giáo dục đại học hiện hành chưa quy định rõ ràng về trách nhiệm và quyền hạn giữa cơ quan chủ quản và cơ sở giáo dục đại học công lập để thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tự chủ đại học trên cả ba phương diện: hoạt động chuyên môn, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính tài sản.
Theo ông, tự chủ có rất nhiều mức. Tự chủ về tài chính, tài sản, tự chủ về học thuật, về bộ máy.
Tùy theo điều kiện đáp ứng của các cơ sở giáo dục đại học mà mức độ, khả năng, sự cởi mở trong tự chủ đến đâu.
“Nhiều ý kiến cho rằng tự chủ là thuộc tính của các trường đại học. Điều này là đúng. Tuy nhiên, các trường đại học công lập của Việt Nam hiện nay phụ thuộc chủ yếu vào nguồn ngân sách nhà nước.
Khả năng tự chủ với từng cơ sở phải đáp ứng đủ điều kiện để giao.
Tôi ví dụ như tự chủ về học thuật, phải qua kiểm định, cơ sở đại học phải đáp ứng được. Có đội ngũ giảng dạy đáp ứng, có thương hiệu. Cơ sở đó sẽ được giao tự chủ về học thuật”, đại biểu Hùng phân tích.
Đại biểu Triệu Thế Hùng đánh giá, rõ ràng, đưa các vấn đề này, dự thảo luật đã đi sâu đi sát hơn luật hiện hành. Điều này tạo điều kiện cho các văn bản dưới luật khi đưa ra triển khai trong vấn đề tự chủ.
Bên cạnh đó, các đại học tư thục cũng cần có chính sách cởi mở để thu hút đầu tư phát triển.
“Đại học công lập và tư thục phải như 2 cánh chim của giáo dục đại học. Đưa ra vấn đề tự chủ, cởi mở để phát triển các trường đại học công lập thì cũng cần có chính sách cởi mở thu hút đầu tư cho các trường đại học tư thục phát triển”, đại biểu Hùng nêu quan điểm.
Vấn đề tự chủ với các trường đại học công lập và tư thục phải được bình đẳng.
“Dù sự bình đẳng ở đây cũng chỉ ở một mức độ nhất định. Vì trường công lập và tư thục khác nhau về bản chất chủ sở hữu của Nhà nước và tư nhân là khác.
Trường công lập không thể tự chủ nhiều như tư thục được.
Bên cạnh đó, đối với trường đại học tư thục, các trường cũng phải nâng cao chất lượng. Ngoài việc tự chủ tài chính, các trường tư thục muốn trao tự chủ về học thuật thì bắt buộc phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giảng viên của trường”, ông Triệu Thế Hùng nói.
“Tôi hy vọng rằng, dự thảo luật Giáo dục đại học (sửa đổi) sẽ giải quyết được những điểm nghẽn, mở ra sự thông thoáng hơn để mục đích là phát triển giáo dục đại học.
Đây không phải đạo luật để quản lý các trường đại học mà ở đây còn là trách nhiệm cơ quan quản lý với giáo dục đại học”, đại biểu Hùng nhấn mạnh.