Sắp tới, những cuộc thi nào ở nhà trường sẽ bị chấm dứt?

28/05/2017 11:06
Đỗ Quyên
(GDVN) - Không biết các ngành giáo dục địa phương sẽ thực hiện công văn chỉ đạo của Bộ như thế nào? Những cuộc thi nào sẽ được giảm? Những cuộc thi nào sẽ giữ lại?

LTS: Trước chỉ đạo mới đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc giảm các cuộc thi cho giáo viên và học sinh phổ thông hiện nay, nhiều giáo viên cảm thấy vui mừng nhưng vẫn còn đó những băn khoăn.

Cô giáo Đỗ Quyên bày tỏ nỗi băn khoăn về việc địa phương thực thi chủ trương trên Bộ như thế nào, có tuân thủ đúng hay chỉ tìm cách đối phó rồi đâu lại vào đó.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trước thông tin “Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các Sở Giáo dục chỉ tổ chức một số cuộc thi gắn liền với hoạt động dạy và học chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo phù hợp với yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất của giáo viên và học sinh. 

Không yêu cầu các trường tổ chức đội tuyển, không xét giải tập thể và không lấy thành tích cuộc thi để xét thi đua đối với đơn vị tham gia”, giáo viên đã thật sự rất vui mừng.

Bởi, bao nhiêu năm họ đã chịu quá nhiều áp lực với rất nhiều cuộc thi của giáo viên và học sinh trong suốt một năm học. 

Nay có công văn chỉ đạo của Bộ, sau niềm vui vẫn còn một số băn khoăn: Không biết các ngành giáo dục địa phương sẽ thực hiện công văn chỉ đạo của Bộ như thế nào? Những cuộc thi nào sẽ được giảm? Những cuộc thi nào sẽ giữ lại?

Việc đề nghị giảm các cuộc thi nhưng không nêu đích danh tên cuộc thi sẽ bỏ như trước đây (cuộc thi violympic Toán, Anh văn, thi vở sạch chữ đẹp). 

Quá nhiều cuộc thi gây áp lực, mệt mỏi cho giáo viên và học sinh. (Ảnh minh họa: Infonet.vn)
Quá nhiều cuộc thi gây áp lực, mệt mỏi cho giáo viên và học sinh. (Ảnh minh họa: Infonet.vn)

Mà chỉ nói “Cuộc thi được giữ lại gắn liền với hoạt động dạy và học chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo phù hợp với yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất của giáo viên và học sinh”. 

Trong giáo dục, có thể nói rằng tất cả các cuộc thi được tổ chức đều gắn liền với hoạt động dạy và học chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo phù hợp với yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất của giáo viên và học sinh.

Nhớ mấy năm về trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có công văn cấm tổ chức các cuộc thi violympic Toán, Anh văn, thi vở sạch chữ đẹp cấp tiểu học nhưng nhiều địa phương vẫn bất chấp thực hiện. 

Nhiều trường học trong địa bàn vẫn thành lập đội tuyển, vẫn huy động giáo viên tổ chức ôn luyện cho học sinh hàng ngày. 

Các cuộc thi từ cấp trường, cấp thị, cấp tỉnh vẫn diễn ra thường xuyên hàng năm. Trong các báo cáo thành tích cuối năm bao giờ cũng là sự thống kê kết quả đã đạt được của trường trong các cuộc thi ấy. 

Số lượng học sinh đạt giải càng nhiều, thành tích của trường càng dày, càng nhận được nhiều sự biểu dương, khen ngợi của cấp trên. 

Sắp tới, những cuộc thi nào ở nhà trường sẽ bị chấm dứt? ảnh 2

Quá tải tiểu học không chỉ tại chương trình

Một số địa phương khác thực hiện việc chỉ đạo của Bộ bằng cách đổi tên một số cuộc thi nhưng thực chất vẫn chỉ là “bình mới rượu cũ”. 

Đó là cuộc thi “Vở sạch chữ đẹp” được đổi là “Giao lưu vở sạch chữ đẹp cấp huyện”. Cuộc thi tiếng Anh cấp tiểu học được đổi là “Giao lưu tiếng Anh”…

Nói là giao lưu thì học sinh tham dự “Giao lưu vở sạch chữ đẹp cấp huyện” vẫn phải trải qua nhiều vòng thi như chấm vở luyện viết, tập viết, thi viết hai bài theo các mẫu chữ quy định giống như cuộc thi “Vở sạch chữ đẹp” trước đây.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ đạo, hình thức tổ chức cuộc thi phải đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, giáo viên và học sinh tham gia một cách tự nguyện, miễn phí, khuyến khích hình thức thi trực tuyến để có thể thu hút đông đảo giáo viên và học sinh tham gia.

Cuộc thi nào chẳng yêu cầu “tham gia một cách tự nguyện” nhưng từ trước đến nay khi được nhà trường cử đi tham dự các cuộc thi, có mấy giáo viên dám từ chối mặc dù trong lòng thật sự không muốn đi thi tí nào. 

Nếu từ chối, cuối năm sao có thể được xét “hoàn thành nhiệm vụ” vì đã không chấp hành “lệnh phân công của Hiệu trưởng”. 

Công văn của Bộ còn nêu rõ “khuyến khích hình thức thi trực tuyến để có thể thu hút đông đảo giáo viên và học sinh tham gia”. 

Hiện nay giáo viên chưa có cuộc thi nào tổ chức theo kiểu trực tuyến. Sợ rằng giảm được cuộc thi này sẽ phát sinh thêm cuộc thi khác thì “đâu cũng vào đấy”.

Đỗ Quyên