LTS: Nhằm đưa ra những phân tích và quan điểm của mình về việc sử dụng tin nhắn điện tử ở các trường học hiện nay, tác giả Nhật Duy - một nhà giáo đang trực tiếp tham gia vào công tác giảng dạy đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Trên một số diễn đàn đã có những bài viết về sổ điểm điện tử, tin nhắn điện tử mà đa số các trường học hiện nay đang áp dụng.
Thế nhưng, từ rất nhiều những tấm hình minh họa cho các bài báo về tình trạng lạm thu, chúng ta đã nhận ra rất rõ một điều là mỗi trường thu mỗi khác, không có một chuẩn mực nào cho dịch vụ tin nhắn điện tử cả.
Tin nhắn điện tử "tiện" nhưng không "lợi" cho phụ huynh học sinh (Ảnh minh họa: tuoitre.vn). |
Hiện nay, các nhà mạng luôn tìm cách để tiếp cận chào hàng các phần mềm điểm điện tử đến các nhà trường.
Các chiêu thức để chào hàng cũng cực kì hấp dẫn là không thu tiền của giáo viên mà “chỉ” thu tiền khi phụ huynh đăng kí sử dụng tin nhắn điện tử của các nhà mạng.
Vì thế, việc đầu tiên là các ban giám hiệu luôn khuyến khích, động viên các giáo viên chủ nhiệm lớp làm công tác tư tưởng cho phụ huynh ngay từ ngày họp phụ huynh đầu năm để thuyết phục họ sử dụng tin nhắn điện tử của các nhà mạng.
Và, dĩ nhiên là các giáo viên chủ nhiệm sẽ nêu lên những tiện ích khi đăng kí sử dụng tin nhắn điện tử bởi phụ huynh có thể giám sát, theo dõi tình hình học tập của con em mình.
Nhiều trường thì cố lờ đi tính tự nguyện của phụ huynh về dịch vụ này mà họ cộng luôn vào các khoản thu của học sinh hàng năm để bắt buộc các phụ huynh phải sử dụng.
Vậy tin nhắn điện tử là gì mà mỗi năm học phụ huynh phải bỏ ra một số tiền hàng trăm nghìn đồng để đăng kí sử dụng dịch vụ của các nhà mạng?
Nói một cách nôm na là mỗi khi giáo viên vào điểm thì phụ huynh học sinh biết ngay con mình có kết quả như thế nào thông qua tin nhắn điện thoại đã đăng kí.
Sổ liên lạc điện tử có thật sự cần thiết không |
Ngày trước, mỗi khi muốn biết kết quả học tập của con em mình thì phụ huynh phải hỏi giáo viên chủ nhiệm hoặc phải đợi đến giữa học kì, cuối học kì khi nhà trường gửi phiếu liên lạc mới biết.
Bây giờ, khi thầy, cô giáo vào điểm là biết ngay tức thì.
Những phụ huynh mà có con quậy phá, hay vi phạm nội quy, nề nếp của nhà trường hoặc trốn học thì cũng được giáo viên nhắn tin báo về hoặc gửi tin nhắn vào điện thoại phụ huynh để vào giải quyết.
Ngày trước, nhiều học sinh vi phạm, nhà trường gửi thư mời thì các em không đưa cho cha mẹ hoặc nhờ một người nào đó làm phụ huynh thay nhưng có nhắn điện tử thì cha mẹ nắm được tình hình học tập của con khi có những sự cố.
Hay, mỗi lần họp phụ huynh thì thay vì phải gửi thư mời như trước đây, nay, giáo viên chỉ nhắn một tin là đến tất cả các phụ huynh trong lớp.
Phải nói rằng khi nhà trường sử dụng, áp dụng phần mềm điểm điện tử thì giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm sẽ đỡ vất vả hơn rất nhiều.
Thứ nhất, không phải điện thoại nhiều, mỗi lần họp phụ huynh thì không phải ngồi viết hết thư này đến thư khác. Bây giờ chỉ một tin nhắn là thông tin được hết tất cả phụ huynh trong lớp.
Ngày trước, mỗi khi gặp học sinh cá biệt, giáo viên chủ nhiệm điện thoại nhiều lần nhưng có nhiều phụ huynh không bốc máy thì giờ đây không cần phải điện nữa mà chỉ cần tin nhắn là nội dung đã đến được với phụ huynh.
Đối với phụ huynh thì khi đăng kí sử dụng tin nhắn điện tử thì cũng cập nhật được tình hình học tập của con em mình. Nhất là những phụ huynh đi làm ăn ở xa, không có thời gian để gần gũi con thì cũng có nắm bắt các tin tức học tập của con em mình.
Hoặc, khi thấy điểm số học tập của con em mình thấp thì các phụ huynh có thể nhắc nhở và có những biện pháp giúp đỡ các em tiến bộ hơn.
Tuy nhiên, có một điều các phụ huynh không thể biết là chỉ có học sinh cá biệt thì giáo viên mới nhắn tin báo còn những em học tập bình thường thì giáo viên chỉ nhập điểm và thông báo khi đến từng thời điểm nhất định theo qui định của nhà trường.
Sổ liên lạc điện tử: Trợ thủ giảng dạy hay kẻ "đào mỏ" núp bóng? |
Thế nhưng, mỗi năm phụ huynh phải bỏ ra một khoản tiền từ 50-150.000 đồng để nộp cho nhà mạng thì thật là một điều lãng phí không cần thiết.
Bởi lẽ, không đóng tiền tin nhắn điện tử thì nhà trường cũng phải phát phiếu liên lạc mỗi kì 2 lần về nhà.
Vậy có nhất thiết phải đóng không nếu con mình học tập bình thường?
Hơn nữa, đầu năm họp phụ huynh hoặc trong phần cập nhật thông tin của học sinh thì giáo viên cũng nắm được số điện thoại của phụ huynh.
Nếu có việc gì gấp thì giáo viên chủ nhiệm cũng phải điện thoại báo cho cha mẹ học sinh biết.
Ta chỉ cần tính một mức bình quân mà các nhà mạng đang thu qua dịch vụ tin nhắn là 80.000 đồng/1 học sinh, mỗi lớp có khoảng 35-45 học sinh, mỗi trường bình quân hiện nay có số lượng học sinh khoảng 500-1000 em.
Nếu tất cả các phụ huynh cùng sử dụng dịch vụ tin nhắn thì sẽ là một khoản thu không hề nhỏ cho các nhà mạng.
Và tất nhiên thì tiền hoa hồng trích lại cho các hiệu trưởng cũng không hề ít. Chính vì vậy, không chỉ phụ huynh học sinh đang bị lợi dụng để phải đóng tiền mà ngay giáo viên trong trường cũng thường xuyên phải tất bật chạy theo sự thay đổi các phần mềm điện tử của các hiệu trưởng.
Nhiều khi các phần mềm của nhà mạng này làm thông thạo được thì ban giám hiệu lại có hợp đồng với nhà mạng khác.
Một điều ai cũng biết, phía sau việc thay đổi nhà mạng cho phần mềm điểm điện tử là sự thay đổi các khoản hoa hồng trích lại cho hiệu trưởng nhà trường.
Chuyện sử dụng phần mềm điểm điện tử dù có những thuận tiện nhất định cho giáo viên và phụ huynh học sinh nhưng ẩn sau sự tiện ích đó là lợi ích của nhà mạng và cũng là của hiệu trưởng hoặc một vài người trong nhà trường.
Vì sao cũng là một nhà mạng cung cấp phần mềm cho các trường trong cùng một địa bàn nhưng giá cả dịch vụ lại có sự chênh lệch khác nhau? Rõ ràng chúng ta sẽ tự tìm ra câu trả lời cho riêng mình.
Trong khi đó, giờ hầu như gia đình nào cũng sử dụng intenet, và các bậc cha mẹ học sinh đều có điện thoại thông minh. Tại sao không sử dụng những dịch vụ liên lạc miễn phí và tiện ích như email, zalo, facebook...?