LTS: Trước tình trạng số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp ra trường nhưng vẫn thất nghiệp như hiện nay, tác giả Thiên Ấn cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên chính là việc các bạn trẻ hay "chê việc".
Đồng thời, tác giả mong muốn các bạn trẻ và cả xã hội cần thay đổi tư duy, nhận thức để hiểu đúng hơn về vai trò của doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp thì mới giải quyết được gốc rễ của tình trạng thất nghiệp và thiếu nhân lực như hiện nay.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Anh Hiền, một doanh nghiệp trẻ ở Thành phố Đà Nẵng từng chia sẻ: “Mình thành lập công ty với quy mô nhỏ. Khi tuyển dụng nhân sự thì có tới 10 sinh viên nộp hồ sơ 10 nhưng lúc phỏng vấn chỉ còn 4 bạn và đến lúc gọi đi làm nhiều khi không có ai.
Kiểu các bạn trẻ bây giờ toàn thích việc nhẹ lương cao, được ngồi văn phòng hoành tráng, máy lạnh, lướt mạng ngày 8 tiếng mà tới tháng vẫn có lương đều”.
Trả lời báo Thanh niên số ra gần đây, ông Cao Trung Hiếu người sáng lập và điều hành một công ty phần mềm tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Công ty chúng tôi hoạt động theo mô hình khởi nghiệp tinh gọn nên không có văn phòng lớn, đội ngũ nhân viên ít và không quảng bá rầm rộ.
Chúng tôi tập trung chính sách lương và phúc lợi nhân sự tốt hơn cả với công ty lớn, ví dụ lương nhân viên chăm sóc khách hàng 13 triệu/tháng; nhân viên triển khai phần mềm và nhân viên bán hàng 15 triệu/tháng…) nhưng vẫn bị sinh viên mới ra trường “chê”.
Tỉ lệ cử nhân thất nghiệp giảm, đã vui mừng được chưa? |
Có cùng hoàn cảnh trên, tổ chức Business Matching Việt Nam cần tuyển một vị trí toàn thời gian với mức lương 5 triệu/tháng, được cấp máy tính và một số chế độ ưu đãi khác… Sau khi đăng tuyển dụng, nhiều sinh viên mới tốt nghiệp đến nộp hồ sơ, nhưng cuối cùng không có ai đến làm việc.
Anh Nguyễn Hồng Tịnh (38 tuổi), giám đốc, một công ty điện lạnh tư nhân ở huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh phân trần:
“Bây giờ không chỉ có nhiều bạn sinh viên tốt nghiệp đại học chê việc ở các công ty nhỏ và vừa mà ngay cả các bạn học trung cấp, cao đẳng cũng “chảnh” lắm, chỉ thích ngồi “chỉ đạo” thì mới làm, đóng góp cho công ty chưa được bao nhiêu đã đòi tăng lương và các thứ khác nữa.
Đáp ứng chưa được như ý nguyện là nghỉ việc, chạy sang công ty khác làm khiến công ty có lúc đau đầu về thiếu nhân sự”. Vậy đâu là nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng nhiều sinh viên ra trường “chê việc”?
Trước tiên, không ít bạn trẻ đã được các bậc phụ huynh bảo bọc, chăm sóc quá kỹ, thất nghiệp mấy năm mà vẫn chăm “nuôi” nên thiếu ý thức trong việc tự thân vận động, tìm kiếm cho mình một công việc.
Thứ hai, các bạn chưa hiểu rõ bản chất của công việc, tình hình hoạt động của doanh nghiệp, vừa bước vào công ty chỉ muốn làm đúng chuyên môn đã học. Trong khi đó, các công ty, doanh nghiệp còn có rất nhiều việc, nhiều hoạt động khác cần triển khai, giải quyết.
Mặt khác, một số em còn ảo tưởng, ngộ nhận về vị trí của bản thân, về giá trị của tấm bằng cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ.
Những sinh viên học ngành tốt hoặc những trường đại học lớn, khi tốt nghiệp ra trường luôn nghĩ mình thế nọ, thế kia, được săn đón, trọng vọng và phải làm ở một công ty lớn, với một công việc có mức lương cao. Song, thực tế mức thu nhập mà họ được trả thấp hơn nhiều nên sớm thất vọng, nghỉ việc sau một hoặc vài tháng tập sự.
Hơn nữa, một số người thân quen đồn đại chỗ này, chỗ kia điều kiện làm việc sướng lắm, lương bổng lại rất hậu hĩnh, rồi báo chí đưa tin về các trường hợp vừa tốt nghiệp làm ở công ty A, B được trả lương ngất ngưởng (40-80 triệu/ tháng) khiến các bạn trẻ rơi vào hoang tưởng.
Thực ra, đây chỉ là những trường hợp hiếm hoi và phải xuất sắc, đặc biệt thế nào mới được hưởng được mức lương như vậy.
Hình ảnh minh họa việc các sinh viên tìm kiếm cơ hội để có việc làm. (Ảnh: Tuoitre.vn) |
Tâm lý và nguyện vọng chung của phần đông sinh viên ra trường là được vào làm việc ở các doanh nghiệp lớn với suy nghĩ rằng, môi trường làm việc và chính sách phát triển của doanh nghiệp nhỏ không bằng các doanh nghiệp quy mô lớn.
Trong khi đó, theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hệ thống các doanh nghiệp gồm nhiều cấp độ, ở đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công ty khởi nghiệp chiếm hơn 90% tại Việt Nam, 10% còn lại là công ty lớn, tập đoàn.
Như vậy, “chiếc áo” doanh nghiệp lớn không thể đủ rộng để chứa hết nhu cầu việc làm của số đông cử nhân, kỹ sư chúng ta hiện nay.
Các nhà quản lý kinh tế khuyến cáo: “Các bạn trẻ và cả xã hội cần thay đổi tư duy, nhận thức để hiểu đúng hơn về vai trò của doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp thì mới giải quyết được gốc rễ của tình trạng thất nghiệp và thiếu nhân lực như hiện nay.
Muốn có lương cao, vị trí việc làm tốt, nhiều cơ hội rộng mở, các bạn trẻ phải biết trải nghiệm, nỗ lực hết mình trong mọi công việc. Mới ra trường đừng sớm kén chọn, chê việc…”.