Bữa cơm ấm tình người nơi biên giới
Giữa miền biên viễn, khi những triền đồi Mộc Châu (Sơn La) trắng một màu hoa mơ, hoa mận cũng là lúc đất trời báo hiệu vào xuân.
Thế nhưng Lóng Luông (Mộc Châu), sự chuyển mình ấy đang chậm và khó khăn hơn bởi cái lạnh đến cắt da cắt thịt... Trên những điểm cao mùa này mây mù dày đặc, lạnh lẽo.
Chúng tôi đến với Đồn biên phòng Lóng Sập, Mộc Châu, Sơn La vào những ngày như thế.
Với tinh thần Đồn là nhà, Biên giới là quê hương, Nhân dân là anh em ruột thịt, từ lâu các chiến sỹ đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập ngày đêm bám bản, bốn cùng bà con (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc).
Những ngày này khi đất trời vào xuân thì Buốc Pát vẫn chìm trong những ngày mù sương (Ảnh: LC) |
Những người lính mang quân hàm xanh ấy đã góp sức nâng cao đời sống, nhận thức cho đồng bào.
Địa bàn xã vùng biên Lóng Luông, từ lâu vẫn được biết đến như một điểm nóng về ma túy. Một trong những điểm khó khăn nhất của Lóng Luông là bản Buốc Pát. Bản bị tàn phá ghê gớm từ hệ lụy của ma túy.
Những đứa trẻ sinh ra ở bản Buốc Pát nhiều khi còn chẳng nhớ nổi mặt cha bởi chưa kịp lớn, cha chúng đã phải vào tù vì buôn bán trái phép chất ma túy.
Không chỉ thiếu vắng tình thương của cha mẹ, đường đến trường của những đứa trẻ nơi đây lại gập ghềnh hơn bao giờ hết vì những bữa đói, bữa no.
Cả bản có hơn chục em đến lớp nhưng hiếm khi đủ sĩ số, thậm chí các đây 3 năm cả bản chưa có ai tốt nghiệp cấp 2.
Để chia sẻ gánh nặng khó khăn, giúp các em học sinh đến trường đầy đủ với mục đích tạo dựng một thế hệ tương lai có kiến thức, biết lao động để bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới của Tổ quốc, từ nhiều năm nay, cán bộ chiến sỹ đồn Biên phòng Lóng Luông đã mở lớp học tình thương tại bản khó khăn này.
Tuy nhiên, lớp học cũng khó duy trì đủ sĩ số bởi với các em, cái ăn còn chẳng đủ chúng còn thiết gì đến việc học.
Để đưa bước chân các em về lại lớp học, các chiến sĩ đồn biên phòng Lóng Sập đã thực hiện bữa cơm nghĩa tình cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại bản Buốc Pát.
Kinh phí bữa ăn ấm tình người nơi biên giới này được trích ra từ chính tiền lương, khẩu phần ăn của cán bộ chiến sĩ trong đồn.
Bữa ăn với khẩu phần ăn của những người lính, tuy nhỏ nhoi nhưng đã chia sẻ gánh nặng với các bậc phụ huynh và hơn hết các em học sinh đã đến trường được ấm cái bụng.
Hạnh phúc của các con là đến trường được ăn cơm no (Ảnh chụp tại điểm trường trung tâm) |
Chính những bữa cơm nghĩa tình ấy đã góp phần tạo điều kiện cho các em đến trường đầy đủ. Nhìn bát cơm chỉ có những khẩu phần ăn đặc trưng như cơm trắng và những thức ăn đơn giản như rau, trứng được tăng gia sản xuất nhưng đó lại là niềm mơ ước của các em nơi vùng cao còn vô vàn khó khăn.
Ngày nào cũng vậy, nắng cũng như mưa, sương mù hay giá rét, đúng 5 giờ sáng, khi khẩu phần ăn của cán bộ chiến sỹ được chia thì một phần trong số đó được bớt lại để dành cho các em ở điểm trường Buốc Pát.
Sau khi những khẩu phần ăn được nhà bếp chuẩn bị xong, các cán bộ chiến sỹ cùng các thầy cô giáo phân công chia từng đợt trực, gánh cơm vượt đường rừng lên điểm trường cho các em.
Vượt qua nhiều khó khăn, bếp ăn vẫn được duy trì, các em cũng theo lớp đều đặn hơn. Đến năm học 2017 – 2018, nhiều em đã chuyển xuống điểm trường trung tâm để tiếp tục theo học.
Những bữa cơm đã không để các em lạc bước trên đường đến trường.
Trăn trở của “thầy Thanh”
Trò chuyện với Trung tá Đào Mạnh Tưởng, Trưởng đồn biên phòng Lóng Sập chúng tôi được biết đến người thầy đặc biệt của đồn, đại úy Nguyễn Trọng Thanh.
Trước khi gặp đồng chí Tưởng giới thiệu sơ qua một chút về người thầy đặc biệt này: “Đồng chí chỉ làm tốt thôi, nói đôi khi không tốt lắm, nhưng rất thật. Thay vì nói, đồng chí ấy làm nhiều hơn.
Nói rồi, Trung tá Tưởng nhấc máy gọi đồng đội mình bằng cách gọi khá hài hước “bố Thanh đấy à, bố bớt chút thời gian lên trên đồn gặp anh em một chút để anh em tìm hiểu câu chuyện của bố.”
Câu chuyện của chúng tôi với “bố Thanh” của đồng Biên phòng Lóng Sập diễn ra rất nhanh dưới chân đồn.
Phút xao lòng định mệnh của cô giáo mầm non cắm bản đi qua miền hạnh phúc |
Vốn người chất phác đúng phẩm chất của anh bộ đội cụ Hồ, Đại úy Nguyễn Trọng Thanh “vào việc” luôn.
Anh chỉ về đường về bản Buốc Pát và nói rất ngắn gọn: “Trên bản hiện có 13/14 gia đình khó khăn, nhà thì bố bị bắt về buôn ma túy, mẹ nghiện bỏ nhà đi lang thang… trừ còn đúng nhà trưởng bản.”
Rất nhiều gia đình ở Buốc Pát đã li tán, những đứa trẻ lớn lên như cây dại mọc giữa rừng.
Đại úy Thanh cho biết, trước đây anh đóng vai trò làm thầy giáo dạy lớp học tình thương trên điểm trường khó khăn này nhưng hiếm khi nào lớp đầy đủ sĩ số. Trước khi vào lớp học, thầy phải đi vòng khắp những triền đồi tìm học sinh về lớp học.
Nhiều đứa trẻ không có cha mẹ chăm sóc, người thân nuôi dưỡng, từ bé đã phải nghỉ học vào rừng làm nương hoặc đi học với cái bụng đói.
“Thương các em, cán bộ đồn chúng tôi tình nguyện góp tiền nấu ăn, nhường cơm cho học sinh ở các điểm trường. Nhờ cách làm này, chúng tôi đã vận động thành công nhiều em quay lại trường học, sĩ số lớp học luôn ổn định”, đại úy Thanh cho biết.
Đại úy Nguyễn Trọng Thanh, người lính, người thầy đang làm nhiều nhiệm vụ nơi biên cương của Tổ quốc (Ảnh: Lại Cường) |
“Những bữa cơm, con chữ đến với các em được như vậy chúng tôi cũng rất mừng. Mong các thầy cô giáo vượt qua khó khăn xây dựng cho Buốc Pát một lớp người mới. Nhiều lúc khi chúng tôi mang cơm lên cho các con, chúng ùa ra gọi tôi bằng đủ cái tên, đủ các chức danh như “bố Thanh”, “chú Thanh”, “thầy Thanh…” nghe xúc động vô cùng.” Anh Thanh kể.
Khi đất trời chuyển mình, người người lại tất bật lo chuẩn bị lo tết sau cả năm vất vả.
Nhưng với thầy giáo Thanh cùng anh em trong đồn biên phòng Lóng Sập canh cánh một nỗi lo khác khi những ngày tết đến.
Nỗi lo những đứa trẻ trên đỉnh Buốc Pát thiếu cơm ăn, thiếu áo mặc khi trường lớp nghỉ.
Đại úy Thanh cho biết, anh cũng rất lo về kỳ nghỉ dài ngày, có thể các em sẽ đứt bữa vì không đến trường. Bởi tới trường các con mới có bữa cơm đủ đầy.
Dẫu bếp ăn đơn vị vẫn duy trì hàng ngày nhưng những ngày tết tìm các con đến lớp rất khó. Đại úy Thanh kết thúc câu chuyện bằng giọng trầm ngâm: "Tết của các con đơn giản cũng chỉ là những bữa cơm no, mong các con sẽ không bị đứt bữa”.
Sau giọng trùng xuống ấy, thầy giáo Thanh lại hào hứng khoe trong các lớp học tình thương lớn lên bằng những bữa cơm ấm tình người ấy, đã có nhiều em đang tiếp tục theo học đến cấp 2. Những lúc buồn vui, các trò vẫn tâm sự với thầy Thanh.
Nghe tâm sự, thấy các em trưởng thành, những nếp nghĩ mới của những đứa trẻ đang lớn lên, thầy giáo Thanh và đồng đội lại càng tin tưởng về một ngày mai tươi sáng sẽ đến với Buốc Pát.