LTS: Trong thời điểm các thí sinh đang tập trung cho giai đoạn nước rút trước kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019, thầy giáo Nguyễn Văn Lự chia sẻ cách học và làm bài thi để được điểm cao môn Ngữ văn.
Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả bài viết.
Chỉ khi hiểu đúng chi tiết sự việc, chỉ khi tự tin viết điều mình hiểu, diễn đạt nó theo cách của mình thí sinh mới có thể luận bàn tốt bất cứ đề Ngữ văn nào hay vấn đề nào của đời sống.
Khi đề thi không có cơ hội cho văn mẫu thuộc lòng, việc học văn chưa bao giờ muộn!
Đọc kỹ đề, tránh hiểu lầm
Cấu trúc đề thi Ngữ văn 2019 vẫn như năm 2018. Phần đọc hiểu với phần kiến thức cơ bản, tường minh và đặc biệt đã bớt phần điền vào có điểm đòi hỏi thí sinh phải suy nghĩ, cân nhắc.
Các trò cần hiểu và nắm vững kiến thức về tạo lập văn bản: dùng từ, câu văn, liên kết câu, thể loại, nhan đề, đề tài; thể hiện nội dung qua phương thức biểu đạt, thao tác lập luận và tu từ…
Văn bản mới chưa có trong đề bài nào nhưng lại gần gũi và có tính thời sự, phù hợp với thí sinh cả vùng cao lẫn thành phố nên dễ hiểu.
Phần nhiều các trò đọc vội và làm luôn, viết điều chưa đọc kỹ đề bài, chưa hiểu kỹ câu chữ thành thử bài sai lệch, mất điểm.
Làm thế nào để làm tốt bài thi môn Ngữ văn? Ảnh minh họa: http://thoidai.com.vn |
Tại sao thí sinh lại bỏ qua những chỉ dẫn như “theo anh, chị hiểu thế nào hay có ý nghĩa gì, hay thông điệp, bài học gì…” để thoát ly đề bài, viết ngay mà không cần hỏi sao lại hiểu thế, có thể hiểu khác không?
Cách tốt nhất là nêu câu hỏi phản biện, kiểm chứng và viết nháp nội dung trả lời, khi chắc chắn hãy ghi vào bài.
Kiến thức tiếng Việt và văn bản đọc hiểu của đề thi Ngữ văn trong 4 câu thường rất phổ thông. Hầu hết các nội dung đều có những dấu hiệu nhận biết, cơ sở để phân biệt và ý nghĩa sử dụng. Các trò chú ý đến các bài tổng kết ôn tập tiếng Việt của thầy cô để nhớ.
Thí sinh dù được thầy cô cảnh báo vẫn viết ẩu, viết vội, câu chữ sai nhiều. Không ít em lại quá dài dòng. Phần đọc hiểu năm 2019 chấp nhận gạch ý nhưng không cho phép viết tắt, viết sai chữ, sai dấu thanh.
Hiểu đúng, viết đúng đoạn văn
Dựa theo chỉ dẫn của phần đọc hiểu, đề bài yêu cầu thí sinh viết đoạn văn chứ không phải bài văn nghị luận xã hội, nghĩa là trình bày tương đối rõ hiểu biết của mình về một khía cạnh đề hỏi.
Sự mơ hồ giữa đoạn và bài văn này dẫn tới học sinh viết quá ngắn hoặc quá dài. Học khối thi Ngữ văn, các trò ngộ cứ viết như bài văn dài là được trọn 2 điểm. Đôi khi viết 3 trang cũng chỉ bằng viết nửa trang mà chặt chẽ, đúng nội dung.
Chỉ cần viết câu chủ đề (đề đã gợi ý), rồi làm rõ vấn đề với những biểu hiện thế nào, tại sao chúng ta cần bàn đến nó…
Viết thành một đoạn, không cần tách xuống dòng thành 3 đoạn.
Đoạn văn 200 chữ có thể nêu dẫn chứng nhưng không phân tích. Nếu phân tích sẽ không còn chỗ cho ý khác, dẫn chứng khác.
Thí sinh làm sao bày tỏ được hiểu biết và giải pháp của cá nhân rồi lập luận chặt chẽ và diễn đạt thuyết phục vấn đề đặt ra.
Cách trình bày diễn dịch đi từ ý chung đến ý riêng hay tổng - phân - hợp, từ ý chung, phân tích, giải thích rồi khái quát thành vấn đề.
Thời gian 120 phút không cho phép viết đoạn bàn luận tràn lan, dài lê thê: giải thích-phân tích - bình luận - bài học.
Viết đoạn nghị luận xã hội khác hoàn toàn bài nghị luận xã hội của đề thi dành cho khối C, D trước kia. Đoạn văn chỉ khoảng 20-30 dòng, không giải thích “rằng thì mà là” kẻo không dứt ra được.
Hãy viết điều mình hiểu
Năm 2021, thi Trung học phổ thông quốc gia sẽ thay đổi khác hiện nay. Năm 2019, kiến thức chủ yếu lớp 12, với mục tiêu chính xét tốt nghiệp nên đề Ngữ văn sẽ không nặng nề, tổng hợp, ôm đồm cả lớp 11 như năm 2018.
Vấn đề khó nhất, học sinh sợ nhất là viết bài nghị luận 5 điểm. Sự lúng túng và ngại viết với cả thí sinh khối C, D.
Căn nguyên nỗi sợ thế kỷ này chính là học trò học văn nhưng không đọc tác phẩm để hiểu mà theo lối học vẹt, nói theo, viết theo và học thuộc lòng.
Thậm chí, một số thầy cô Ngữ văn cũng chỉ nói theo, hiểu theo tài liệu, và chấm bài theo văn mẫu, khi dạy đọc chép ý văn, thành thử, cái ảo đó cứ thăng hoa khuếch tán.
Học trò đọc trôi chảy, viết tràn chục trang giấy mà không hiểu chữ nghĩa và giá trị văn chương là có thật trên toàn quốc.
Đề minh họa Ngữ văn 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: V.L. |
Thầy và trò tâm niệm đề thế nào, học thế nấy. Năm 2019, đề thi Trung học phổ thông Ngữ văn sẽ thay đổi: nội dung đề mới hoàn toàn; phù hợp 3 nhóm trình độ; tác phẩm lớp 12 cơ bản Trung học phổ thông và Bổ túc đều học.
Đề minh họa Ngữ văn 2019 yêu cầu thí sinh bộc lộ hiểu biết về chi tiết, sự việc trong tác phẩm và diễn đạt sự hiểu đó theo trình độ nhận biết và năng lực của mình. Điểm bài phân hóa ở khả năng tư duy và diễn đạt, năng lực ngôn ngữ và năng lực thẩm mĩ của thí sinh.
Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, ông Mai Văn Trinh, ngày 17/3/2019, tại Đại học Bách khoa Hà Nội, tiếp tục khẳng định “đề thi theo đúng thiết kế đề minh họa đã công bố”[1].
Như vậy, đề Ngữ văn yêu cầu thí sinh trình bày hiểu biết của mình về chi tiết, sự việc theo khả năng bản thân.
Đề bài chắc chắn mới lạ nên việc thuộc văn mẫu, học theo đề có sẵn sẽ thất bại. Mong sao, thầy cô Ngữ văn tự trọng và nhân văn, từ bỏ ngay cách dạy trò thuộc lòng văn mẫu, mỗi tuần giao trò một tập photo, mỗi tác phẩm vài đề bài! Cách đó vừa tốn tiền, vừa làm khổ trò.
Cách học văn khôn ngoan và hiệu quả là đọc kỹ tác phẩm, tự trả lời câu hỏi hướng dẫn học bài của sách giáo khoa, tự viết thành đoạn, thành bài rồi đối chiếu bài giảng hay tài liệu để củng cố và hoàn thiện hiểu biết.
Học sinh rèn bản lĩnh trước kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2019 |
Chỉ khi hiểu đúng chi tiết sự việc, chỉ khi tự tin viết điều mình hiểu, diễn đạt nó theo cách của mình thí sinh mới có thể luận bàn tốt bất cứ đề bài nào, tác phẩm nào hay vấn đề nào của đời sống.
Kiến thức môn tự nhiên sẽ bị bỏ lại nếu không làm chuyên môn nữa, nhưng hiểu biết về ngôn ngữ và văn chương sẽ dùng để nói và viết trong giao tiếp suốt cuộc đời.
Nếu học văn mà chưa dám viết, chưa biết viết thì hãy cố gắng bắt đầu tập làm ngay từ lúc ôn thi Trung học phổ thông quốc gia.
Học văn ngay để thi văn Trung học phổ thông quốc gia vẫn còn kịp; học văn còn để khẳng định mình và để chung sống cũng còn cơ hội để bắt đầu lại từ việc đọc và tập làm văn.
Viết bài tự luận nhất thiết cần tuân theo cấu trúc ba phần mở bài, thân bài và kết bài.
Trong đó, mở bài khái quát gọn về tác giả, đề tài, phong cách sáng tác, vị trí đoạn trích và tên tác phẩm. Nêu bật được luận đề của đề yêu cầu. Mở bài, không cần hay nhưng phải cho người đọc biết mình sẽ viết về cái gì, như thế nào.
Thân bài, triển khai các luận điểm xoay quanh nhân vật tự sự hoặc hình tượng thơ, cố gắng giảng giải, cắt nghĩa sự hiểu của mình, cảm xúc của mình về nhân vật hay hình ảnh, chi tiết đó.
Từ việc lý giải, nêu lên tình cảm và thái độ, thông điệp nhà văn đã gửi gắm trong văn bản. Phần kết bài, nêu vắn tắt cảm nhận chung và liên hệ nhận thức và hành động sau khi bàn luận.
Học lại phần lý thuyết và kỹ năng làm văn được dạy kỹ hơn chục tiết trong chương trình lớp 12. Học sinh nhớ công thức viết mở bài, thân bài, kết bài cần có mấy nội dung để viết đúng, viết đủ, không xa đề, không bỏ sót ý.
Để tránh lạc đề và viết lan man, thí sinh cần đọc thật kỹ đề bài, phân tích đề cẩn thận, ghi nháp ý chính và khi viết cần căn thời gian, biết dừng lại đúng lúc để chuyển sang ý khác.
Bài tự luận văn học chỉ viết trong khoảng 60-70 phút. Nhiều em mắc lỗi thời gian, đủng đỉnh cầu đọc hiểu và viết đoạn văn vòng vo bàn luận xa xôi, để quáng quàng hoảng hốt viết câu 5 điểm dở dang.
Luôn đặt câu hỏi và tìm câu trả lời, tìm từ ngữ diễn đạt ý hiểu sao cho gọn và rõ ràng, tránh lặp từ, lặp ý.
Hãy viết chân thực điều mình nghĩ, mình hiểu về chi tiết, về sự việc đề yêu cầu. Các trò hãy bắt đầu tập đọc, tập viết của người học nói, học viết chứ không phải người giỏi văn.
Học văn chưa khi nào muộn. Chúc các em thành công!
Tài liệu tham khảo:
[1]https://tuoitre.vn/nganh-nao-hot-nhieu-uu-dai-hoc-luc-trung-binh-chon-nganh-nao-20190317111529412.htm