LTS: Cùng bàn luận về vị thế, hình ảnh cũng như cái tâm, cái tài của một số giáo viên trong môi trường giáo dục hiện nay, tác giả Sông Trà đã có bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Thời trước đây khi môi trường xã hội ít “nhiễm độc”, trường lớp, học sinh chưa nhiều, hình ảnh người thầy cô giáo thật đẹp đẽ, cao quý trong tâm trí bao học trò, được cả xã hội quý trọng, hiếm khi thấy có chuyện học sinh vô lễ, hành hung, phụ huynh xúc phạm, chửi bới… giáo viên.
Năm ngoái, dư luận của cả nước vô cùng bức xúc, phẫn nộ trước hành vi một số phụ huynh bắt một giáo viên tiểu học phải quỳ đến 40 phút để xin lỗi họ (chỉ vì cô giáo này phạt học sinh chưa ngoan quỳ) tại tỉnh Long An.
Thời ấy điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, đời sống đại bộ phận cán bộ, nhân dân còn khó khăn, vất vả song tình cảm, tình nghĩa thầy - trò thật khăng khít, đậm đà, gắn bó. Ai từng dạy học thời ấy đều cảm thấy rất tự hào, vinh dự xiết bao.
Còn nay, hoàn cảnh kinh tế - xã hội của đất nước đã đổi khác nhiều, điều kiện sống của phần đông dân chúng đã khấm khá lên, nhà nhà, người người đi học, trường lớp nhiều vô kể, những giá trị văn hóa truyền thống (tôn sư trọng đạo) bắt đầu bị phai nhạt, lung lay.
Tình cảm, quan hệ thầy - trò không còn như xưa, có những vụ việc đau lòng xảy ra, thầy đánh trò, trò hành hung, đe dọa thầy.
Một vài vụ việc xảy ra thôi song với thời buổi công nghệ, internet bùng nổ, thông tin đa chiều, hỗn tạp, cách phản ánh quá mức, đánh giá hiện tượng, bản chất vấn đề thiếu khách quan thì đôi khi vô tình hay hữu ý tạo ra những ảnh hưởng, tác động, nhìn nhận tiêu cực, xấu xí về môi trường giáo dục, thầy cô giáo trước dư luận xã hội, con mắt mọi người, trong đó có giới trẻ, học sinh.
Không ít nhà giáo xót xa, buồn bã và từng thốt lên: “nghề giáo giờ bạc hơn vôi”.
Giáo viên cùng các em học sinh (Ảnh minh họa: TTXVN). |
Người viết bài này, xin điểm qua những căn nguyên cơ bản nhất.
Về môi trường xã hội, nếu như ngày trước còn trong lành, sạch sẽ, ít có tác động xấu đến con trẻ thì nay lại diễn biến phức tạp, cái ác, cái xấu nảy sinh ngày càng nhiều, những tiêu cực, mặt trái của cơ chế thị trường từng ngày có ảnh hưởng không nhỏ đến sự hình thành nhân cách, đạo đức thanh thiếu niên, học sinh.
Ai cũng thừa nhận rằng, bây giờ làm công tác giáo dục đạo đức học sinh ở trường học trở nên phức tạp, thách thức, khó khăn hơn trước nhiều.
Do ảnh hưởng của những “tấm gương” xấu, những lệch lạc, tiêu cực… trong xã hội, của các loại sách báo độc hại, phim ảnh đen, thông tin, hình ảnh độc hại, đầy bạo lực trên mạng internet… khiến nhiều học sinh, giới trẻ nhiễm thói hung bạo, lối sống bất chấp, thiếu tình cảm, nhân văn.
Các cơ quan quản lý về văn hóa, về internet vẫn loay hoay, chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý căn cơ, hiệu quả.
Các em với bản tính, lứa tuổi mới lớn thường có những suy nghĩ, việc làm bồng bột, non dại, manh động, không lường trước hậu quả nghiêm trọng.
Học trò thời nay trên thực tế đã dùng đủ chiêu trò để trả thù, "khủng bố", đe dọa, hành hung thầy cô giáo, từ ngôn ngữ đến hành động.
Sự việc thường xảy ra trong trường hợp, thầy cô giáo nghiêm khắc khi kiểm tra, thi cử, hay phê bình nặng lời học sinh trước lớp, hoặc học sinh nghĩ rằng thầy cô giáo đó có ấn tượng ghét bỏ, trù dập mình.
Về vai trò, trách nhiệm giáo dục con cái của gia đình, các bậc làm cha, làm mẹ đang là khâu yếu.
Nhiều cha mẹ mải mê làm việc, kiếm tiền nên ít có thời giam chăm sóc, quan tâm tìm hiểu những diễn biến tâm lý, nắm bắt tính cách cũng như những thay đổi phức tạp của con mình trong môi trường hiện đại. Nhiều gia đình khoán trắng mọi chuyện cho nhà trường.
Một lẽ khác, thời nay, sinh con ít (từ một đến hai đứa) nên nhiều phụ huynh thương con, chiều chuộng con quá mức, coi con là “cục vàng”. Có nhiều trường hợp, con muốn gì được nấy, đâm ra hư hỏng, coi thường tất cả.
Có phụ huynh hoàn toàn tin lời con hơn lời thầy cô giáo, khi gặp giáo viên chưa rõ sự tình, đầu đuôi, đúng sai thế nào đã có ngay biểu hiện nóng giận, to tiếng, xúc phạm thầy cô, một mực bênh con mình.
Cô giáo bị phụ huynh xông vào trường đánh gây thương tích 9% |
Thậm chí, có phụ huynh kém hiểu biết pháp luật, kích động xúc giục con, lôi kéo thanh niên xấu bên ngoài đến trường đe dọa, hành hung thầy cô.
Vai trò gia đình mờ nhạt, các bậc cha mẹ lại thiếu kiến thức, phương pháp giáo dục hiện đại để định hướng con cái đi theo chiều tích cực, tốt đẹp… thì tất yếu sẽ sản sinh ra số con cái, học sinh làm loạn xã hội, làm khổ nhà trường, thiếu đi sự lễ phép, tôn kính thầy cô giáo.
Về năng lực, bản lĩnh, cái tâm của một số giáo viên đối với nghề nghiệp, đối với các em học sinh, phụ huynh đang có những “vấn đề” đáng quan ngại.
Phải thừa nhận rằng, thế hệ nhà giáo lớn tuổi đã và sắp về nghỉ hưu, sinh trưởng và được đào tạo sư phạm trong hoàn cảnh bao cấp đặc biệt khó khăn nhưng họ đã tích lũy được vốn liếng, nền tảng tri thức, trình độ tốt và rất tâm huyết, theo đuổi nghề đến cùng.
Còn mấy chục năm nay, thế hệ giáo viên lại không được như vậy. Do một thời gian dài, ngành giáo dục bị khủng hoảng…thiếu giáo viên lên đến mấy trăm ngàn người nên phải đào tạo ồ ạt, điều kiện, chất lượng đầu vào rất thấp, dạng “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”.
Thời gian đào tạo và quá trình bồi dưỡng sau khi đi dạy, năng lực, trình độ chuyên môn, phương pháp dạy học cũng chẳng tiến bộ mấy.
Số thầy cô giáo non yếu, hạn chế về kiến thức lẫn phương pháp giáo dục không hề nhỏ, khiến phụ huynh, học sinh xem thường, ít nể trọng. “Ngày xưa, thầy ấy học dở ẹc. Cô giáo kia dạy sai kiến thức…mà”.
Đáng buồn hơn, một số thầy cô (phổ thông lẫn đại học) không giữ được phẩm chất, đạo đức của người thầy, làm những việc tiêu cực, sai trái: xúc phạm, bạo lực, sàm sỡ học trò, tham gia đường dây chạy điểm, chạy trường…
Lấy lý do đồng lương, thu nhập ít ỏi, không đủ sống, một số thầy cô giảng dạy sơ sài, qua loa ở trên lớp, chỉ giỏi dùng đủ “chiêu trò” để chèn ép học sinh dạy học thêm trái phép tại nhà.
Nếu em nào không “phục tùng” thì trù dập, chiếu tướng, cho bài tập, chấm điểm khắt khe…
Ra trường, không còn học thầy cô giáo ấy nữa, nhiều học sinh mới dám thổ lộ hết thói hư, tật xấu của thầy cô giáo, nhà trường mình. Học sinh đàn em nghe mà phát hoảng… Tính lây lan lớn, làm cho nhà giáo lại càng thêm “mất giá” và bớt “thiêng”.
Về quy định, chế tài xử lý của nhà trường, xã hội chưa đủ mạnh. Trường hợp, học sinh vi phạm có hệ thống, học trò cá biệt có hành vi đe dọa, xúc phạm, hành hung thầy cô giáo trong quy định ở Điều lệ trường phổ thông của chúng ta còn chung chung, chưa cụ thể, rất khó vận dụng vào thực tế.
Văn bản về xử lý, giáo dục học sinh vi phạm ra đời cách đây 30 năm đã trở nên lạc hậu, không còn phù hợp với tình hình mới nhưng đến nay vẫn còn hiệu lực, không có thay đổi, điều chỉnh gì.
Hơn nữa, cách giáo dục, đánh giá, xử lý học sinh của nhà trường, giáo viên nổi lên khuynh hướng nhẹ nhàng, du di, tùy tiện, thiếu đi tính răn đe, làm gương.
Vì sợ học trò của mình bị thua thiệt, vì sính “bệnh” thành tích, vì có những mối quan hệ này, nọ…
Trong khi đó, nhiều nền giáo dục tiên tiến trên thế giới và khu vực, họ có những quy định xử lý học sinh, sinh viên vi phạm trong nhà trường hết sức cụ thể, chi tiết, chặt chẽ và rất nghiêm khắc.
Hơn nữa, công tác kiểm tra, xử lý các sai phạm của giáo viên, lãnh đạo nhà trường của cấp trên thường chẳng nơi đến chốn, có biểu hiện “giơ cao đánh khẽ”, thậm chí phớt lờ, bao che… cho nên tính tôn nghiêm của kỷ cương, pháp luật nơi trường học suy giảm dần.
Xã hội, phụ huynh càng thêm hoang mang như rơi vào một trận đồ bát quái, khó nhận diện được đâu là những trường chất lượng, đâu là những thầy cô giáo chuẩn mực, nghiêm túc thật sự…
Về chế độ lương bổng dành cho đội ngũ giáo viên hiện nay còn quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Mang tiếng, giáo dục là quốc sách hàng đầu, chế độ lương của nhà giáo ở thang bậc cao nhất.
Nhưng, các chính sách ưu đãi của Nhà nước đang áp dụng như sinh viên các trường sư phạm được miễn học phí, giáo viên được tính chế độ thâm niên công tác từ năm thứ 5 trở đi cộng với phụ cấp đứng lớp từ 30 đến 70% (tùy theo khu vực) còn thua kém xa nhiều lĩnh vực đặc thù khác.
Đã vậy, tính chất công việc lại chịu quá nhiều áp lực, sức ép từ nhiều phía.
Nói về lương giáo viên, một nhà giáo dạy trước và sau năm 1975 đưa ra sự so sánh: "Tôi tốt nghiệp Đại học Sư phạm năm 1972, tôi lãnh lương 30.000 đồng/tháng, ở nhà tốt, tiện nghi đầy đủ song chỉ hết có 5.000 đồng, tức lương 5 phần thì tiêu hết 1.
Giáo viên bây giờ thì ngược lại, lương 1 phần nhưng cần đến 5 phần để trang trải cuộc sống".
Theo kết quả khảo sát của Tiến sĩ Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, hiện giáo viên đang chịu quá nhiều yếu tố làm ảnh hưởng đến động lực làm việc của họ:
86,6% giáo viên cho rằng công việc sổ sách, giấy tờ quá nhiều; 78% giáo viên cho rằng yếu tố thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống ảnh hưởng nhiều đến công việc; 66,3% nói việc chưa có chính sách khuyến khích đối với giáo viên tâm huyết, có năng lực cũng là vấn đề họ băn khoăn, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy...
Đau xót, hơn hàng ngàn giáo viên hợp đồng ở nhiều địa phương bị đối xử bất công, không bằng “con sâu, con kiến”, nay cần thì cho dạy, mai chẳng cần thì đẩy ra “ngoài đường, sống chết mặc bay”.
Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành trung ương khóa 12 mới đây lại một lần nữa nhấn mạnh đến chính sách đãi ngộ cho đội ngũ nhà giáo.
Các vị đại biểu Quốc hội rất chia sẻ với nhiều giáo viên mầm non sau 37,38 năm công tác, cống hiến cho ngành khi về nghỉ, lương hưu hàng tháng chỉ vỏn vẹn: 1,3 triệu đồng.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phải thốt lên: “lương hưu như thế, sao cô giáo sống nổi”.
Tựu trung lại, muốn lấy lại được hình ảnh, vị trí đẹp đẽ, đáng quý của người thầy giáo hôm nay trong bối cảnh xã hội đã có nhiều đổi thay là điều không dễ dàng.
Nó đòi hỏi rất nhiều yếu tố từ môi trường xã hội, nhận thức của phụ huynh, bản thân người học đến chất lượng đội ngũ nhà giáo, chế độ đãi ngộ của nhà nước.
Trong đó, yếu tố chất lượng của nhà giáo có tính chất quyết định nhất.
Mong mỏi có nhiều học trò (và cả xã hội) nể, trọng mình thì trước tiên từng chủ thể nhà giáo phải sáng lên chữ tâm - tài thật sự, luôn tâm huyết, trách nhiệm hết mình với sự nghiệp “trồng người”.
Cùng với những cải cách, đổi mới phù hợp của ngành và chính sách đãi ngộ thỏa đáng của Nhà nước để họ luôn sống được bằng lương.