LTS: Thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc (Phó hiệu trưởng trường Trung học Phổ thông Huỳnh Thúc Kháng, Quãng Ngãi) đã có bài viết kiến nghị việc các trường nên tổ chức khảo sát cho học sinh đánh giá giáo viên.
Đây là giải pháp hữu hiệu giúp đánh giá thực chất và góp phần đẩy lùi bệnh thành tích trong công tác giảng dạy của giáo viên, nhà trường.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Ở nhiều nước trên thế giới, chuyện học sinh, sinh viên có quyền đánh giá tư cách, năng lực giảng dạy, quản lí giáo dục của giáo viên là việc làm hết sức bình thường.
Còn ở ta vài năm trước, có nhiều trường phổ thông, Cao đẳng, Đại học cũng đã tiến hành tổ chức lấy ý kiến của học sinh, sinh viên bằng hình thức phiếu trắc nghiệm về công tác giảng dạy, quản lí của giáo viên.
Đánh giá của học trò với giáo viên là cần thiết để thúc đẩy giáo dục phát triển (Ảnh: laodong.com.vn). |
Qua đây, để Ban Giám hiệu, lãnh đạo nhà trường có thêm kênh thông tin đánh giá đội ngũ giáo viên giảng dạy và có biện pháp điều chỉnh, tác động phương pháp dạy học, ứng xử của người dạy học theo hướng tốt hơn.
Ngoài ra, cũng có một số trường còn yêu cầu học sinh, sinh viên đánh giá luôn về mặt đạo đức của các giáo viên, xem họ có ép buộc các em đi học thêm hay không?
Việc đánh giá ngược cũng nhận được nhiều luồng thông tin trái chiều từ phía giáo viên?
Nhiều phụ huynh, giáo viên ủng hộ việc này nhưng cũng không ít người trong đó có phụ huynh, quản lý giáo dục phản đối vì cho rằng nó xúc phạm đến truyền thống "tôn sư trọng đạo" của dân tộc.
Vừa thương vừa giận cô giáo bị kỉ luật vì dạy thêm chui |
Làm sao các học sinh, sinh viên có quyền bình phẩm, chê bai những người đang dạy giỗ chính mình học tập?
Từ thái độ không đồng thuận, xem là hành động phản cảm, nhiều trường trước tổ chức thì nay dừng hẳn việc khảo sát, trắc nghiệm đánh giá giáo viên thông qua học sinh.
Mặt khác, từ phía cơ quan chủ quản là Bộ Giáo dục và Đào tạo, lâu nay cũng vẫn "im hơi lặng tiếng", cứ để cho các trường chủ động, tự làm.
Nghe đâu, sắp tới, Bộ có hướng yêu cầu các trường Đại học cho sinh viên lấy phiếu tín nhiệm đối với đội ngũ giảng viên.
Có thể nói, việc thanh tra, đánh giá giáo viên là thuộc vào nhiệm vụ quan trọng của cấp quản lí từ cấp trường đến Phòng, Sở giáo dục.
Tất nhiên, có nhiều hình thức để đánh giá, phân loại giáo viên mà chúng ta đã từng áp dụng, như dự giờ thăm lớp, thanh tra đột xuất, tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp… ở hình thức nào cũng có tính tích cực và tương đối của nó.
Theo chúng tôi, việc đánh giá, phân loại giáo viên hiện nay và trong tương lai rất cần thêm kênh đánh giá công khai, rộng rãi từ phía các em về giáo viên đang quản lí và dạy dỗ.
Những thông tin này sẽ cung cấp cho các quản lí Giáo dục, Ban Giám hiện và tất cả giáo viên trong mỗi trường nắm bắt được tâm lí, nguyện vọng, yêu cầu của các học sinh về các giáo viên đang dạy dỗ mình.
Giáo viên cũng cần tôn trọng và thừa nhận quyền lợi, nguyện vọng của học sinh, sinh viên. Có như vậy, giáo viên mới hiểu được các em, sớm thay đổi cách thức quản lý, dạy học hiệu quả.
Thực tế cho thấy, nếu giáo viên biết lắng nghe, điều chỉnh cách dạy theo nhu cầu của học sinh sẽ được các em ngày càng yêu thích hơn.
Đến hỏi một số trường trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi từng cho học sinh đánh giá thầy cô giáo bằng hình thức trắc nghiệm, các Ban Giám hiệu đều công nhận rằng:
"Sau những lần tổ chức lấy phiếu tín nhiệm từ phía học sinh, việc giáo dục và giảng dạy của nhiều giáo viên có chuyển biến rõ rệt; không còn la, chửi, đánh học sinh nữa.
Tính tích cực, chủ động trong hướng dẫn, truyền đạt tri thức tăng khiến học sinh dễ tiếp thu bài hơn.
Nhờ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đều đặn nên giáo viên ít chủ quan, hời hợt trong thực thi nhiệm vụ, vì rất sợ bị mất uy tín trước học trò, đồng nghiệp, lãnh đạo của mình".
Nói rằng việc học sinh đánh giá giáo viên là có ý xúc phạm hay học sinh chưa đủ trình độ, tư cách nhận xét giáo viên, chúng tôi cho rằng quan niệm ấy đã không còn phù hợp, lạc hậu.
Trình độ thầy cô và khả năng quản lý của cán bộ quyết định chất lượng giáo dục |
Hãy để cho các em được tự đánh giá, giãi bày chính kiến của bản thân về giáo viên, dù đó là lời chê trách nặng nề.
Tin chắc, đánh giá của học trò không làm cho người thầy yếu đi, mà trái lại, làm cho người thầy mạnh lên!
Nền giáo dục của ta trong thời đại mới rất cần sự thẳng thắn, dân chủ, một động lực để giáo dục phát triển, tiến lên.
Một khi đã làm thì Bộ giáo dục và Đào tạo cần có văn bản, quy định thống nhất với tất cả đối tượng từ học sinh lớp 3, bậc Tiểu học đến Đại học.
Còn nội dung các câu hỏi đánh giá nên giao cho các trường tự lo theo mẫu đơn giản (chỉ từ 3 đến 5 câu), ví dụ: Cô/ thầy giảng dạy có dễ hiểu không? Giáo viên chủ nhiệm có quan tâm, nhiệt tình với lớp không?