Thí sinh có nên đăng ký nhiều nguyện vọng?

04/03/2017 07:56
Thùy Linh
(GDVN) - Có thí sinh đặt câu hỏi: “Năm nay được đăng kí nhiều nguyện vọng, thí sinh có nên đăng kí quá nhiều không?”.

Thí sinh có được đăng kí nhiều tổ hợp môn thi không?

Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp diễn ra ngày 26/2 ở Hà Nội, có thí sinh đặt câu hỏi gửi tới các Ban tư vấn rằng: “Năm nay được đăng kí nhiều nguyện vọng, thí sinh có nên đăng kí quá nhiều không?”. 

Trả lời câu hỏi này, TS.Vũ Viết Bình - Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội khuyên thí sinh không nên cố tận dụng tối đa nguyện vọng, mà cần có sự tìm hiểu kĩ, có đầy đủ thông tin và tập trung lựa chọn một hướng đi mà mình thấy chắc chắn nhất.

Trước đó, khẳng định với phóng viên, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) – Nguyễn Thị Kim Phụng cho rằng, một trong những điểm mới trong xét tuyển năm nay, đó là học sinh được đăng ký xét tuyển ngay từ khi đăng ký dự thi. 

Qua đó, các em chọn được mục tiêu phấn đấu, đăng ký nhiều nguyện vọng và trúng được nguyện vọng ưu tiên cao nhất xếp theo thứ tự ưu tiên. Thí sinh lại được điều chỉnh nguyện vọng sát hơn sau khi có kết quả thi để khả năng trúng tuyển cao. 

Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp diễn ra ngày 26/2 tại Hà Nội (Ảnh: Thùy Linh)
Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp diễn ra ngày 26/2 tại Hà Nội (Ảnh: Thùy Linh)

Và, khả năng chọn ngành nghề đúng với sở trường, năng lực của mình thì sẽ tốt hơn. Việc này đảm bảo cho cơ hội học tập cũng như kiếm việc sau khi ra trường.

Cũng tại ngày hội, rất nhiều câu hỏi tập trung vào những băn khoăn liên quan tới việc đăng kí tổ hợp môn thi như thế nào để có thể xét tuyển vào ngành mình mong muốn?

Cùng một ngành đào tạo của một trường có được đăng kí nhiều tổ hợp môn thi không?

Trước những lo ngại này, PGS.Trần Văn Nghĩa - Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phân tích: “Trường hợp thí sinh dự thi nhiều tổ hợp môn thi khác nhau và xét tuyển vào cùng một ngành thì thí sinh có thể sử dụng tổ hợp có điểm thi cao hơn để xét tuyển”.

Muốn trở thành nhà báo thì cần có đam mê

Cũng tại ngày hội rất nhiều câu hỏi liên quan đến báo chí – truyền thông gửi tới TS.Vũ Thị Kim Hoa - Phó trưởng ban đào tạo (Học viện Báo chí và tuyên truyền). 

Thí sinh không chỉ hỏi về cơ hội việc làm mà các em còn hỏi rất cụ thể về các ngành truyền thông thì có thể làm công việc gì? Có cần năng khiếu mới trở thành nhà báo không? 

Thí sinh có nên đăng ký nhiều nguyện vọng? ảnh 2

Năm 2017, thí sinh chỉ được điều chỉnh đăng ký xét tuyển duy nhất 1 lần

Trả lời những băn khoăn này, TS.Vũ Thị Kim Hoa cho rằng, báo chí – truyền thông là một trong những ngành thú vị, đa dạng trong việc lựa chọn nghề tương lai. 

Tuy nhiên để làm tốt công việc này thì thí sinh cần rèn luyện để có khả năng linh hoạt xử lý các tình huống, sự hiểu biết rộng bên cạnh kiến thức chuyên ngành. 

Ngoài ra, cũng theo TS.Vũ Thị Kim Hoa để trở thành nhà báo thì ngoài nhiệt huyết, bản lĩnh thì cần có sức khỏe tuy nhiên trong đó nhiệt huyết, đam mê là tố chất quan trọng để quyết định đến sự thành công sau này.

Bên cạnh đó, khá nhiều thí sinh đã chọn được ngành mình mong muốn nhưng các em vẫn băn khoăn nên học ngành đó ở trường nào nên có thí sinh đã đặt câu hỏi: “Kế toán thì trường nào tốt nhất?”. 

Giải đáp câu hỏi này, PGS.Bùi Đức Triệu - Trưởng Phòng Quản lý đào tạo (Trường Đại học Kinh tế quốc dân), cho rằng: “Mỗi trường có một gia vị khác nhau. Ví như ôtô của Mỹ và Đức đều tốt nhưng mỗi loại có những tiện ích, ưu việt và cũng có những nhược điểm khác nhau. 

Vì thế các em thí sinh cần theo dõi trên website của các trường trong khối ngành mình định chọn để tìm hiểu về cả mặt ưu, nhược điểm và cân nhắc
”.

Thùy Linh