LTS: Việc sử dụng thành thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh trong giai đoạn hiện nay là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, thực tế việc đào tạo ngoại ngữ của Việt Nam hiện nay đang gặp nhiều vấn đề.
Thầy giáo Nguyễn Cao chỉ ra những khó khăn đang tồn tại trong thực trạng dạy ngoại ngữ của giáo dục nước nhà những năm vừa qua.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của của môn Ngoại ngữ, đặc biệt là môn Tiếng Anh trong cuộc sống hiện đại. Nhất là khi mà Đảng và Nhà nước đang xác định “giáo dục là quốc sách hàng đầu”…
Muốn giáo dục Việt Nam hội nhập và tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến trên thế giới thì khả năng sử dụng tiếng Anh trong công việc và giao tiếp phải chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng dạy ngoại ngữ của giáo dục nước nhà trong những năm qua cho ta thấy nhiều thách thức đang đặt ra cho toàn ngành giáo dục nước nhà.
Việc áp dụng các giáo trình dạy tiếng Anh tại các cấp học trong thời gian qua mang lại hiệu quả không cao, khiến cho các bậc phụ huynh và xã hội không hài lòng.
Mặc dù, đa số các phụ huynh đã hiểu được vai trò của tiếng Anh trong xã hội hiện đại nên đầu tư cho con em mình rất nhiều.
Các em không chỉ học ở trường mà đa số các em đều được gửi đến các trung tâm ngoại ngữ hoặc học thêm tại nhà thầy cô nhưng kết quả mang lại chưa cao.
Sau 7 năm học tiếng Anh từ lớp 3 đến lớp 9 nhưng các em không thể nghe, nói, đọc, viết.
Phần lớn chỉ dừng lại ở các câu, từ chào hỏi, giới thiệu tên tuổi và những câu nói xã giao thông thường chứ không thể kể lại được một câu chuyện khoảng ngắn bằng tiếng Anh khoảng 100 từ.
Cách dạy trên lớp vẫn theo phương pháp truyền thống, giáo viên đọc sao thì học sinh đọc vậy. Trong khi, sĩ số lớp học hiện nay khá đông nên sự tương tác giữa giáo viên và học sinh không hiệu quả. Vì thế, kỹ năng nghe, nói đều bị hạn chế.
Việc dạy ngoại ngữ tại trường học của Việt Nam đang có nhiều vấn đề cần giải quyết. (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn) |
Giáo trình tiếng Anh cũng thường xuyên bị thay đổi, chưa có sự nhất quán về khung giáo trình.
Hằng năm, khi tham gia coi thi học kì, điều mà chúng tôi dễ nhận thấy là đa phần các em học sinh không làm được bài, cho dù đó là đề thi nhà trường ra, đã được thầy cô ôn luyện, giới hạn trước khi thi.
Cả phòng thi chỉ một vài em có thể tự làm bài. Nếu giáo viên làm nghiêm thì gần như cả phòng thi chỉ làm được một vài câu đơn giản, còn lại là ngồi… cắn bút.
Và, điều này được thể hiện rất rõ trong kết quả thi hằng năm. Môn Tiếng Anh bao giờ cũng có tỉ lệ cao nhất về… học sinh yếu kém. Trong kì thi phổ thông quốc gia điểm thi Tiếng Anh năm nào cũng thấp nhất.
Mặc dù, việc dạy và học tiếng Anh trong nhà trường đang còn rất nhiều hạn chế do lịch sử để lại, đó là sự bất cập trong việc đào tạo giáo viên tiếng Anh và cả cách thể hiện trong sách giáo khoa hiện hành.
Tuy nhiên, thời gian qua, ngành giáo dục đã và đang triển khai việc dạy một số tiết song ngữ trong ở cấp phổ thông ở một số môn học nhằm nâng cao khả năng tiếng Anh cho học trò và cả đội ngũ giáo viên đứng lớp.
Nhưng, đây thực sự là vấn đề nan giải đối với nền giáo dục nước ta.
Nhiều giáo viên trong thời gian học đại học và cao đẳng không học tiếng Anh, hoặc có học thì sau nhiều năm không sử dụng cũng đã quên hết.
Bởi, trong thực tế thì ngoài môn Tiếng Anh thì chỉ có một số môn học tự nhiên có một số tên nhà khoa học hay định luật, kí hiệu dùng tiếng Anh.
Hay, đối với môn Ngữ văn trong phần đọc hiểu văn bản có một vài tên nhân vật nước ngoài… Giờ ngành giáo dục yêu cầu dạy song ngữ thì đa phần giáo viên không cáng đáng được.
Trong Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế và quyết định số: 732/QĐ-TTg, phê duyệt đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 – 2020 định hướng đến năm 2025” do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kí đều nhấn mạnh đến việc đào tạo đội ngũ giáo viên có đủ năng lực và “chuẩn hóa ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo”.
Gần đây, khi Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV với một tham vọng rất lớn là giáo viên có các chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam.
Nhưng, thực tế thì sao? Nếu học để có chứng chỉ A2 một cách đàng hoàng, đúng chất lượng thì phần lớn giáo viên dạy các môn không phải là ngoại ngữ rất khó đạt được.
Vì thế, hàng loạt các dịch vụ “chui” nổi lên, có cung ắt có cầu, có chứng chỉ đàng hoàng nhưng khả năng tiếng Anh của giáo viên vẫn y nguyên như cũ.
Một đồng nghiệp của tôi nói vui rằng nếu thông thạo ngoại ngữ thì chẳng ai dại gì đi dạy học. Câu nói có phần tiêu cực nhưng đặt trong bối cảnh hiện nay thì có phần có lí.
Bởi nếu thông thạo ngoại ngữ thì họ sẽ sẵn sàng làm các việc khác có thu nhập cao mà đỡ áp lực hơn nhiều với những gì mà giáo viên đang gặp phải.
Dù ai cũng biết vai trò quan trọng trong việc học và sử dụng ngoại ngữ. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng học ngoại ngữ không thể muốn là học được. Nó không chỉ phải đầu tư nhiều về thời gian mà còn cả khả năng nữa.
Trong khi, một bộ phận giáo viên bây giờ đã lớn tuổi học rất khó khăn, phần thì lo trường lớp nên rất khó bố trí thời gian mà đi học.
Chúng tôi không bao biện cho việc giáo viên nhưng bài toán đáp ứng được yêu cầu như những gì mà thông tư liên tịch Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV là điều không khả quan và rất khó thực hiện.
Bài toán Ngoại ngữ cho giáo viên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho giáo dục Việt Nam đang là bài toán “rối” cho đa phần giáo viên.
Nếu tổ chức học và đánh giá thật thì không học nổi nên các trường đại học và trung tâm Ngoại ngữ được Bộ Giáo dục - Đào tạo giao đảm nhận bồi dưỡng, kiểm tra, đánh giá và cấp chứng chỉ cũng đang làm một cách hình thức.
Trong khi năng lực giáo viên thì có hạn mà học xong có chứng chỉ rồi mà nhiều môn học không bao giờ đụng đến ngoại ngữ thì học cũng chẳng có tác dụng gì.
Vì thế, việc Bộ Giáo dục – Đào tạo vừa qua có hướng dẫn không bắt buộc tất cả giáo viên có chứng chỉ A2 cũng là một điều phù hợp với thực tại.