Tiếng hát véo von giữa cao nguyên trắng

20/11/2017 06:33
Lại Cường
(GDVN) - Giữa “cao nguyên trắng” buốt lạnh, mù sương, ngày ngày tiếng hát của thầy giáo mầm non xen lẫn với tiếng ê a của con trẻ.

Giáo viên mầm non, cái nghề tưởng chừng chỉ dành cho phái nữ tại trường mầm non của xã Thải Giàng Phố, Bắc Hà, Lào Cai vẫn có những người thầy mầm non ngày ngày lên lớp.

Không chỉ là thầy giáo mầm non, chúng tôi gọi những “ông bố trẻ” trên miền cao này là những “người thầy đặc biệt” bởi ngoài nghề làm thầy. họ còn là những ông bố chăm lo từng giấc ngủ, bữa ăn và cả chỗ chơi cho đồng bào con em dân tộc miền núi

Chúng tôi đến Thải Giàng Phố giữa những ngày “tết của các thầy cô giáo” đang rộn rã khắp nẻo đường. Dưới miền xuôi, không khí như rộn rã, tràn ngập khắp nẻo đường.

Ngược lại không khí ấy, Thải Giàng Phố mùa này sương mù bắt đầu giăng kín từng dẻo cao, sáng sớm sương của núi khiến không khí càng thêm tê buốt.

Điểm trường Nậm Thố nằm gọn giữa miền xanh mướt của núi rừng (Ảnh: Lại Cường)
Điểm trường Nậm Thố nằm gọn giữa miền xanh mướt của núi rừng (Ảnh: Lại Cường)

Có lẽ không nhiều trường mầm non như trường mầm non Thải Giàng Phố khi có được 2 thầy giáo mầm non cắm bản xa.

Giữa cao nguyên đầy mù sương, ngày ngày các thầy vẫn cõng từng câu hát đến với những mầm non còn đang tập nói, tập hát.

Thấy chúng tôi thắc mắc về việc có trường có nhiều thày giáo dạy mầm non đến vậy, chị Nguyễn Thị Duyên, hiệu trưởng trường mầm non Thải Giàng Phố cho biết: “Với địa bàn vùng cao như Thải Giàng Phố, các thầy giáo vùng cao đóng một vai trò rất quan trọng.

Nếu không có các thầy thì các điểm trường mầm non nằm sâu trong những dãy núi trùng trùng điệp điệp kia sẽ không bao giờ được phổ cập. Các thầy không chỉ có sức khỏe tốt, lòng yêu nghề mà các thầy cũng múa hay hát giỏi không kém các cô.”

Chúng tôi theo thầy Giàng Seo Phềnh, người thầy dân tộc H’mông, người con của “cao nguyên trắng” này chót yêu tiếng cười trong trẻo của trẻ thơ, thầy đã chọn cho mình cái nghề tưởng chừng chỉ dành cho phái nữ.

Ngay từ sáng sớm, từ thị trấn Bắc Hà, chúng tôi theo thầy Phềnh đi thẳng vào trong núi, nơi có điểm trường mầm non Nậm Thố, lũ trẻ đang chờ đợi thầy.

Đường vào Nậm Thố hun hút trong sương sớm, mùa này, sương chưa nhiều nhưng sương trắng cũng đủ phủ lối chúng tôi đi.

Để vào được điểm trường này phải vượt qua thung lũng mù sương một bên là vách đá dựng đứng và một bên là vực thẳm hun hút.

Giữa quãng nghỉ, thầy Phềnh chỉ xuống vùng mây trắng lấp ló mái tôn đỏ trong thung lũng: “kia là điểm trường của em”.

Nhìn theo hướng chỉ của thầy Phềnh, điểm trường Nậm Thố chìm trong sương, mặt trời tuy đã ló rạng nhưng núi vẫn còn sương giá, hai chúng tôi co ro trong giá lạnh.

Điểm trường Nậm Thố là một trong những điểm bản khó khăn thiếu thốn nhất xã Thải Giàng Phố, nhưng cũng như các điểm trường khác, với lòng yêu nghề, mến trẻ của mình những năm qua lớp học thầy Phềnh lớp có chất lượng không thua kém gì lớp học của các cô giáo.

Điểm trường Ngải Thầu  có 42 học sinh, 4 thầy cô giáo, thầy giáo Phềnh đóng vai trò là “mì chính cánh” của điểm trường.

Trước kia, những điểm cao, xa xôi của Thải Giàng Phố là những điểm mà các “ông bố giữ trẻ” trấn giữ.

Trên đường tới với điểm trường, thầy Phềnh cảm thấy tự hào vì “cái nghề đã chọn mình”.

Đến với nghề hết sức tình cờ, thầy Phềnh từng được cử đi dạy tiểu học. Thế nhưng, cuộc sống run rủi thế nào thầy yêu mất cái nghề giữ trẻ này.

Từ ngày làm “bố” của những đứa trẻ nơi dẻo cao, chưa một ngày các thầy nghỉ.

Giữa điểm cao, có một người thầy mầm non tận tụy (Ảnh: Lại Cường)
Giữa điểm cao, có một người thầy mầm non tận tụy (Ảnh: Lại Cường)

Giữa dẻo cao ấy, một ngày vắng tiếng con trẻ là thầy Phềnh cảm thấy cồn cào lắm, “chúng mình mà nghỉ, không có ai lo cho lũ trẻ, tội chúng nó lắm”. Thầy Phềnh thổ lộ.

Đường vào trường được thầy Phềnh hào hứng khoe rằng đã được đẹp hơn xưa nhưng thực tế nhiều đoạn chúng tôi phải xuống chạy bộ.

Với thầy Phềnh tay tài “khỏe” nên vẫn đến được điểm trường, các cô thì tùy trời đẹp mới có thể đi xe máy đến đúng điểm trường, còn không các cô phải để xe ở bên kia quả đồi rồi đi bộ sang.

Trước giờ học, các thầy cô giáo làm công tác vệ sinh trường trước khi đón các em học sinh tới lớp.

Giữa cao nguyên lạnh giá, nhờ bàn tay khéo léo của các thầy, các cô, một vượt hoa đủ màu sắc được hình thành.

Nhờ bàn tay khéo léo, một góc đồi đã được biến thành vườn hoa lung linh sắc màu.

Công việc đầu tiên của một buổi dạy, thầy Phềnh lần lượt bê từng chậu hoa đặt lên khu vườn treo kỳ diệu đó.

Khi những tia nắng đã trải khắp các sườn đồi, các con cũng lần lượt tới lớp.

Không như học sinh dưới xuôi, học sinh vùng cao ngay từ nhỏ đã theo anh, chị đến lớp. Chúng như những cây nấm nhỏ men theo từng chiền đồi, mỏm đá đến với nơi gieo mầm con chữ.

Theo thầy Phềnh chia sẻ, có những trẻ cách nhà cả một quả đồi, dù chỉ mới 2 tuổi nhưng chúng rất thích đến lớp, thích được đi học.

Có hôm có những trẻ đến lớp nhưng vẫn còn đang ngân ngân sốt.

Bài học đầu tiên cho một ngày mới của các con ở điểm trường Nậm Thố (Ảnh: Lại Cường)
Bài học đầu tiên cho một ngày mới của các con ở điểm trường Nậm Thố (Ảnh: Lại Cường)

Bằng tình yêu nghề tự nhiên, thầy Phềnh cùng các cô giáo ở điểm trường đã thành cha, thành mẹ các con từ bao giờ không biết.

Những đứa trẻ người H’mông mới lớn đã có những cá tính nhất định. Không dễ để hiểu hết tâm tính của từng trẻ.

Tuy vậy, dù là điểm trường lẻ, nằm trong thôn sâu còn có nhiều khó khăn thiếu thốn song lớp học của thầy Phềnh và các cô giáo luôn đạt chất lượng không thua kém gì lớp học tại các điểm trung tâm.

Từ vườn hoa cây cảnh đến các tiết mục văn nghệ, giữa mảnh sân bê tông hiếm hoi được láng vội của thôn Nậm Thố, tiếng hát các con vẫn véo von giữa núi rừng.

Có lẽ, tình yêu trẻ thơ và sự tâm huyết với nghề, chính là động lực để thầy Phềnh và các vượt qua được những khó khăn, ươm những mầm non tương lai ở nơi vùng cao xa xôi này.

Tiết học của các con hôm nay là “Em yêu bác nông dân”, “Sản phẩm của bác nông dân làm ra là gì nào”?, Cả lớp đồng thanh: “Là gạo, là ngô ạ” và sau đó là lời của bài hát lại được cất lên giữa đại ngàn.

Đường đến trường của thầy giáo Giàng Seo Phềnh

(Còn nữa)

Lại Cường