Tiết lộ choáng váng của một đầu mối cung cấp thực phẩm trong trường học

25/03/2019 06:16
Vũ Ninh
(GDVN) - Các bậc phụ huynh, các nhà quản lý, các cơ quan bảo vệ pháp luật nhất định không thể thờ ơ với các thông tin này, sức khỏe, sinh mạng con trẻ cả đấy...

LTS: Các thông tin trong loạt bài vết này, Tòa soạn chưa và không thể có điều kiện kiểm chứng bởi các quy định pháp luật hiện hành gây khó khăn rất lớn cho công tác tác nghiệp. Đề nghị các cơ quan hữu quan, có trách nhiệm vào cuộc xác minh, làm rõ, chúng tôi sẵn sàng cung cấp các tài liệu có được.

Quả trứng ngoài chợ 2000 (đồng), quả trứng trong trường 4000 (đồng)

L.T.A một tiểu thương chuyên cung cấp rau củ, hải sản tại chợ Long Biên tiết lộ quãng thời gian làm đầu mối cung cấp thực phẩm vào trong các trường học trên địa bàn Hà Nội.

"Quả trứng các cháu ăn 2000  đồng thành 4000 đồng. Lý do vì sao như vậy? Vì phải trừ chi phí vận chuyển, nặng nhất là tiền chạy các cửa từ Quận cho đến các trường thông qua bao nhiêu cầu.

Tiết lộ choáng váng của một đầu mối cung cấp thực phẩm trong trường học ảnh 1Liên minh "ma quỷ" trong bếp ăn các trường học (1)

Làm nghề này phải quyết tâm, phải có tiền, phải biết cách ngoại giao, quan hệ.

Trưởng Quận bao nhiêu tiền, tách phần trăm ra, hiệu trưởng, phụ trách bếp đều có phần trăm.

Với những cầu và phí lót tay như vậy thử hỏi nếu nhập thực phẩm chuẩn thì chỉ có lỗ thôi".

Chị A. cũng tiết lộ một trường chị quen không làm luật, đầu mối bị đánh cho "ù tai".

"Nó đánh mình bằng cách đánh hiệu trưởng cũ là người cho mình vào.

Nó theo dõi hiệu trưởng cũ, rồi bắt được hiệu trưởng đi làm việc riêng trong giờ hành chính.

Hậu quả là hiệu trưởng cũ bị kỷ luật phải chuyển trường và thay hiệu trưởng mới.

Như vậy coi như mình mất mối làm ăn hoặc phải làm luật. Nếu không nó cho đầu mối khác vào thay mình".

Cũng theo chị A. tiết lộ, các đầu mối muốn cung cấp thực phẩm vào trường học phải thông qua một công ty trung gian.

Công ty này có đầy đủ giấy tờ, hồ sơ năng lực nhưng lại không có kho hàng, thực phẩm lấy từ chợ chuyển thẳng vào trường học.

"Bọn nó chẳng có kho đâu, hàng hóa toàn trung chuyển. Thịt thà lấy từ chợ và đưa thẳng vào trường, nó phóng vù một cái nhanh như ma đuổi để tránh bị theo dõi.

Việc lấy hàng ở đâu là việc của các đầu mối, công ty không có trách nhiệm, nó chỉ là đứa đứng ở giữa lo giấy tờ cho hợp thức hóa.

Chẳng hạn hôm nay gọi thịt, hàng thịt đưa vào, mai gọi hàng rau, hàng rau tự đưa vào hết. Mình cầm hóa đơn của nó còn nhân viên của mình".

Người của đầu mối cung cấp thực phẩm ngồi trước xe lấy hàng để cảnh giác và đề phòng bị theo dõi (Ảnh: Vũ Ninh)
Người của đầu mối cung cấp thực phẩm ngồi trước xe lấy hàng để cảnh giác và đề phòng bị theo dõi (Ảnh: Vũ Ninh)

Chị A. cũng cho biết thêm: Nhận thấy đây là việc làm ăn thất đức,  làm giàu trên sức khỏe của trẻ nhỏ chị đã quyết định không làm nữa.

"Em bảo với giá thành và chi phí như thế thì buộc mình phải làm ăn một cách dối trá.

Các công ty chỉ đứng trung gian, tội vạ đầu tiên là đầu mối cung cấp phải chịu trách nhiệm trong trường hợp các cháu bị ngộ độc.

Chị đã từng biết người ta nhập 300 tấn mực tàu cho các cháu ăn, tội các cháu.

Nói đưa mực ta mà toàn đưa mực thối, còn dùng hóa chất để tẩy trắng".

Liên minh lợi ích trong bếp ăn các trường học

Nói các hiệu trưởng, phụ trách bếp không biết nguồn gốc thực phẩm đưa vào trường học có an toàn không thật vô lý?

Bởi trừ những trường hợp được chỉ định bởi Phòng giáo dục, tất cả các công ty, đầu mối muốn cung cấp thực phẩm vào các trường học đều phải chào hàng.

Các công ty và đầu mối cung cấp thực phẩm đều phải có một bộ hồ sơ năng lực và hai bảng giá: một giá nhập thực phẩm và một giá chiết khấu.

Tiết lộ choáng váng của một đầu mối cung cấp thực phẩm trong trường học ảnh 3Liên minh ma quỷ trong các bếp ăn trường học (2): Phù phép thực phẩm bẩn

Giá chiết khấu là giá nhập thực phẩm đã cộng thêm phần trăm cho các hiệu trường, bếp ăn.

Nhiều trưởng các đầu mối phải chi cho hiệu trưởng 10% - 30% tổng giá trị đơn hàng.

Đối với phòng giáo dục các công ty và đầu mối chủ yếu chạy tiền mặt.

"Có công ty nó mua toàn bộ các trường khoảng 1,1 tỷ đồng, mỗi trường 100 triệu đồng".

Tại sao chị lại biết thông tin này?

"Ngày trước ông Phó Quận ông ấy cho thẳng giá nhưng chị không đủ tiền để chạy.

Vừa rồi ông Phó Quận đó gọi tất cả các nhà cung cấp lên và bắt phải hợp tác với công ty đó.

Muốn đưa vào một trường thì mình lại phải đưa tiền cho công ty kia ít nhất là vài trăm triệu.

Ví dụ một trường thanh toán 50 triệu đồng/ tháng thì giá trị của đơn hàng chỉ khoảng 25 triệu đồng / tháng thôi.

Số còn lại chính là tiền chi cho các mối quan hệ.

Nếu mình bỏ tiền cho công ty này rồi không phải làm luật với hiệu trưởng nữa chỉ có chút quà ngày lễ Tết thôi.

Cho nên mình phải mua thực phẩm rẻ để bù vào số tiền đã chi ra".

Chị A cũng tiết lộ phần chi phí lo lót để có thể trót lọt cung cấp thực phẩm vào trường học:

"Trưởng quận 30 triệu, phó quận 30 triệu, trưởng phòng giáo dục 30 triệu, phó phòng giáo dục 30 triệu.

Trưởng phòng mầm non 20 triệu, trưởng phòng y tế 20 triệu, hiệu trưởng cắt 10-15%.

Hôm trước vị trưởng Quận (Hà Nội) có hỏi năm nay chị không đi (quà) nữa à, chị bảo không".

Hình ảnh thịt lợn nghi nhiễm sán gạo được chế biến cho học sinh trường mầm non Thanh Khương (Ảnh: NVCC)
Hình ảnh thịt lợn nghi nhiễm sán gạo được chế biến cho học sinh trường mầm non Thanh Khương (Ảnh: NVCC)

N.V.H giám đốc của một công ty cung cấp thực phẩm vào trong các trường học thực hiện chào hàng với một đối tác đang muốn lấy thực phẩm.

"Bọn em có đầy đủ anh ạ, giấy phép các thứ. Thực ra bọn em làm dưới này cũng rất quy củ là bài bản.

Một số loại rau củ quả thì bọn em chỉ trồng khoảng 15 loại thôi số còn lại em liên kết với các hợp tác xã.

Hóa đơn chứng từ của em, em ký với họ. Bọn em có vùng sản xuất tương đối lớn.

Hóa đơn bọn em cũng sẵn sàng có. Như em trao đổi hai hình thức có VAT và không có VAT.

Bọn em không có lò mổ nhưng bọn em thuê lò. Lấy ở đấy cung cấp cho anh thì có hóa đơn luôn".

Khi được đối tác hỏi giá cả và chiết khấu như thế nào, H cho biết:

"Tất cả những đấy là nguyên tắc làm việc rồi quan trọng là giá thị trường nó lên xuống, em gửi một cái bảng báo giá thật, một cái bảng báo giá cho bếp rồi thì anh nghiên cứu.

Cũng như bọn em làm cho trường học cũng có % cho bếp và hiệu trưởng. Anh tạo điều kiện thì em cũng đi sâu vào bếp.

Thường e chiết khấu trích lại cho hiệu trưởng cho 5-10% thì hiệu trưởng sẽ phân chia cho bếp thì em không đi sâu vào được. Cái này nó có quy chế hết rồi anh".

H. còn khẳng định bộ hồ sơ năng lực thể hiện đầu vào và các mẫu kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đều có thể chạy được.

"Vâng em chạy đầy đủ bộ hồ sơ rồi mà. Nghĩa là em muốn lấy một cơ sở trên đấy.

Em cũng hoàn thành cái nhà kính 5000m2 xong ở Ứng Hòa (thực ra mới đang đàm phán để mua đất). Còn về bếp thì giá cả anh cứ để em lo nhé".

Vũ Ninh