Nghị định 35/2024/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” có hiệu lực từ ngày 25/5 tới đây.
Nghị định 35 có một số điểm mới. Theo đó, thời gian công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ được nhân hệ số 2 khi tính thời gian công tác để xét tặng danh hiệu "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú".
Một trong những tiêu chuẩn để xét tặng Nhà giáo Nhà giáo ưu tú là phải có thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy từ 15 năm trở lên, và với Nhà giáo nhân dân là từ 20 năm trở lên.
Theo chia sẻ của giáo viên ở các xã đảo, có những tiêu chuẩn trong danh hiệu xét tặng Nhà giáo ưu tú với họ là khó thực hiện.
Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với các giáo viên trẻ từng có nhiều thành tích, công tác ở xã đảo.
Họ đều có mơ ước để đạt danh hiệu Nhà giáo ưu tú và cố gắng nỗ lực để đạt các tiêu chuẩn. Khi được nhân đôi thời gian công tác, đó là động lực tiếp sức cho thầy cô.
Bước sang năm thứ 13 gắn bó với trẻ, trong đó có 3 năm gắn bó với xã đảo, cô Nguyễn Thị Năm (quê ở Hải Dương) chia sẻ, khi cô lấy chồng ở huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), cô chuyển về nơi đây công tác. Giảng dạy được hai năm, cô xin ra ngoài xã đảo và giảng dạy tại Trường Mầm non Ngọc Vừng (Vân Đồn).
Cô Năm có thành tích như, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm học 2022-2023, giáo viên dạy giỏi cấp huyện năm học 2022-2023 và giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm 2023-2024.
Đối với các tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, cô Năm nhận thấy bản thân cần phải cố gắng phấn đầu nhiều hơn nữa và cô cảm thấy phấn khởi khi thời gian công tác với giáo viên giảng dạy ngoài xã đảo được nhân đôi.
"Với tiêu chuẩn thành tích gắn liền với cấp bộ, cấp tỉnh, bản thân tôi chưa được có cơ hội để đạt được các thành tích này. Đây cũng là điều những giáo viên trẻ như tôi cần phải cố gắng, trong đó là nâng cao chuyên môn nghiệp vụ", cô Năm chia sẻ.
Theo nữ giáo viên, việc nâng cao chuyên môn nghiệp vụ do ở ngoài xã đảo gặp khó khăn trong đi lại, nên việc tổ chức các cuộc thi giao lưu chuyên môn nghiệp vụ như ở đất liền là ít.
Mặc dù vậy nhưng cô nhận thấy ngành giáo dục địa phương có sự đổi mới, đi đầu trong phương pháp giảng dạy so với ở quê của cô.
Giả dụ, địa phương đi đầu trong hình thức giảng dạy lấy trẻ làm trung tâm. Theo đó, giáo viên sẽ hướng dẫn để trẻ làm theo, cho trẻ tự trải nghiệm và chia sẻ, rồi giáo viên mới giải thích cho trẻ hiểu.
Chia sẻ về sáng kiến kinh nghiệm cấp cơ sở của cô được công nhận, nữ giáo viên cho hay, đó là sáng kiến về hành vi ứng xử cho trẻ và phát triển vận động cho trẻ nhà trẻ.
Trong quá trình áp dụng sáng kiến kinh nghiệm, cô đã ghi chép lại kết quả sau đó gửi cho nhà trường duyệt. Khi đạt, nhà trường đã gửi sáng kiến lên huyện để duyệt.
Với sáng kiến về hành vi ứng xử cho trẻ (lớp 3,4,5 tuổi), sẽ giúp trẻ biết nói lời cảm ơn, biết đoàn kết, giúp đỡ bạn bè...
Với sáng kiến về phát triển vận động cho trẻ nhà trẻ, cô Năm áp dụng những dụng cụ thể dục, âm nhạc để cho trẻ thích vận động và nhanh nhẹn hơn.
Chia sẻ về hoàn cảnh gia đình và cuộc sống tại xã đảo, cô Năm cho biết, chồng của cô đi làm công trình xa nhà nên cô cho hai con nhỏ (một cháu đang học lớp 1 và bé 2 tuổi) ra cùng để tiện chăm sóc.
"Tôi cho cả hai con ra ngoài xã đảo sinh sống cùng, cháu lớn đi học, còn cháu nhỏ học ở Trường Mầm non gần trường của mẹ giảng dạy", cô Năm chia sẻ.
Nữ giáo viên chia sẻ thêm, ba mẹ con sinh hoạt trong phòng khu tập thể, nên vào mùa hè thời tiết nóng bức.
Về đời sống kinh tế của người dân địa phương đa phần làm du lịch, làm nghề biển như mắm tép...
"Do người dân đi làm biển nên gia đình gửi trẻ đến trường để nhà trường chăm nom", nữ giáo viên cho hay.
Hiện Trường Mầm non Ngọc Vừng có 7 giáo viên, với 2 lớp nhà trẻ và 2 lớp ghép (3,4,5 tuổi) tại hai điểm trường. Lớp của cô Năm giảng dạy có thêm một giáo viên khác chăm sóc 10 trẻ.
Đến nay, cô Năm đã công tác được ba năm tại Trường Mầm non Ngọc Vừng, cô có thể làm đơn đề xuất xin về đất liền giảng dạy nhưng cô xác định: "Tôi cũng đã quen với cuộc sống ở địa phương, nên tôi vẫn xác định gắn bó với nơi đây và phấn đấu đạt danh hiệu Nhà giáo ưu tú".
Cũng có 13 năm công tác trong ngành giáo dục, trong đó là 1 năm giảng dạy tại thị trấn Trường Sa, thầy Cao Văn Truyền (sinh năm 1989, giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa, Khánh Hòa) cho biết, khi công tác tại đất liền, bản thân nam giáo viên từng 2 sáng kiến kinh nghiệm cấp cơ sở (cấp huyện), 1 lần được Bộ Giáo dục và Đào tạo khen thưởng và 1 lần đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện.
"Theo tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, tôi vẫn phải cố gắng để đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, đạt thêm danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở... Việc nhân đôi thời gian công tác với giáo viên công tác tại xã đảo, tôi nhận thấy đây là sự ưu tiên với giáo viên xã đảo nói chung và với bản thân tôi khi từ đất liền ra đây công tác. Tôi rất hy vọng sau này sẽ đạt được danh hiệu Nhà giáo ưu tú", nam giáo viên chia sẻ.
Trong việc phấn đấu danh hiệu nhà giáo ưu tú, thầy Truyền nhận định, có sự cạnh tranh cao vì ai cũng muốn cố gắng phấn đấu để đạt danh hiệu cao quý này, đặc biệt là các bạn trẻ.
Chia sẻ về những khó khăn khi giáo viên công tác tại xã đảo, thầy Truyền cho biết, đối với sáng kiến kinh nghiệm cấp cơ sở, đòi hỏi giáo viên phải đầu tư kỳ công, áp dụng được vào thực tế thành công. Bên cạnh đó, số lượng học sinh ở xã đảo còn ít nên việc nhân rộng còn khó thực hiện.
Đồng thời, với giáo viên công tác ở đất liền, giáo viên sẽ có sự quan tâm về chuyên môn từ lãnh đạo nhà trường, Phòng giáo dục và Đào tạo.
"Với giáo viên ngoài xã đảo, giáo viên sẽ tự biên soạn chương trình giảng dạy theo Bộ Giáo dục và Đào tạo", thầy Truyền nói.
Đối với tiêu chuẩn biên soạn 1 tài liệu bồi dưỡng hoặc 1 báo cáo chuyên đề cấp bộ, sở, tỉnh, thầy Truyền nhận định cũng là khó thực hiện với giáo viên ngoài xã đảo...