LTS: Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng, chăm sóc những đứa trẻ trong khi người thầy là người dẫn dắt các em đến với đỉnh cao của tri thức nhân loại.
Tuy nhiên, nếu việc đến giờ đưa con đến lớp, hết giờ lại nhận con về mà thiếu sự quan tâm, uốn nắn nhịp nhàng của phụ huynh với các giáo viên thì việc giáo dục cũng khó đạt được hiệu quả đồng bộ.
Bài viết của cô giáo Phan Tuyết thể hiện quan điểm trên.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Một trong những biện pháp giúp học sinh học tốt, chăm ngoan là việc giáo viên chủ nhiệm thường xuyên liên lạc chặt chẽ với gia đình học sinh.
Nhờ mối liên lạc này, giáo viên cũng thông báo đến gia đình các em những điểm mạnh của các con ở trường, những tồn tại, khó khăn mà các con chưa thể vượt qua hoặc những biểu hiện lệch lạc trong suy nghĩ và hành động của những học sinh lớn…
Từ đó, phụ huynh sẽ có những biện pháp như khích lệ hoặc giúp các em biết khắc phục những khó khăn ấy.
Ngược lại, phụ huynh cũng thông tin đến giáo viên về tình hình của con em ở nhà để cùng thầy cô nhắc nhở, giúp đỡ các em một cách kịp thời nhất.
Thế nhưng thực tế một số nơi, địa phương hiện nay, phụ huynh đang “khoán trắng” cho giáo viên việc học hành, dạy dỗ con mình.
Đưa con đi học (Ảnh: TTXVN). |
Không ít người còn xem đây là trách nhiệm của các giáo viên và không có sự liên lạc thường xuyên, thậm chí còn trốn tránh khi được mời hay không cung cấp số điện thoại cho giáo viên.
Đầu năm học mới, trong công tác chủ nhiệm của mình, giáo viên nào cũng phát cho học sinh một tờ giấy kê khai lý lịch như họ tên cha mẹ, nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình… số điện thoại cần liên lạc.
Cô H.A, một giáo viên ở trường Phước Hội, Bình Thuận chia sẻ:
Đừng nghĩ cứ đưa con đến trường là cha mẹ hoàn thành trách nhiệm! |
“Một số phụ huynh lớp em không cung cấp số điện thoại mặc dù hỏi các bé thì được biết đều dùng di động.
Hôm qua, có bé bị mệt muốn liên lạc với phụ huynh chở về đi khám mà không biết liên lạc cách nào”.
Có phụ huynh cho số điện thoại nhưng khi cần, giáo viên chỉ nghe tiếng tít… tít hoặc không liên lạc được, có điện thoại chuông đổ từng hồi không ai nhấc máy…
Không có số điện thoại, nhiều giáo viên buộc phải viết giấy gửi học sinh đem về nhưng không phải phụ huynh nào cũng tranh thủ lên gặp thầy cô.
Người làm thinh, người lên tỏ thái độ khó chịu: “Tôi bận làm ăn nên không có thời gian rảnh lên hoài. Nó hư, nó học dốt, cô cứ cho vài cây vào người là xong”.
Khi nào thầy cô cần liên lạc với phụ huynh?
Học sinh lên trường thường hay cảm sốt bất thình lình, đau bụng, nôn ói khắp lớp, em ho khản cả tiếng, em chạy nhảy bị té gây thương tích…
Học sinh lớn hơn có em đánh nhau với bạn, cúp tiết đi chơi…
Khi không liên lạc được với giáo viên, có thầy cô phải bỏ lớp dạy để chở học sinh về nhà, có gia đình ở xa lại đi làm vắng, thầy cô đành chở học sinh vào trạm xá, bệnh viện…
Nguyên nhân nào phụ huynh tránh giáo viên?
Giá như bố mẹ, thầy cô hiểu con cái, học trò hơn! |
Qua tìm hiểu một số phụ huynh được biết, cũng có phụ huynh không cho giáo viên số điện thoại vì sợ giáo viên gọi kể tội con mình (điều này thì họ biết vì hầu như toàn rơi vào những học sinh cá biệt).
Có người chưa lo được tiền nộp cho con lại sợ bị thầy cô gọi nhắc nhở, điều này là thực tế, và giáo viên cũng chẳng hào hứng gì khi phải sử dụng đến kiểu liên lạc này. Nhưng không thể không gọi khi mọi khoản tiền cần phải đóng mà các em vẫn chưa chịu đóng tiền.
Có phụ huynh còn quan niệm chuyện trên trường thuộc trách nhiệm của giáo viên nên không có lý do gì để liên lạc vì họ rất bận, không liên lạc được với phụ huynh, giáo viên thật sự gặp khó khăn trong dạy học và giáo dục các em hằng ngày.