Trắc nghiệm mà "cộng dồn các câu hỏi đúng" là vô nghĩa

20/05/2017 06:53
Phạm Anh Tuấn
(GDVN) - Ngay cả khi trẻ em đưa ra câu trả lời sai thì chính các câu trả lời sai ấy là những dữ kiện tâm lý học quý giá.

Tại sao công cụ đo nghiệm trí thông minh (IQ) vẫn còn được dùng khá phổ biến ở một số nước trên thế giới (trên thế giới người ta chỉ dùng trong diện hẹp và được dùng hết sức thận trọng vào mục đích nghiên cứu cụ thể nào đó), song khi được du nhập vào Việt Nam, vào giáo dục Việt Nam thì được dùng làm công cụ chính thức cho việc thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh? 

Ta hãy thử tìm lại nguồn gốc của khái niệm “trắc nghiệm trí thông minh”, sau đó cùng ôn lại ý kiến phản đối trắc nghiệm trí thông minh của hai nhà tâm lý học.

Người thứ nhất là Jean Piaget (1896-1980), được coi là người mở đầu cho dòng tâm lý học trẻ em dưới góc độ sự ra đời và phát triển của trí thông minh (sự “sinh triển”). 

Giáo dục Việt Nam đang "sính" sử dụng trắc nghiệm. (Ảnh: hoc.vtc.vn)
Giáo dục Việt Nam đang "sính" sử dụng trắc nghiệm. (Ảnh: hoc.vtc.vn)

Piaget chính là người trực tiếp cộng tác làm ra bộ đo nghiệm trí thông minh đầu tiên của thế giới. 

Người thứ hai là Howard Gardner (sinh năm 1943), giáo sư Đại học Harvard, cha đẻ của học thuyết về các dạng trí khôn (Theory of multiple intelligences), xin lưu ý trí khôn ở dạng số nhiều.

Howard Gardner là người ngay từ năm 1986 (tức ba năm sau khi xuất bản cuốn "Frames of Mind" – đã được dịch sang tiếng Việt và tái bản nhiều lần với đầu đề “Cơ cấu trí khôn”, dịch giả là Phạm Toàn người sáng lập nhóm Cánh buồm) – đã lên tiếng phê phán đo nghiệm trí khôn.

Gardner gọi đó là một trong ba cái “sính” của giáo dục

Cuối cùng thử cùng nhau tìm nguyên nhân của việc sính sử dụng trắc nghiệm, sử dụng một cách tràn lan, thiếu hiểu biết trong xã hội và cả trong nhà trường ở Việt Nam hiện nay. 

Người khai sinh ý tưởng đo nghiệm trí thông minh là Francis Galton (em họ của Charles Darwin) vốn là một bác sĩ thuần túy. Ông mê “đo nghiệm”, là người đầu tiên gợi ý dùng vân tay để nhận dạng người. 

Trắc nghiệm mà "cộng dồn các câu hỏi đúng" là vô nghĩa ảnh 2

Một số khó khăn cần khắc phục trong khâu ra đề, coi thi với các môn trắc nghiệm

(GDVN) - Bên cạnh những khó khăn cần khắc phục trong khâu ra đề thi, việc coi thi cần được tiến hành nghiêm túc, đánh giá đúng thực chất năng lực học tập của học sinh.

Mê đo nghiệm đến nỗi ông đã nghiên cứu cách để xác định nước nào có nhiều phụ nữ đẹp nhất! 

Rồi ông nghĩ ra cái gọi là “phòng thí nghiệm con người” để xác định trí thông minh bằng cách đo, chẳng hạn, dung lượng khí của mỗi lần hít vào thở ra! 

Tại Pháp, Alfred Binet (1857-1911) và Theodore Simon (1873-1961), cả hai đều là bác sĩ, và là bác sĩ chuyên nghiên cứu trẻ em chậm phát triển, là đồng tác giả của bộ đo nghiệm trí thông minh đầu tiên để phân loại trẻ em “bất bình thường” (mà ngày nay vẫn được gọi là đo IQ!). 

Jean Piaget chính là người đã cộng tác với Theodore Simon, khi ông mới bắt đầu sự nghiệp.

Quan điểm của Piaget (ngay từ thời đó) có thể được tóm tắt như sau: để biết trẻ em tư duy thế nào, hãy nhìn vào bản thân các câu trả lời của chúng thay vì nhìn vào các câu trả lời đúng sai

Vì sao? Vì, thứ nhất, ngay cả khi trẻ em đưa ra câu trả lời sai thì chính các câu trả lời sai ấy là những dữ kiện tâm lý học quý giá. 

Việc chỉ chăm chăm vào cộng gộp các câu trả lời đúng (để cho điểm) đã vô tình bỏ qua loại cứ liệu này.

Chính vì thế Piaget đã tập trung vào nghiên cứu các câu trả lời sai của trẻ em. 

Từ đó ông rút ra kết luận dạy học và đánh giá việc học tập nên tập trung vào cách trẻ em lập luận hơn là tập trung vào việc kiểm kê xem chúng nhớ lại tốt ra sao những điều đã học.

Chỉ từ quan sát nhỏ ấy, kết hợp với ý tưởng có tính “dự phóng” cho toàn bộ sự nghiệp (ý tưởng về sự “sinh triển” của trí thông minh), Piaget đã xây dựng nên tâm lý học sinh triển (psychologie génétique).

Tức là không nhìn trí thông minh ở dạng “tĩnh” (trì, trì trệ, bất biến) mà ở chặng đường để trí thông minh thực hiện hoàn chỉnh một công việc, tức trí thông minh là một TIẾN TRÌNH HÀNH ĐỘNG (processus). 

Trong bảng từ vựng Piaget, sự sinh triển (genesis) được hiểu là “cái này” đang phát triển (the developmental). “Developmental” chứ không phải “development”. 

Vì thế rốt cuộc kiểm tra trắc nghiệm bằng cách cộng dồn các câu hỏi đúng là một việc làm vô nghĩa, không có cơ sở khoa học.

(Còn tiếp)

Phạm Anh Tuấn