Triết lý giáo dục - Việt Nam đã có chân lý này hay chưa?

24/08/2016 07:55
Nguyễn Quốc Vương
(GDVN) - Cuộc tranh luận về triết lý giáo dục đã làm cho không ít công chúng thậm chí nhiều giáo viên ngơ ngác tự hỏi “vậy thực ra có triết lý giáo dục không?".

LTS: Mỗi nền giáo dục dựa trên một hệ triết lý giáo dục có ảnh hưởng mang tính quyết định đến nội dung, phương pháp dạy và học. 

Tuy nhiên, trong bài viết “Gọi tên triết lý giáo dục” đăng trên tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 5/8/2014, TS Giáp Văn Dương cho rằng: Hiện nay triết lý giáo dục vẫn đang được xem là điểm bế tắc của hệ thống giáo dục Việt Nam.

Mọi bất cập hiện có và sự thất bại của các cuộc cải cách giáo dục trong mấy chục năm qua đều có thể truy nguyên về việc thiếu vắng một triết lý giáo dục đúng để dẫn dắt.

Hôm nay, trong kỳ đầu của chủ đề “triết lý giáo dục”, nghiên cứu sinh tại Đại học Kanazawa (Nhật Bản) Nguyễn Quốc Vương thẳng thắn đưa ra nhìn nhận của mình về triết lý giáo dục Việt Nam. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 

Cuộc tranh luận về “triết lý giáo dục”

Khi quan sát những động thái liên quan đến giáo dục Việt Nam trong vòng vài ba thập kỉ trở lại đây, người ta dễ dàng nhận ra sự hiện diện của những cuộc tranh luận xoay quanh những vấn đề của giáo dục. 

Nhìn một cách đại thể, các cuộc tranh luận ấy thường xoay quanh hai nội dung chính: các chính sách liên quan đến giáo dục và những vấn đề nảy sinh ở trường học. 

Tuy nhiên còn có một cuộc tranh luận khác với một chủ đề khác hẳn cũng sôi nổi không kém là cuộc tranh luận về triết lý giáo dục. 

Cuộc tranh luận về triết lý giáo dục ấy có lẽ được khởi đầu bằng bài viết của nhà văn Nguyên Ngọc với tựa đề “Giáo dục ở nước ta hiện nay, đi ra bằng con đường nào?". 

Đây vốn là bài phát biểu được nhà văn trình bày tại Diễn đàn giáo dục do một số nhà nghiên cứu tổ chức năm 2004. 

Sau đó bài này được in lại trong cuốn "Những vấn đề giáo dục hiện nay: Quan điểm và giải pháp" (Nhiều tác giả, NXB Tri thức, 2007). 

Nghiên cứu sinh tại Đại học Kanazawa (Nhật Bản) Nguyễn Quốc Vương (Ảnh: NVCC)
Nghiên cứu sinh tại Đại học Kanazawa (Nhật Bản) Nguyễn Quốc Vương (Ảnh: NVCC)

Cuộc tranh luận sau đó về triết lý giáo dục đã thu hút được sự tham gia của rất nhiều học giả, nhà giáo và cả những người bình thường quan tâm đến giáo dục. 

Đỉnh điểm của cuộc tranh luận đó có lẽ là hai cuộc hội thảo do Bộ giáo dục và đào tạo chủ trì được tiến hành ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh trong năm 2007 để luận bàn về triết lý giáo dục. 

Số lượng những bài viết về triết lý giáo dục được xuất bản trong khoảng thời gian 2004-2007 rất lớn và cho đến nay cuộc tranh luận xoay quanh chủ đề này vẫn còn tiếp diễn với sự tham gia của rất nhiều người thuộc nhiều giới khác nhau. 

Triết lý giáo dục - Việt Nam đã có chân lý này hay chưa? ảnh 2

“Giáo dục Việt Nam hiện nay như đang đào tạo Voi, Hổ, Bò tót…”

(GDVN) - PGS.TS Nguyễn Văn Nhã: “Tôi giật mình khi có đồng nghiệp khoe rằng tham khảo 10 trường ĐH tiên tiến nhất để xây dựng chương trình của riêng mình...”.

Tuy nhiên, khi nhìn vào những luận điểm của các tác giả tham gia tranh luận, ta có thể phân chia họ thành 4 nhóm:  

Nhóm thứ nhất là những người cho rằng triết lý giáo dục nằm trong hệ thống các chính sách, văn bản chỉ đạo của Đảng và nhà nước liên quan đến giáo dục. 

Nhóm thứ hai là những người cho rằng triết lý giáo dục nằm trong hệ thống triết học làm nền tảng cho nền giáo dục hay “triết học về giáo dục”.
 
Nhóm thứ ba là những người coi triết lý giáo dục nằm trong những câu châm ngôn, những câu nói, khẩu hiệu ngắn gọn được đúc kết qua nhiều đời, nhiều thập kỉ như “học thầy không tày học bạn”, “học đi đôi với hành”, “lý luận đi đôi với thực tiễn”, “tiên học lễ hậu học văn”…

Nhóm thứ tư là những người nhìn nhận triết lý giáo dục thể hiện ở mục tiêu của giáo dục. 

Chẳng hạn, nhà văn Nguyên Ngọc trong bài viết ở trên đã viết: “Bằng nền giáo dục này, chúng ta muốn đào tạo nên những con người như thế nào đây? 

Chúng ta định đào tạo nên những con người tự do, biết suy nghĩ và có suy nghĩ độc lập, từ đó là những con người sáng tạo, cho một xã hội tự do và sáng tạo, hay đào tạo nên những con người biết chấp hành, vâng lời, phục tùng, hết sức dễ bảo, cho một xã hội trong đó mọi sự đều được chỉ huy tập trung răm rắp.

Một xã hội trong đó có ai đấy, một lực lượng hay một tổ chức, một người hay một số người nào đấy suy nghĩ sẵn mọi điều cho mọi người và mọi người cứ thế học thuộc lòng và làm theo” [1].  

Từ việc tư duy về triết lý giáo dục như ở trên, thái độ và cái nhìn đối với “triết lý giáo dục Việt Nam” của họ phân hóa thành 3 xu hướng:
 
Thứ nhất, Việt Nam đã có triết lý giáo dục đúng đắn thể hiện trong các chính sách, đường lối vĩ mô tuy nhiên việc thực hiện chưa tốt làm cho giáo dục khủng hoảng. Việc cần thiết lúc này là cụ thể hóa và “quán triệt” những đường lối, chính sách ấy.
 

Thứ hai, Việt Nam đã có một triết lý giáo dục cho dù nó không được phát biểu tường minh dưới dạng câu chữ tuy nhiên đó là triết lý sai lầm không phù hợp với thời đại. Vì vậy, công việc khẩn thiết lúc này là tìm kiếm một triết lý mới cho phù hợp. 

Thứ ba, triết lý giáo dục thực ra là một thứ mung lung, một “trò chơi của chữ nghĩa”, có tìm kiếm mãi cũng sẽ chỉ thêm mất thời gian công sức. Vì vậy không nên sa đà vào chuyện tranh luận hay tìm kiếm triết lý giáo dục mà cần tập trung vào các công việc cấp thiết, thiết thực khác. 

Hai thành tố của triết lý giáo dục

Cuộc tranh luận về triết lý giáo dục đã làm cho không ít công chúng thậm chí nhiều giáo viên ngơ ngác tự hỏi “vậy thực ra có triết lý giáo dục không? Nếu có thì nó có hình thù như thế nào?”

Quả thực, trong cuộc tranh luận đó rất ít người thậm chí có thể nói là không có một ai đưa ra một định nghĩa tương đối ngắn gọn và thuyết phục về “triết lý giáo dục”. 

Triết lý giáo dục - Việt Nam đã có chân lý này hay chưa? ảnh 3

Có nên để khẩu hiệu “Tiên học Lễ, hậu học Văn” trong nhà trường nữa không?

(GDVN) - Nhà trường nên chú trọng dạy Lễ, nhưng trong buổi sinh hoạt dưới cờ ở vài tuần đầu tiên chứ không nên treo trên nóc trường như vòng kim cô ràng buộc học sinh.

Nhiều tác giả còn viện dẫn rằng không thể tìm thấy mục từ “triết lý giáo dục” trong các cuốn từ điển của nhiều ngôn ngữ. 

Trên thực tế, triết lý giáo dục không chỉ có vai trò quyết định đối với nền giáo dục mà sự tồn tại của nó rất rõ ràng. 

Theo tôi, “triết lý giáo dục” cho dù có được phát biểu thành câu chữ, được luật hóa một cách có chủ đích hay thể hiện tàng ẩn dưới nhiều dạng thức văn bản khác nhau thì nó vẫn gồm hai thành tố chủ yếu:

Thứ nhất là “hình ảnh xã hội tương lai” mà nền giáo dục ấy muốn hướng tới. Triết lý giáo dục phải “gọi tên” được xã hội ấy và chỉ ra những đặc trưng cơ bản nhất của nó. 

Thứ hai là “hình ảnh con người mơ ước” mà nền giáo dục đó muốn tạo ra. Đây sẽ là những con người cải tạo xã hội hiện thời để tạo ra xã hội mới-xã hội tương lai với những đặc trưng được phác thảo ở trên và đồng thời họ cũng sẽ phải là những người bảo vệ xã hội ấy. 

Những con người này phải có những năng lực, phẩm chất, thái độ phù hợp với xã hội mà họ sẽ trở thành chủ nhân. Thông thường thành tố thứ hai về “con người mơ ước” này sẽ được thể hiện tập trung trong “mục tiêu giáo dục”. 

Như vậy, triết lý giáo dục cho dù được phát biểu dưới dạng nào, xét cho đến cùng cũng sẽ bao hàm hai thành tố có mối quan hệ mật thiết nói trên. Triết lý giáo dục này sẽ chi phối toàn bộ nền giáo dục và có liên quan mật thiết với Hiến pháp và các bộ Luật về giáo dục

Muốn tìm hiểu về triết lý giáo dục của bất kì một quốc gia nào, việc đơn giản nhất là truy tìm “hình ảnh xã hội tương lai” và “hình ảnh con người mơ ước” trong Hiến pháp và các bộ luật về giáo dục được soạn thảo trên tinh thần bản hiến pháp của nước đó. 

Còn tiếp...

Tài liệu tham khảo: 

[1].       http://www.tuanvietnam.net/triet-ly-giao-duc-da-dung-dan-chua)

Nguyễn Quốc Vương