Trong giáo dục liệu có chuyện nịnh bợ cấp trên không?

16/01/2019 07:00
MAI CÔNG TÌNH
(GDVN) - Nhiều giáo viên muốn lấy lòng Hiệu trưởng, Ban giám hiệu đã không ngần ngại nịnh họ mỗi khi có cơ hội, từ nịnh khi giao tiếp xã giao đến cả trong họp hành...

LTS: Thói nịnh bợ lấy lòng cấp trên không chỉ bị lên án ở những cơ quan hành chính nhà nước mà ngay trong môi trường giáo dục, hành vi này cũng cần được chấm dứt càng sớm càng tốt.

Nhà giáo Mai Công Tình đã có bài viết chia sẻ ý kiến của mình về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.

Những ngày cuối cùng của năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã kí Quyết định 1847/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ nhằm nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức;

Đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân, xã hội đối với cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan hành chính nhà nước.

Trong đề án có một nội dung dành được sự quan tâm của mọi người đó là: Đối với lãnh đạo cấp trên, cán bộ, công chức, viên chức không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng.

Bởi nịnh bợ lấy lòng là một hành vi xấu có thể ảnh hưởng đến chất lượng công việc của công chức, viên chức.

Ảnh minh họa: http://baodansinh.vn
Ảnh minh họa: http://baodansinh.vn

Mặc dù là một đề án quy định cho cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan hành chính nhà nước nhưng trong lĩnh vực giáo dục chúng ta – đơn vị sự nghiệp chúng ta cũng cần nhìn lại mình xem có còn tình trạng này không và làm sao để không có hiện tượng này xảy ra.

Nịnh bợ và khen là một ranh giới khá mong manh. Đối với lãnh đạo cấp trên cũng như mỗi chúng ta đều là con người thì về tâm lí ai cũng thích được khen ngợi, động viên.

Tuy nhiên, với nhiều lãnh đạo thích nịnh họ đã để cho cấp dưới của mình lợi dụng điều đó vì những lí do khác nhau để nói quá lên, tung hô “sếp” lên tận mây xanh, để cho “sếp” được thỏa chí thì bây giờ không còn là khen một cách đơn thuần nữa mà nó đã là nịnh bợ, lấy lòng nhau.

Hiện tượng này chúng ta phải khẳng định rằng trong giáo dục vẫn còn tồn tại.

Nhiều giáo viên muốn lấy lòng Hiệu trưởng, Ban giám hiệu đã không ngần ngại nịnh họ mỗi khi có cơ hội, từ nịnh khi giao tiếp xã giao đến nịnh bợ ngay cả trong họp hành, công việc.

Thượng tọa Thích Nhật Từ luận bàn về thói xu nịnh

Biết rằng hiệu trưởng, phó hiệu trưởng làm sai nhưng vẫn khen đúng, khen hay, ca ngợi.

Có nhiều nguyên nhân để những giáo viên đó làm vậy.

Trước hết đó là tâm lí “dĩ hòa vi quý”. Nịnh một tí cũng không sao mà “sếp” lại thích.

Có ai thích bị chê bao giờ đặc biệt người đó lại là lãnh đạo của mình. Vì vậy mà họ tranh thủ nịnh bợ ở mọi lúc, mọi nơi.

Cũng có nguyên nhân nữa đó là một số giáo viên biết năng lực, trình độ của mình còn hạn chế nên muốn lấy lòng “sếp” để còn được ưu ái. Mà đây cũng là một trong những cách họ dễ lấy lòng.

Chung quy cũng là mục đích cá nhân hay như trong đề án của Chính phủ đã nói là vì động cơ không trong sáng.

Vậy làm thế nào để hiện tượng này không xảy ra?

Trong môi trường giáo dục, chúng ta đang dạy cho học sinh chúng ta là cần sống trung thực, ngay thẳng, không xu nịnh vì vậy trước hết mỗi giáo viên cần rèn luyện cho mình đức tính này.

Có khen, có góp ý với cấp trên một cách khách quan, có thiện chí. Hãy tự học hỏi nâng cao trình độ để tự tin vào chính bản thân mình. Làm việc một cách có trách nhiệm, có hiệu quả.

Đối với người quản lí cần nhìn nhận khách quan mỗi lời khen chê, phải nắm rõ các cá nhân cấp dưới của mình để họ không thể lợi dụng nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng.

Trong các cuộc họp hành, đánh giá cần thật sự khách quan, công bằng để những người xu nịnh không thể lấy nó làm bình phong che chắn và người ngay thẳng càng vững tin hơn.

Mặc dù là đề án về văn hóa công vụ dành cho các cơ quan hành chính nhà nước nhưng có lẽ ngành giáo dục nói chung và mỗi giáo viên nói riêng cũng cần thực hiện tốt nó cùng với các quy định khác về đạo đức, chuẩn nghề nghiệp…

Có như thế hiện tượng này mới không còn tồn tại trong môi trường giáo dục của chúng ta.

MAI CÔNG TÌNH