Từ nhà trường đến tổ ấm ở Việt Nam đang tràn ngập trong 2 chữ “bài tập”

01/12/2016 08:41
Thùy Linh
(GDVN) - “Tôi cứ suy nghĩ mãi rằng, liệu giáo dục Việt Nam có quá tải? Liệu trẻ em Việt Nam có được học nhiều và sắp trở thành các thiên tài, thần đồng?".

Vấn đề áp lực học hành lại được dư luận bàn luận xôn xao sau khi xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng một đoạn video ghi cảnh người đàn ông điều khiển xe máy chở phía sau hai em học sinh vừa đi vừa xúc cơm ăn vội trên đường.

Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi cùng TS.Vũ Thu Hương - giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội về chương trình giáo dục ở Việt Nam hiện nay. 

Từ nhà trường đến tổ ấm ở Việt Nam đang tràn ngập trong 2 chữ “bài tập”  ảnh 1
Hai em học sinh ăn vội cơm hộp trên đường (Ảnh từ clip, nguồn: Vietnamnet.vn)

Phóng viên: Bà đánh giá thế nào về chương trình giáo dục phổ thông hiện nay?

TS.Vũ Thu Hương: Theo tôi, chương trình phổ thông hiện nay ở Việt Nam tương đối nhẹ so với thế giới. Có nhiều phần ở các nước khác dạy trẻ nhưng chúng ta lại cắt giảm thậm chí là không có. 

Đơn cử trong môn Lịch sử, học sinh nhiều quốc gia học rất sâu về lịch sử thế giới từ cổ đại tới hiện đại nhưng ở nước ta, phần nội dung này học rất nhẹ nhàng. 

Tính ứng dụng và thực tế của các nội dung học của Việt Nam bị coi nhẹ. Học sinh học xong không biết cần để sử dụng làm gì, vào lúc nào. 

Chính vì vậy, chương trình bị phê phán là hàn lâm và thiếu thực tế. Nhưng theo tôi, chương trình học của chúng ta thiếu hụt nhiều.

Từ hơn 10 năm nay, cụm từ “giáo dục quá tải” đã trở nên quá quen thuộc với các bậc phụ huynh, các giáo viên và các chuyên gia giáo dục nước nhà, theo bà, cụm từ này hiểu thế nào cho đúng?


TS.Vũ Thu Hương
: Tôi cứ suy nghĩ mãi rằng, liệu giáo dục Việt Nam có quá tải? Liệu trẻ em Việt Nam có được học nhiều và sắp trở thành các thiên tài, thần đồng?

Bởi lẽ hiện nay, học trò nước mình không biết gì quá cao siêu và câu chuyện gây xôn xao dư luận gần đây nhất là về cô bé đi thi “Ai là triệu phú” tuyên bố El Nino là một loại sữa là một minh chứng cho điều này.

Cách đây vài ngày, Báo điện tử VTC có làm một cuộc khảo sát và kết quả cho thấy hơn 90% các bạn trẻ Việt được hỏi cũng không biết gì về El Nino.

Một cuộc khảo sát khác cho kết quả, các bạn trẻ cũng không biết và hoàn toàn không quan tâm đến vụ khủng hoảng cá chết ở miền Trung.

Giáo dục Việt Nam đang tràn ngập trong 2 chữ “bài tập” (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)
Giáo dục Việt Nam đang tràn ngập trong 2 chữ “bài tập” (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)

Như vậy, có nghĩa là, kiến thức của thanh niên hiện nay rõ ràng là thiếu hụt chứ không phải là quá tải.

Ngoài ra, điều đó còn thể hiện một vấn nạn là thanh niên của chúng ta, những sản phẩm của ngành giáo dục không những hiểu biết không đủ mà còn rất thờ ơ với cuộc sống, với những kiến thức nền tảng vô cùng quan trọng.

Ở nước khác, người ta dạy cho trẻ từ lớp 1 về El Nino, các hậu quả và các cách ứng xử phù hợp để kéo dài sự tồn tại của loài người, của từng cá nhân trong những thảm họa thiên nhiên nhưng ở Việt Nam các thanh niên tốt nghiệp đại học xong lại không hề biết và cũng không quan tâm.

Vậy là kiến thức của thanh niên là không đầy đủ, hiểu biết thiên lệch và thờ ơ với thời cuộc chứ sao gọi là biết quá nhiều được để gọi là quá tải?

Vậy giáo dục Việt Nam có quá tải không và nếu có thì thì mức độ quá tải này biểu hiện ở đâu, thưa bà?

TS.Vũ Thu Hương: Giáo dục Việt Nam có quá tải, đó là câu trả lời của tôi. Nhưng nó không quá tải ở nội dung học mà quá tải trong cách chúng ta tiến hành giảng dạy. 

Cụ thể là bài tập. Có thể nói, bài tập là thứ có quá nhiều, tràn ngập trong mọi tiết học, trong mọi hoạt động dạy chính khoá và dạy thêm. Kỹ năng giải bài tập được chú trọng rèn luyện trong khi lý thuyết chỉ được đề cập sơ sài và lơ mơ.

Từ nhà trường đến tổ ấm ở Việt Nam đang tràn ngập trong 2 chữ “bài tập”  ảnh 3

Cặp sách của học sinh Tiểu học ngày càng nặng hơn

(GDVN) - Vẹo cột sống có thể ảnh hưởng đến các khớp, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ về hình thể, dẫn đến khung xương, cột sống xiêu vẹo, hậu quả rất nặng nề.

Trong giáo dục, 3 mục tiêu quan trọng nhất là kiến thức, kĩ năng và đạo đức.

Nhưng ở Việt Nam thì rõ ràng, giáo dục chú trọng đến 80-90% vào kiến thức và điểm số trở nên vô cùng quan trọng bởi nó là cơ sở để đánh giá, so sánh với các bạn trong lớp. 

Và để có được điểm số một cách dễ dàng và công bằng nhất thì thầy cô ra đề thi chỉ toàn bài tập. Chính vì thế các em dành toàn bộ thời gian cho bài tập.

Thầy cô giáo cũng tập trung rèn học sinh kĩ năng giải bài tập các loại. Cha mẹ cho con đi học thêm cũng chỉ để giải bài tập.

Nhưng đã bao giờ người lớn tự đặt câu hỏi bài tập làm nhiệm vụ gì trong giáo dục? 

Theo tôi, bài tập giống như một công cụ để giúp học sinh hiểu bài hơn vì khi làm bài tập sẽ giúp học trò hiểu hơn về lý thuyết, về các phép toán, các công thức khó chứ bài tập hoàn toàn không cung cấp lượng kiến thức nào. 

Thế nhưng, ở Việt Nam, bài tập lại trở thành một thứ nền tảng và giáo viên, phụ huynh đánh giá học sinh dựa vào số lượng bài tập trẻ làm được, đúng bao nhiêu, sai bao nhiêu. 

Theo dõi các vấn đề giáo dục của Việt Nam cũng như cập nhật các nghiên cứu về giáo dục của các nước, tôi nhận thấy rằng: Lượng kiến thức mà học sinh Việt Nam nhận được trong nhà trường là rất thấp. 

Rõ ràng, học sinh nước ngoài học nhiều hơn trẻ em Việt Nam rất nhiều nhưng chúng học về kiến thức vũ trụ học, khí tượng học, …rồi đến các vấn đề suy thoái môi trường, các cuộc di dân lớn của thế giới….là những kiến thức mà trẻ em ở nhiều nước được học từ lớp 1.

Khi “giáo dục quá tải” sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ như thế nào, thưa bà?

TS.Vũ Thu Hương: Rõ ràng giáo dục Việt Nam không quá tải về nội dung mà quá tải về bài tập. Mà bài tập là thứ có thể nói vô biên. Chỉ cần biến đổi đi 1 con số, chúng ta có một bài tập khác. 

Từ nhà trường đến tổ ấm ở Việt Nam đang tràn ngập trong 2 chữ “bài tập”  ảnh 4

Bài tập về nhà cần ra như thế nào?

(GDVN) - Với những bài tập về nhà hay, tốt sẽ kích thích niềm say mê học tâm và sự sáng tạo của học sinh.

Nếu cứ tiếp tục sa đà vào bài tập, trẻ sẽ không còn cơ hội rèn luyện kĩ năng, trau dồi kiến thức cuộc sống căn bản, kiến thức ngành nghề, kiến thức xã hội và bồi dưỡng tư cách đạo đức. 

Có thể nói, sa chân vào ma trận khủng khiếp của bài tập, giáo dục đã bỏ lỡ quá nhiều thời gian và cơ hội để giáo dục và đào tạo trẻ. 
 
Các mục tiêu chúng ta đưa ra thì rất hay nhưng không thực hiện được cũng vì bài tập. Vấn nạn học thêm dạy thêm cũng từ bài tập mà ra. Chạy điểm, chạy trường cũng từ đó mà ra. 

Bài tập đã trở thành thống soái trong giáo dục Việt Nam hàng chục năm trở lại đây.

Theo bà, trong khả năng của mình, giáo viên có thể làm gì để có thể giảm tải cho học sinh của mình?

TS.Vũ Thu Hương: Là một giáo viên, tôi biết nhiều đồng nghiệp đã nhận ra vấn đề này và tìm cách giảm tải cho học sinh. Tuy nhiên, với một cơ chế học hành chỉ để dành cho thi cử và bệnh thành tích còn lan tràn thì dù có muốn, giáo viên cũng khó có thể thay đổi được gì. 

Để giảm tải cho học sinh, nhất thiết người giáo viên phải có những tư vấn thật đầy đủ cho các phụ huynh đồng thời có phương pháp giảng dạy, đánh giá và khích lệ học sinh tìm hiểu kiến thức thật sự thay vì đánh vật với bài tập.

Điều này giáo viên sẽ làm được với sự đồng lòng của phụ huynh và các cấp quản lý của ngành giáo dục.

Bộ GD&ĐT sắp tới sẽ thay đổi chương trình, sách giáo khoa, bà có những đề xuất gì để giải quyết các tồn tại trong chương trình hiện nay nhằm tạo điều kiện dạy và học tốt nhất cho giáo viên và học sinh?

TS.Vũ Thu Hương: Điều tôi mong mỏi nhất là Bộ GD&ĐT đừng tiếp tục cắt giảm chương trình học. Chúng ta cần quan sát, nghiên cứu và bổ sung kịp thời những nội dung còn thiếu trong chương trình phổ thông để học sinh chúng ta ra đời không còn cảnh thiếu hụt kiến thức nhiều như hiện nay.

Ngoài ra, cải cách thi cử, tăng cường thi vấn đáp, thi trắc nghiệm thay cho thi viết cũng sẽ làm giảm được lượng bài tập đang đè nặng lên đầu các em.

Thi vấn đáp và thi trắc nghiệm đòi hỏi người học có sự hiểu biết sâu và rộng. Lúc đó, kĩ năng giải bài tập không giải quyết được nhiều khó khăn cho các em. 

Khi đó, các học sinh và phụ huynh nhận ra sự tồn tại của bài tập khó không còn cản trở bước tiến của các em và họ sẽ chấp nhận để bài tập qua một bên, tập trung thời gian đọc, tìm hiểu, khám phá kiến thức thật sự, trau dồi và rèn luyện kĩ năng và đạo đức sống. 

Như vậy, giáo dục của chúng ta sẽ nhanh chóng đạt được mục tiêu mà chúng ta đã đề ra và mong mỏi thực hiện được.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ.

Thùy Linh