Hãy để thầy cô chuyên tâm đào tạo con người

29/11/2016 10:52
Hằng Dương
(GDVN) - Những "nhiệm vụ" như đi tiếp rượu, thu tiền học sinh đang khiến hình ảnh người giáo viên xấu đi trong mắt học trò.

 LTS: Trước thực trạng nhiều thầy, cô giáo đang phải đảm đương các công việc ngoài chuyên môn giảng dạy, gây ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. 

Cô giáo Hằng Dương có bài viết thể hiện quan điểm gửi đến Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam.

Tòa soạn trân trọng gửi đến quý độc giả!

Những ngày gần đây, không ít những hình ảnh “xấu” lan tràn trên mạng khiến người làm giáo dục chúng tôi phải chạnh lòng. Nào là, giáo viên đi tiếp rượu, nào là giáo viên phải làm luôn công việc của một thu ngân, tài vụ...

Rồi tất cả được gói trong cụm từ “nhiệm vụ chính trị”.

Thực lòng, chẳng đành một chút nào. Xin hãy làm trong lành nền giáo dục, trong lành từng khâu, từng nhiệm vụ. Và trước mắt là hãy để người làm thầy, làm cô được làm đúng bổn phận người thầy và chuyên tâm lo cho giáo dục.

Thầy cô chuyên tâm đầu tư sẽ nâng tầm chất lượng giáo dục

Hình ảnh các cán bộ, giáo viên nữ tham gia phục vụ tại các dịp lễ lớn của Ủy ban nhân dân thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) vừa qua khiến không ít giáo viên phải chạnh lòng.

Hãy để hình ảnh những người thầy, người cô luôn đẹp trong ánh mắt học trò. (Ảnh: giaoduc.net.vn)
Hãy để hình ảnh những người thầy, người cô luôn đẹp trong ánh mắt học trò. (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Rồi những hình ảnh giáo viên phải ngày ngày lên lớp nhắc nhở chuyện “tiền nong”. Đó là những khoảnh khắc buồn trong ngành giáo dục. 

Tiếp khách mà không trong sáng thì không được! (GDVN) - Tư lệnh ngành giáo dục nêu quan điểm: “tiếp khách mà không trong sáng thì không được” và "đây không phải việc chỉ dừng lại ở một địa phương".

Tiếp khách mà không trong sáng thì không được!

(GDVN) - Tư lệnh ngành giáo dục nêu quan điểm: “tiếp khách mà không trong sáng thì không được” và "đây không phải việc chỉ dừng lại ở một địa phương".

Không chạnh lòng, không buồn sao được khi nhiệm vụ đứng lớp bị xếp lại một bên để bất đắc dĩ trở thành tiếp tân, phục vụ, thu ngân.

Bản thân tôi thiết nghĩ, một người đứng trên bục giảng không thể chấp nhận bất cứ “nhiệm vụ chính trị” nào lớn hơn nhiệm vụ giảng dạy. Nghĩa vụ, trách nhiệm của thầy cô là phải làm tròn nhiệm vụ ấy.

Tôi rất buồn khi mà các giáo viên phải dồn lớp hoặc nhờ giáo viên khác dạy thay để đi làm các công việc khác do lãnh đạo giao phó.

Liệu rằng, các vị lãnh đạo, người phát ra công văn điều động này có thấy rằng việc làm này là vô lý, là ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục?

Có lẽ, nhiều người sẽ nghĩ điều đó là hơi to tát khi chỉ dạy thay, dồn lớp một hoặc vài  buổi.

Nhưng theo tôi, nếu không trân trọng từng tiết học, trân trọng từng mảng miếng kiến thức thì không thể thu nhận được một nền giáo dục chất lượng đúng nghĩa.

Đó là chưa kể, giáo viên khi phải phân tâm để làm những công việc chẳng hề liên quan gì đến chuyên môn, nghiệp vụ sẽ ảnh hưởng đến tâm huyết và ngọn lửa yêu nghề.

Hãy để hình ảnh giáo viên đẹp mãi trong mắt học trò

Đặt mình vào cương vị những giáo viên bị điều đi tiếp rượu thì có lẽ điều đáng sợ nhất không chỉ đơn thuần là chuyện “rượu vào lời ra” hay bị lợi dụng để ôm vai bá cổ. Mà chúng tôi còn sợ một hình ảnh xấu xí trong mắt học trò.

Nể phục người thầy 16 năm đưa học trò ra đấu trường quốc tế

Nể phục người thầy 16 năm đưa học trò ra đấu trường quốc tế

Xưa nay, những người thầy, người cô luôn là hình mẫu nghiêm túc, chuẩn mực. Học trò thường nhìn vào thầy cô để hình thành nên nhân cách sống.

Nếu bao hình ảnh xấu xí kia trở thành đề tài bàn tán của xã hội thì học trò sẽ nghĩ về thầy cô như thế nào? Các em có còn tôn trọng những người vẫn thường giảng dạy đạo đức, lối sống lành mạnh.

Rồi hình ảnh, giáo viên ngày ngày phải lên lớp xen kẽ các bài học là lời nhắc nhở nộp tiền và thu tiền.

Các cô nhắc nhở học sinh về nhà học bài, về nhà chuẩn bị bài, về nhà chăm lo phụ giúp ba mẹ, đó là giáo dục về nhân cách, giáo dục về tri thức.

Còn nhắc nhở nộp tiền là giáo dục gì đây?

Đó không phải là công việc của một người giảng dạy. Xã hội sẽ nghĩ gì nếu cô vừa dạy học, vừa nhắc nhở các em về đạo lý làm người lại quay sang nhắc trò đọc tên những em còn nợ tiền các loại?

Nó có phản khoa học hay không? Có bị méo mó trong khuôn mẫu của nền giáo dục hay không?

Đó là chưa kể, các em không phải là lứa tuổi để bị nhắc nhở chuyện nộp tiền.

Tôi chợt nghĩ đến hình ảnh những học trò nghèo, ánh mắt sợ hãi, nét mặt ngại ngùng khi bị nhắc nhở chuyện nộp tiền. Nó đáng sợ và không hề mang tính nhân văn.

Thiết nghĩ, thầy cô giáo là những người làm công tác giáo dục. Xin hãy để thầy cô chuyên tâm vào giáo dục và hãy để hình ảnh thầy cô đẹp mãi trong ánh mắt học trò. 

Hằng Dương