Thành phố Hà Nội có sử dụng giáo viên theo kiểu “vắt chanh bỏ vỏ?”
256 giáo viên hợp đồng ở huyện Sóc Sơn đang đứng trước nguy cơ phải rời khỏi bục giảng, sau bao nhiêu năm cống hiến tuổi trẻ, sức lực và trí tuệ cho ngành giáo dục.
Nhiều thầy cô đã gần đến tuổi về hưu bỗng chốc bị hất văng ra khỏi môi trường mà nhiều năm về trước họ đã xung phong ở lại “khai tâm mở trí” cho những lứa học trò nghèo khó nơi đây.
Họ sắp bước vào một cuộc “quyết đấu” không cân sức, nghiệt ngã thay nhiều thầy cô phải ‘đối đầu” với chính những học trò của mình.
Nhiều giáo viên hợp đồng tại huyện Sóc Sơn đứng trước nguy cơ bị cắt hợp đồng (Ảnh: Vũ Ninh) |
Bất công ở chỗ, họ không thua về kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm (điều vô cùng cần của người giáo viên) mà thua bằng kiến thức Anh văn (kiến thức vốn chỉ để làm kiểng cho những giáo viên dạy tiểu học hiện nay).
30 phút cho một bài thi trắc nghiệm gồm 30 câu hỏi Anh văn có thể xem là hòn đá tảng ngáng đường, là cái barie đã sập xuống chắn ngang trước mặt.
Không vượt qua khỏi cửa ải này (và chắc chắn sẽ không vượt qua), giáo viên không có cơ hội để làm bài thi nghiệp vụ (đúng chuyên môn sở trường) của mình.
Có giáo viên bất bình lên tiếng, quy định thi Anh văn, chỉ là cái cớ hợp pháp để đuổi dạy chúng tôi.
Chẳng phải là không có lý, bởi có mấy giáo viên tiểu học hiện nay có trình độ ngoại ngữ như quy định? Mặc dù tới 95% thầy cô đều có chứng chỉ B Anh văn trở lên.
Thời học sinh họ không được học, khi ra dạy cũng chẳng bao giờ phải dùng đến dù chỉ là vài câu chào, câu trả lời đơn giản. Nay, quy định thi Anh văn, thầy cô sẽ thi thế nào đây?
Trả lời trên Báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hữu Mạnh - Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn cho biết, với quy định hiện nay, không có cách nào tuyển dụng 265 thầy, cô giáo mà không qua kỳ thi.
Giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn bật khóc trước nguy cơ mất việc |
Có nghĩa là không có đặc cách, ông Mạnh thừa nhận:
"Đúng ra mỗi năm phải rà soát kỹ để trường hợp nào tuyển dụng được thì tuyển, không được thì cắt hợp đồng để họ tìm việc mới".
Vẫn tổ chức thi nhưng nên bỏ quy định thi ngoại ngữ
Không phải là không có cách nào như lời ông Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn, vấn đề là chính quyền nơi đây có linh động trong cách làm?
Nếu không thể đặc cách, giáo viên vẫn sẵn sàng trải qua kỳ thi tuyển công chức nhưng không phải là kiểu thi như hiện nay.
Thành phố Hà Nội cần thay đổi một số quy định để tạo nên sự công bằng và tỏ ra thiện chí ghi nhận công lao của nhiều thầy cô đã cống hiến tâm sức của mình cho ngành giáo dục nơi đây.
Thứ nhất, nên bỏ quy định thi ngoại ngữ tiếng Anh như hiện nay, thay vào đó là những bài thi về nghiệp vụ sư phạm.
Bài thi vừa có lý thuyết về việc đổi mới phương pháp dạy học, về chương trình mới…vừa thi thực hành như thi giảng dạy trên lớp, thi vấn đáp, xử lý tình huống…
Để công khai minh bạch, cần có ghi âm, ghi hình, ngoài giám khảo cũng cần có cả đội ngũ giám sát để tránh chuyện nhập nhèm “đi đêm”.
Thứ hai, cần có quy định cộng điểm cho những thành tích mà giáo viên đã đạt được trong những năm công tác. Chẳng lẽ bao nhiêu năm, thầy cô nỗ lực, phấn đấu để trở nên vô nghĩa?
Ví dụ, danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện cộng 0.5đ, cấp tỉnh, thành phố cộng 1đ. Hay đạt chiến sĩ thi đua cấp huyện cộng 1đ, cấp tỉnh cộng 2đ…
Công đoàn Giáo dục Việt Nam muốn đặc cách cho 256 giáo viên ở Sóc Sơn |
Nếu làm tốt những điều này, giáo viên trượt cũng phải tâm phục khẩu phục vì mình chưa xứng đáng.
Thầy cô không đơn độc
Ông Vũ Minh Đức – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã cho biết: “Công đoàn đã nắm được thông tin 256 giáo viên ở huyện Sóc sơn.
Công đoàn đã báo cáo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Chúng tôi sẽ có văn bản gửi Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo về việc này.
Chúng tôi cũng đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội xét đặc cách, hoặc có chính sách ưu tiên cho những giáo viên đã giảng dạy lâu năm, có trình độ chuyên môn tốt, tâm huyết với nghề.
Đề nghị Thành phố Hà Nội sớm đưa ra giải pháp hợp tình, hợp lý để giữ tối đa những giáo viên có chuyên môn, nhiệt huyết, cán bộ tham gia quản lý chuyên môn, tham gia hoạt động công đoàn”.
Công đoàn Giáo dục Việt Nam sẽ gửi văn bản đến Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc này. [1]
Trong cuộc chiến này, thầy cô đã không đơn độc mà có tổ chức Công đoàn của ngành đang ở bên để cùng đồng hành.
Hy vọng Thành phố Hà Nội sẽ có những quyết định thỏa đáng nhất mang lại niềm tin cho nhiều thầy cô giáo.
Tài liệu tham khảo:
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Cong-doan-Giao-duc-Viet-Nam-muon-dac-cach-cho-256-giao-vien-o-Soc-Son-post196960.gd {1}