PGS. Văn Như Cương, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT DL Lương Thế Vinh cho biết, việc có một chương trình và nhiều sách giáo khoa bản thân thầy rất tán thành. Tuy nhiên, ông còn băn khoăn việc xác định “một chương trình và nhiều bộ sách giáo khoa” có hợp lý không? Bởi “một chương trình và nhiều sách giáo khoa” chỉ có thể là một bộ môn, một cấp học, điều này kéo dài chứ không phải đăng ký là ra ngay một bộ sách giáo khoa.
“Quá trình chúng ta chủ trương một chương trình và nhiều sách giáo khoa là một quá trình dài, bổ sung liên tục. Do đó không thể đòi hỏi ngay khi chúng ta có chương trình rồi kêu gọi xã hội hóa, rồi đưa ra bộ thẩm định bao nhiêu sách giáo khoa được vào.
Nếu làm như vậy ngay lúc đầu sẽ không có ai tham gia làm sách, bởi vì viết một bộ sách giáo khoa rất nhiều vấn đề, từ tập hợp lực lượng người của các môn, có những môn chưa có sách giáo khoa. Nếu tôi là chủ nhiệm tôi cũng chưa biết chọn ai để viết môn Trải nghiệm và hoạt động sáng tạo” PGS. Cương nêu vấn đề.
PGS. Văn Như Cương, cần phải xác định rõ "nhiều bộ sách giáo khoa hay nhiều sách giáo khoa". |
Vấn đề kinh phí làm sách như thế nào? PGS. Văn Như Cương trao đổi, không thể ai làm sách rồi được Bộ GD&ĐT duyệt là có tiền, làm như vậy không thể đủ tiền. Do đó, dứt khoát người viết sách phải tự hạch toán kinh phí viết sách, cho tới khi sách được thẩm định lúc đó mới có kinh phí.
Và, chủ trương Bộ GD&ĐT đứng ra làm một bộ sách giáo khoa là đúng, tất nhiên phải công minh. PGS. Cương cho rằng, bộ có thể giao cho một cơ quan trực thuộc làm, khi sách được thông qua lúc đó mới trả tiền. “Sắp tới chúng ta cần phải nói rõ, không phải nhiều bộ sách giáo khoa mà là nhiều sách giáo khoa mới chính xác” PGS. Cương đề nghị.
Cũng trong câu chuyện làm sách giáo khoa mới, PGS. Văn Như Cương đồng ý khi làm sách mới phải có tính kế thừa, bởi một số nội dung trong sách giáo khoa hiện hành vẫn dùng được. “Một số sách chúng ta chỉ cần biên tập lại. Ví như chương trình toán, trong chương trình mới tôi chắc chắn rằng “số ảo – Y2 = -1” phải bỏ đi, tích phân, đạo hàm không đến nỗi nặng nề như thế. Trong chương trình mới nếu phần này bỏ đi thì chúng ta dùng sách cũ và có thể rút gọn các chương theo tinh thần của chương trình mới” PGS. Cương đề nghị.
Đổi mới giáo dục: chương trình trước, sách giáo khoa sau
(GDVN) - Nhiều ý kiến chuyên gia giáo dục, các nhà giáo lão thành đều khẳng định tính quan trọng trong việc xây dựng một chương trình chuẩn trước khi nghĩ tới làm SGK.
Tính xa hơn, khi đã có sách giáo khoa mới các trường sẽ tiếp nhận như thế nào? PGS. Cương cho rằng, nếu để từng trường chọn sẽ có vấn đề về quản lý. Theo quan điểm của PGS. Cương, vấn đề này cần giao về cho các Sở GD&ĐT, bởi khi thi tốt nghiệp có thể giao về cho sở, thậm chí cho trường thì lúc đó việc lựa chọn sách giáo khoa làm sao cho thống nhất, tránh gặp khó khăn trong chỉ đạo.
Liên quan đến chủ đề này, GS. TS. Nguyễn Ngọc Phú - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam nhận định rằng, phải chăng chúng ta chỉ cần một bộ sách giáo khoa cho một đối tượng, một lớp nào đó, mà không phải cần có nhiều bộ sách như các nước.
"Muốn có được sách giáo khoa phải phân định rõ chương trình, xác định các tiêu chí kiến thức cơ bản mức tối thiểu cần phải đạt được tới đâu. Trên cơ sở chuẩn kiến thức tối thiểu mới đặt vấn đề thể hiện ở các sách giáo khoa" GS. Phú đề nghị.
Có quan điểm khác, GS. Nguyễn Ngọc Phú cho rằng, một chương trình có nhiều bộ sách giáo khoa đáp ứng tùy theo sắc thái của các đối tượng người học khác nhau sẽ có hiệu quả hơn nhiều nếu như chỉ có một bộ sách giáo khoa thống nhất.
Vấn đề không kém quan trọng, ai sẽ là người đứng ra tổ chức viết và thẩm định sách giáo khoa? Quan điểm của Bộ GD&ĐT cho rằng, khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn các bộ sách giáo khoa hoặc các cuốn sách giáo khoa khác, nhất là sách giáo khoa cho các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Vậy, Bộ GD&ĐT có nên làm như vậy?
Quan điểm của GS. Nguyễn Ngọc Phú, Bộ GD&ĐT không thể là người đứng ra tổ chức và chịu trách nhiệm biên soạn sách giáo khoa, bởi đây không thuộc trách nhiệm của bộ. Hơn nữa, nếu làm Bộ GD&ĐT sẽ không bố trí được nhân lực.
"Để có những bộ sách giáo khoa có chất lượng cần huy động chính những đội ngũ nhà giáo có chất lượng, có kinh nghiệm từ các trường phổ thông và đại học, các chuyên gia giỏi thuộc các Hội nghề nghiệp biên soạn và chịu trách nhiệm trước nhà nước" GS. Phú đề nghị.
Clip: PGS. Văn Như Cương nêu quan điểm về đổi mới sách giáo khoa.