Vì sao chưa thể bỏ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10?

03/02/2019 06:42
HỮU SƠN
(GDVN) - Thầy cô còn chưa công tâm khi dạy học sinh cùng một lớp thì đừng bao giờ nói đến chuyện xét vào lớp 10 từ các trường trung học cơ sở khác nhau.

LTS: Tiếp tục đưa ra những quan điểm và góc nhìn về việc giữ hay bỏ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, thầy Hữu Sơn đã có bài viết chia sẻ cùng độc giả Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Hầu hết bình luận ở dưới bài viết: “Bộ Giáo dục nên bỏ hẳn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10” của tôi (Hữu Sơn) đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 29/1 đều cho rằng ở thời điểm này chưa thể bỏ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường công lập được. 

Bạn đọc có tên Giáo làng nhận xét: “Có lẽ còn quá sớm để đưa ra đề nghị này! Chỉ khi nào hệ thống giáo dục (và lãnh đạo địa phương) thoát khỏi căn bệnh thành tích và các trường tư thục phát triển lành mạnh, có chất lượng và tạo được niềm tin xã hội để đủ sức thu hút nhiều học sinh tham gia "học thực" thì lúc đó, việc thi tuyển vào 10 (để vào trường công) sẽ mất dần ý nghĩa”.

Bạn Kiến Lửa thẳng thắn: “Thầy cô còn chưa công tâm khi dạy học sinh cùng một lớp thì đừng bao giờ nói đến chuyện xét vào lớp 10 từ các trường trung học cơ sở khác nhau”.

Độc giả nguoihanoi1 phân tích: “Một đề xuất viển vông trong thời điểm hiện tại. Muốn làm được như vậy thì người lớn phải có ý thức đã, ý thức này thể hiện từ sự tự giác trong gia đình, sự tham gia giao thông đúng luật, sự nghiêm túc trong quan hệ... từ đó trẻ con sẽ tự giác học, kết quả mới thực chất.

Vì sao chưa thể bỏ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10? ảnh 1Bộ Giáo dục nên bỏ hẳn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10

Phụ huynh cứ tự tạo áp lực, chạy đua thành tích, mơ hồ về khả năng của con cái... thì sự giáo dục từ tế bào xã hội không thể tốt được, hệ quả cho ngành giáo dục. Mọi người chỉ nhìn thấy cái ngọn mà chưa thấy gốc”.

Bạn Nguyễn Hoàng cảnh báo: “Cái gương không thi lớp 10 của tỉnh Quảng Nam sờ sờ ra đó. Không thi 6 năm rồi, chất lượng thê thảm. Ai biết đâu: Chỉ có trời biết và người dạy mới biết”.

Một người tên viết tắt SGSGSG đưa ra minh chứng cụ thể: “Thầy Hữu Sơn tôi không biết Thầy đến từ vùng nào mà dám kêu gọi Thành phố Hồ Chí Minh bỏ thi lớp 9 lên 10.

Thành phố Hồ Chí Minh đã từng cho 1 số quận làm thử rồi cách đây vài năm, thầy không nắm được thông tin sao, hay không biết việc này.

Cuối cùng từ 1 trường khá giỏi như Mạc Đỉnh Chi quận 6, thành 1 trường trung bình, học sinh quậy hết biết.

Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh sợ quá, không dám cho thí điểm nữa, vài năm nay trường tốt lại rồi.

Nếu thầy không nắm hết bản chất của học sinh thì nên tìm hiểu thông tin, khảo sát, chứ đừng rãnh rõi đề xuất ra mà Thành phố Hồ Chí Minh không thể làm”.

Tiếp đến, tác giả Nhật Duy đưa ra một số lý do khiến chưa thể bỏ kỳ thi tuyển sinh 10 trong bài: “5 lý do khiến chưa thể bỏ kỳ thi tuyển sinh 10” đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 30/1.

Các vị có biết, tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 thì ai đắc lợi và ai thiệt thòi nhất không?

Nhà trường, thầy cô giáo tổ chức dạy học thêm, luyện thi vào lớp 10 và các trường trung học phổ thông công lập lựa chọn được đối tượng học sinh tốt, “trên sàng” là đắc lợi nhất.

Vì sao chưa thể bỏ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10? ảnh 25 lý do khiến chưa thể bỏ kỳ thi tuyển sinh 10

Còn thiệt thòi nhất chính là các em học sinh của chúng ta, phải chịu quá nhiều áp lực, căng thẳng từ việc học hành, luyện thi và tham gia thi tuyển, đặc biệt những nơi có tỉ lệ chọi cao.

Con em thi cử, phụ huynh lại phải lo lắng hết sức từ tinh thần đến vật chất, tiền bạc… Cái vòng luẩn quẩn học - thi, thi - học cứ thế lặp lại, không lối thoát.

Cứ phải có thi thì mới dạy và học tương đối tốt. Còn không có kiểm tra, thi cử thì đổ thừa cho học sinh chẳng chịu học.

Kể cả việc dạy của nhiều thầy cô giáo cũng sao nhãng, hời hợt…(do học sinh không hoặc ít đi học thêm mình).

Có mấy thầy cô nghĩ được, học sinh lười học, chán học là do lỗi ở mình giảng dạy, quản lý chưa tốt không?

Rõ ràng giáo dục phổ thông nói chung, cấp trung học cơ sở và lớp 9 nói riêng luôn nặng tình trạng dạy học đối phó, không coi trọng của quá trình giáo dục, quá trình tự học.  

Vậy, lỗi tại trò hay tại thầy? Câu trả lời dứt khoát ở đây là tại người lớn, tại nhà trường, thầy cô giáo.

Bệnh thành tích nhiễm nặng, lúc nào cũng có tư tưởng, tâm lý du di, dễ dãi với học trò của mình, sợ mình đánh giá, cho điểm khó, khắt khe hơn trường bạn cùng với một số mối quan hệ phức tạp khác chi phối.

Toàn nghĩ tiểu cục, cái lợi cho bản thân mình, trường mình, còn thiên hạ, ngành giáo dục như thế nào thì mặc kệ.

Chưa thể bỏ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 được, do đâu? (Ảnh minh họa: TTXVN).
Chưa thể bỏ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 được, do đâu? (Ảnh minh họa: TTXVN).

Ở cuối bài viết: “Bộ Giáo dục nên bỏ hẳn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10” tôi từng nêu kiến nghị:

“Các địa phương, cơ sở giáo dục, thầy cô giáo cần phải thực hiện tốt việc kiểm tra, đánh giá học sinh từ lớp 6 đến lớp 9, thông qua các bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ ở trên lớp.

Năm nào cũng làm thực chất, công tâm, luôn “nói không” với bệnh thành tích và tháo khoán, thì đến cuối năm lớp 9, các địa phương hoàn toàn yên tâm, tin tưởng dựa vào kết quả, đánh giá ấy mà xét tuyển vào lớp 10.

Không cần phải qua thi tuyển, thi các môn này, bài tổ hợp kia mà các em bậc trung học cơ sở đều có ý thức học tập, rèn luyện tốt, rồi vẫn phân loại, chọn lựa được học sinh khi lên lớp 10 trường công lập, phần lớn phụ thuộc vào yếu tố chủ quan, cách tổ chức thực hiện của ngành giáo dục ở địa phương. Xin đừng đổ lỗi cho các yếu tố khác…”.

Những kiến nghị hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, không hề viển vông, xa vời, đều nằm trong khả năng của nhà trường, thầy cô giáo cả.

Nhà trường, thầy cô giáo còn chần chừ gì nữa mà không mạnh dạn phá bỏ sự trì trệ, lạc hậu, tiêu cực đang tồn tại trong ngành giáo dục để con em, học sinh của nhân dân được hưởng lợi nhiều nhất, để “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”.  

HỮU SƠN