Xóa biên chế ở các trường đại học lớn thì dễ, bậc phổ thông cần thận trọng!

31/05/2017 08:39
Trinh Phúc
(GDVN) - Cần cởi trói cơ chế để có đãi ngộ cho nhà giáo tốt hơn, tạo cho nhà giáo động cơ phấn đấu, tạo điều kiện để các đơn vị giáo dục có sự tự chủ lớn hơn.

Xoay quanh ý kiến của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiến tới xóa bỏ biên chế trong giáo dục thay bằng hợp đồng có vào có ra nhằm tăng tính cạnh tranh và nâng cao thu nhập của giáo viên, ngày 30/5, bên lề kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với nghệ sĩ ưu tú Dương Minh Ánh, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội.

Theo bà Dương Minh Ánh: "Về vấn đề này, cần nhìn nhận ở từng bậc học khác nhau. Quan điểm của tôi, riêng bậc đại học thì xu hướng chung trên thế giới là tự chủ. Điều này, thế giới họ làm lâu rồi, còn ta đang thực hiện.

Tôi đi khảo sát ở nhiều tỉnh thành, việc xóa hợp đồng chuyển sang bên chế có gặp một số vấn đề bất cập.

Đối với các trường đại học lớn thì không thành vấn đề nhưng mà đối với các trường đại học ở từng địa phương, đặc biệt đại học thuộc tỉnh nơi có điều kiện kinh tế khó khăn thì rất khó để tự chủ".

Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh, đoàn Đại biểu Hà Nội (ảnh nguồn quochoi.vn).
Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh, đoàn Đại biểu Hà Nội (ảnh nguồn quochoi.vn).

Bà Dương Minh Ánh phân tích: "Lý do, các trường đại học ở địa phương lượng sinh viên chủ yếu nằm trong diện chính sách. Các sinh viên đi học nhận được ưu đãi của nhà nước đối về học phí. Chính vì thế nguồn thu các trường không cao nên rất khó khăn để tự chủ.

Vì vậy, bỏ biên chế trong Đại học cần thiết phải nghiên cứu kỹ về đối tượng các trường ở khu vực các vùng khó khăn này".

Xóa biên chế ở các trường đại học lớn thì dễ, bậc phổ thông cần thận trọng! ảnh 2Chúng tôi hỏi Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, có bỏ được biên chế giáo viên không?

Riêng về bậc học mầm non và phổ thông vị đại biểu Quốc hội này góp ý: "Tôi cho rằng, ở nhiều nước trên thế giới thì nhà nước vẫn phải đảm bảo việc học phổ thông.

Chính sách bỏ biên chế sang hợp đồng là vấn đề rất lớn ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo của rất nhiều nhà giáo.

Đặc biệt, các giáo viên ở vùng sâu, vùng xa thì các trường không thể tự chủ để có thể chi trả đảm bảo cuộc sống của họ. Theo tôi, việc này cần phải cân nhắc kỹ. Còn nếu thực hiện thì chưa nên thực hiện vội vàng".

Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo chí, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội – ông Lê Quân, Đại Biểu Quốc hội (đoàn Hà Nội) cho biết:

Chúng ta không nên nhìn nhận hợp đồng lao động là một cái gì đó quá xấu. Vì thực tế, biên chế cũng là một loại hợp đồng thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Nhà giáo là người lao động có vị thế khác hơn, họ gắn bó với  trường học và cần thiết sự ổn định trong hoạt động nghề nghiệp. Do đó, hợp đồng lao động theo hướng mới cũng cần được nghiên cứu để điều chỉnh phù hợp, đảm bảo sự gắn bó giữa người lao động là nhà giáo với nhà trường”.

Đại biểu Quốc hội Lê Quân, Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội (ảnh nguồn quochoi.vn).
Đại biểu Quốc hội Lê Quân, Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội (ảnh nguồn quochoi.vn).

Vị Đại biểu Quốc hội này lý giải thêm: “Trong giáo dục, hợp đồng lao động có từ năm 2012 trong Luật Viên chức. Giáo viên là viên chức cũng làm việc theo hợp động (có thời hạ, không có thời hạn, tập sự).

Bản chất, tiến tới đây chúng ta xóa bỏ biên chế không phải vì giáo dục không được quan tâm nữa. Mà chúng ta phải hiểu, đây là cách làm để cởi trói cơ chế sử dụng đãi ngộ nhà giáo, tạo cho nhà giáo động cơ phấn đấu, tạo các đơn vị giáo dục có sự tự chủ lớn hơn”.

Xóa biên chế ở các trường đại học lớn thì dễ, bậc phổ thông cần thận trọng! ảnh 4Biên chế hay Hợp đồng thì thầy cô tốt vẫn được cả xã hội kính trọng

Đại biểu Quốc hội Lê Quân cho rằng: “Xu thế tự chủ trong vấn đề hợp động đối với giáo dục đại học, giáo dục dạy nghề và nghề nghiệp, các đơn vị sự nghiệp có thu cần sự tự chủ cao hơn nữa trong việc tuyển dụng, sử dụng, trả lương và đãi ngộ.

Không nên khép những người lao động là các viên chức giáo viên trả lương theo ngạch bậc mà nên trả theo năng lực”.

Đối với giáo dục phổ thông, theo Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội: “Đây là các đơn vị mà nguồn thu có hạn nên cần phải cân nhắc. Vì nguồn thu thấp sẽ tác động đến quyền lợi của người lao động là giáo viên.

Do đó, cần lựa chọn phương thức nào cho phù hợp, lộ trình thực hiện và chọn nơi thí điểm phải tính toán kỹ”.

Một vấn đề có nhiều ý kiến lo ngại khi bỏ biên chế thì vị thế của giáo viên sẽ bị hạ thấp trong khi quyền lực của Hiệu trưởng lại cao nên xảy ra việc lạm quyền. Về việc này, ông Lê Quân có quan điểm ngược lại, ông cho rằng: “Việc lo lắng hiệu trưởng chuyên quyền do lối suy nghĩ khi xóa biên chế sang hợp đồng của giáo viên nhưng các quy định về quyền lực của Hiệu trưởng vẫn được giữ nguyên như hiện nay.

Tuy nhiên, khi triển khai đổi mới thì chúng ta phải thay đổi các điều luật, các quy định, các điều lệ của trường, các quy định liên quan đến tổ chức cán bộ.

Mọi thứ sẽ được tính toán để đảm bảo nguyên tắc trong trường học là phải dân chủ, minh bạch, công bằng”.

Trinh Phúc