Đỗ Quận Công - lấy chữ “Nhân Đức” làm trọng
Đỗ Quận Công, tên húy là Đỗ Nhân Tăng, sinh năm Giáp Thân (1664) tại thôn Xuân Mai, phường Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay. Ông là người thông minh lại khéo tay, làm gì cũng được như đọc sách, làm thơ, làm ruộng, tập võ, cưỡi ngựa…
Phả ký có ghi lại rằng: Đỗ Nhân Tăng là bậc văn võ toàn tài đống lương vĩ khí nên được nhà vua quý mến trọng dụng. Năm 24 tuổi, ông vào kinh nhận chức và làm quan với hai triều vua Lê Hy Tông và Lê Dụ Tông. Nhà vua phong chức cho ông: Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân; Phó cai quản thị nội giám; Tổng thái giám; Quế phương hầu (quan văn) sau đó lại được phong “Hữu hiệu điểm Quế quận công”. Nhân dân tôn kính không gọi tên húy mà gọi là ông quận Quế.
Lối vào mộ cụ Đỗ Quận Công. Trong ảnh là ông Đỗ Văn Thắng - Trưởng tiểu ban di tích xã Xuân Mai đang kể lại công lao của cụ Đỗ Quận Công với dân với nước. Ảnh: Hồng Nhung |
Khi ông làm quan vẫn một lòng quan tâm đến đời sống của nhân dân. Ông sống có nhân đức, đem ruộng đất của mình chia đều cho dân làng ở 4 thôn: Mai, Thượng, Triền, Bến. Ông thường khuyên bảo dân làng sống phải lấy chữ “Nhân Đức” làm trọng, coi nhân đức như việc gieo trồng cây lúa để nuôi sống con người. Ông luôn giúp đỡ dân làng xây dựng thôn xóm.
Đối với Cựu Quán, ông còn bỏ tiền, thóc giúp đỡ người nghèo, nhất là vào những năm mất mùa, đói kém. Ông để một phần ruộng hậu cho 4 thôn: Mai, Thượng, Triền, Bến.
Với Tân ấp, ông xuất tiền giúp đỡ 2 thôn Nhật Hy Thượng, Nhật Hy Hạ, mỗi thôn 50 lạng bạc, 500 quan tiền, vận động dân lập thôn ấp, đào ao, vượt thổ, khai mương, xẻ ngói, khai phá ruộng đất còn bỏ hoang. Đặc biệt, ông đã vận động dân làng đắp đê mới, bồi trúc đê cũ chống nước mặn, trồng tre để bảo vệ đê, tu sửa đường xá, tu sửa đền thơ Ngô Tướng công và chùa…
Ông tạ thế ngày 06 tháng 06 năm Kỷ Dậu (1729), thọ 66 tuổi. Hiện nay, phần lăngmộ của Đỗ Quận Công và phu nhân còn ở Xuân Mai, Phúc Thắng.
Trần Quận Công – đem tài sản chia hết cho dân
Trần Quận Công, tên húy Trần Công Tước sinh năm Bính Thân (1656). Trần Công Tước chính là dòng họ Đỗ sau đổi sang dòng họ Trần. Bia đá đền Xuân Hy còn ghi: “Đỗ tính cải vi Trần tính”.
Theo phả ký ghi chép, khi Người còn nhỏ phong tứ dĩnh dị, cốt cách khác thường, lớn lên tư chất càng thông minh, học rất giỏi và cũng dũng lược hơn người. Năm 24 tuổi, ông ra làm quan dưới triều vua Lê Dụ Tông (1674). Năm 40 tuổi, ông được chúa Trịnh tạc phong cho chức: “Đặc tiến kim tử vinh lộc giám”.
Trần Công Tước là quan hoạn kiêm võ tướng. Ông làm quan trên ba mươi năm, được nhà vua tin yêu, nhân dân mến phục. Ông rất thông cảm với nỗi khổ của dân, ai có việc gì đến triều đình, ông đều tiếp đón ân cần và giải thích chu đáo. Người dân nào túng thiếu, ông trợ cấp cho tiền gạo, nếu rách ông cho cả quần áo khi ra về.
Năm Trần Công Tước 60 tuổi (có tài liệu ghi 65 tuổi) nghỉ hưu lại được vua phong là “Thân quận công” (ông quan thủy chung). Khi ông bà về quê cùng sống với dân làng, với hàng tổng rất tốt bằng nhiều việc làm cụ thể. Ông bà bỏ tiền gạo của nhà đem phát chẩn cho dân khi bị thiên tai mất mùa đói kém; sửa đường xá, bắc cầu, xây 7 gian quán ngói cho dân đi lại nghỉ ngơi; giúp đỡ tiền của để đắp đê, khai phá thêm đất hoang cho dân…
Ông bà không để tài sản riêng mà đem ruộng đất của nhà chia cho dân làng các thôn. Ông bà còn mua thêm 80 mẫu ruộng chiêu dân các nơi đến lập ấp gọi là thôn Trung Nghĩa. Người còn cúng ruộng đất vào chùa, bỏ tiền tu sửa chùa Xuân Mai… Chính vì vậy, nhân dân đều quý trọng Người, mong Người sống lâu và coi Người như cha (trọng công như tuế, thị công như phụ).
Phần mộ của Người được mai táng tại thôn Thanh Vân (quê ngoại). Năm 1988, nhân dân 2 xã Thanh Lâm và Phúc Thắng xin phép UBND huyện Mê Linh cho chuyển mộ ông bà Trần Quận Công về quê nội ở Xuân Mai, đây là 2 ngôi mộ hợp nhất.
Trùng tu bảo tồn Khu di tích Lăng mộ hai vị quận công
Trải qua hơn 300 năm thăng trầm của lịch sử, khu Lăng mộ của hai vị quận công vẫn tồn tại vững chắc như minh chứng cho giá trị trường tồn của văn hóa, lịch sử. Ngày 15/1/2014, khu Lăng mộ của hai vị quận công được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Tuy nhiên, cũng hơn 3 thế kỉ trôi qua, khu Lăng mộ của hai vị quận công đang xuống cấp trầm trọng. Chính vì vậy, việc cấp thiết lúc này là phải trùng tu và bảo tồn lại khu di tích Lăng mộ của hai vị Đỗ Quận Công và Trần Quận Công, để giá trị lịch sử được lưu giữ và phát huy đến con cháu muôn đời.
Nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc, tín ngưỡng, các vị quan có công với làng với nước, bà Đỗ Thị Kim Liên - Lãnh sự danh dự Cộng hòa Nam Phi tại TP Hồ Chí Minh đã đứng ra tài trợ kinh phí cùng với dân làng Xuân Mai trùng tu, tôn tạo lại Lăng mộ hai vị quận công khang trang, sạch đẹp hơn. Sau hơn 1 tháng trùng tu, buổi lễ khánh thành lăng mộ vào sáng nay đã diễn ra long trọng với sự tham gia của các cấp ủy, chi bộ và hàng trăm người dân.
Trùng tu, xây mộ cho hai vị quận công chỉ là một phần trong kế hoạch bảo tồn khu di tích Lăng mộ lịch sử này, cần phải triển khai việc quy hoạch tổng thể để bảo tồn và phát huy giá trị của cả khu di tích. Việc làm này cần lắm sự chung tay của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự giúp sức của cộng đồng, cá nhân, doanh nghiệp…
Hy vọng trong thời gian sắp tới, khu di tích lịch sử văn hóa Lăng mộ hai vị quận công sẽ được quy hoạch một cách tổng thể, trở thành công trình lịch sử tưởng nhớ công ơn hai vị quận công, trở thành điểm tham quan cho con cháu xa gần hiểu và trân trọng giá trị truyền thống của mảnh đất nhân tài hội tụ này.
Một số hình ảnh tại Khu di tích Lăng mộ hai vị Quận Công:
Ngay lối vào mộ cụ Đỗ Quận Công là hai con voi bằng đá. |
Tượng đá trước khu mộ. |
Lối vào mộ cụ Trần Quận Công. |
Hình ảnh lăng mộ sau khi được trùng tu. |
Trưởng ban tiểu ban di tích xã Xuân Mai – ông Đỗ VănThắng kể lại công lao các cụ quận công với làng xã, với dân với nước. |