Khả năng Nhật Bản cho tàu chiến, máy bay đến Biển Đông gia tăng

23/02/2015 07:58
Việt Dũng
(GDVN) - Nếu Bắc Kinh không chấp nhận xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp, các nước hợp tác với láng giềng có nhu cầu tương tự để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.
Máy bay trinh sát OP-3C Nhật Bản
Máy bay trinh sát OP-3C Nhật Bản

Trang mạng quân sự sina Trung Quốc ngày 22 tháng 2 đăng lại bài viết của tác giả Justin McCurry trên tờ "The Christian Science Monitor".

Theo bài viết, đề nghị Nhật Bản tuần tra trên không ở Biển Đông trước tiên là do sĩ quan chỉ huy Hạm đội 7 Mỹ đưa ra, Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo giận dữ đối với vấn đề này. Nhưng nhà lãnh đạo Nhật Bản Shinzo Abe luôn kiên định việc tăng cường hợp tác an ninh, mở rộng phạm vi tuyến đường quan trọng có khả năng kéo dài.

Nhật Bản đang cân nhắc điều Lực lượng Phòng vệ Trên không và Trên biển đến Biển Đông tuần tra, hành động này sẽ làm Trung Quốc tức giận, làm trầm trọng hơn tình hình an ninh khu vực vốn đã căng thẳng. Quân đội Nhật Bản vượt qua biển Hoa Đông (đã có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh), mở rộng tới vùng biển không có yêu cầu lãnh thổ, hành vi này sẽ làm cho Hải quân Trung Quốc cảm thấy bất an gấp bội.

Đồng thời cũng gây ra lo ngại, dưới sự dẫn dắt của nhà lãnh đạo cứng rắn Shinzo Abe, Nhật Bản quyết tâm tăng cường hình tượng quân sự trên vũ đài khu vực, rất nhiều người cho rằng điều này không cần thiết.

Khả năng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tham gia tuần tra Biển Đông gia tăng, cho rằng cần thiết ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc tại khu vực này, Nhật Bản còn tuyên bố, an ninh khu vực này không thể tách rời với họ.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-1 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản
Máy bay tuần tra săn ngầm P-1 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cho biết: "Chúng tôi hiện nay chưa tuần tra, đang có kế hoạch làm như vậy, nhưng chúng tôi đang cùng Mỹ đi sâu hợp tác, tình hình Biển Đông đã ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của chúng tôi, chúng tôi cần cân nhắc nghiêm túc phản ứng như thế nào".

Trước đó không lâu, sĩ quan chỉ huy Hạm đội 7 Hải quân Mỹ, Đô đốc Robert Thomas cho rằng, tàu trinh sát Nhật Bản có thể làm bổ sung cho Hạm đội Mỹ, giám sát hoạt động của Trung Quốc ở Trường Sa và các đảo khác (Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á tuyên bố có chủ quyền đối với những đảo này - trên thực tế, Trung Quốc ăn cướp quần đảo Hoàng Sa, một số đảo ở Trường Sa và gây ra tranh chấp hiện nay). Ông Gen Nakatani đã phản hồi với đề nghị của Robert Thomas như vậy.

Đô đốc Robert Thomas gần đây nói với hãng tin Reuters rằng: "Tôi cho rằng, các đồng minh, đối tác hợp tác và bạn bè khu vực sẽ ngày càng tìm đến sự trợ giúp của Nhật Bản để thúc đẩy sự ổn định". "Nói thẳng ra, ở Biển Đông, quy mô tàu cá, lực lượng cảnh sát biển và hải quân Trung Quốc vượt xa láng giềng của họ".

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki đã rất nhanh tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng: "Liên quan đến việc Nhật Bản tuần tra Biển Đông, chúng tôi không loại trừ bất cứ kế hoạch hoặc kiến nghị nào".

Tàu nghe lén âm thanh dưới nước của Nhật Bản
Tàu nghe lén âm thanh dưới nước của Nhật Bản

Là nền kinh tế lớn thứ hai châu Á, Nhật Bản cảm thấy cần thiết tuần tra ở Biển Đông. Vùng biển rộng lớn đã cung cấp 1/10 đánh bắt nghề cá toàn cầu, ngoài ra, Nhật Bản có 5.000 tỷ USD hàng hóa đi qua tuyến đường hàng hải tấp nập này.

Chuyên gia Corley Wallace thuộc Trung tâm nghiên cứu an ninh Australia-Nhật Bản và chính sách quốc phòng ở Canberra cho rằng: "Đương nhiên, Nhật Bản không có bất cứ lợi ích lãnh thổ trực tiếp nào ở Biển Đông, nhưng bất cứ sự bất ổn và xung đột nào ở đó đều sẽ gây ra ảnh hưởng rất lớn đối với an ninh quốc gia của Nhật Bản, điều này làm cho Nhật Bản trở thành một người có lợi ích liên quan hợp pháp".

Điều có thể đoán được là, bất cứ ý đồ tham gia tranh chấp Biển Đông nào của Nhật Bản đều sẽ bị Trung Quốc phê phán mạnh mẽ, cho rằng đây là "kích động bất ổn khu vực".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng: "Các nước ngoài khu vực này cần tôn trọng những nỗ lực bảo vệ hòa bình và ổn định của các nước trong khu vực, tránh tạo ra tình hình bất hòa và căng thẳng giữa các nước khác".

Trên thực tế, ai đang tham lam vô độ và gây bất ổn ở Biển Đông thì đã quá rõ, cứ nhìn vào những sự việc như vụ giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 thì biết. Các nước ngoài khu vực mặc dù không có tranh chấp lãnh thổ, nhưng họ có nhiều lợi ích tại khu vực Biển Đông, trong đó có an ninh hàng hải, họ can dự là tất yếu.

Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản
Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản

Theo Wallace, tham vọng của Tokyo dường như không chỉ là muốn bảo vệ tự do hàng hải, việc giúp đỡ tăng cường năng lực giám sát hoạt động trên không, trên biển của khu vực này cho thấy họ sẵn sàng cùng Mỹ gánh vách một phần trách nhiệm an ninh tương đối nặng nề.

"Đây là thời cơ tốt để thúc đẩy tiến triển sửa đổi phương châm chỉ đạo của Mỹ-Nhật", trong thời điểm tròn 70 năm kết thúc chiến tranh Thái Bình Dương, hai bên sẽ củng cố thỏa thuận an ninh.

Vấn đề đằng sau đề nghị của sĩ quan chỉ huy Hạm đội 7 Mỹ Robert Thomas là sự khác biệt tồn tại trong nội bộ Mỹ-Nhật. Ở Mỹ, Lầu Năm Góc sử dụng sách lược "liều lĩnh", thông qua quốc phòng mạnh để tăng cường ảnh hưởng tới quan hệ với Nhật Bản. Ở Tokyo, Bộ Quốc phòng Nhật Bản thận trọng kêu gọi hai bên hợp tác đưa ra tuyên bố.

Nhà nghiên cứu cao cấp Smith thuộc Ủy ban quan hệ ngoại giao Washington cho rằng: "Tuy nhiên, cuối cùng, điều này sẽ do Nhật Bản và các nước Đông Nam Á nghiên cứu đầy đủ để đưa ra quyết định".

Ngoài địa-chính trị, trước khi điều máy bay hoặc tàu chiến đến Biển Đông, Nhật Bản sẽ buộc phải tăng cường năng lực, giành được sự hợp tác của các nước khác.

Smith cho rằng: "Có được căn cứ để hỗ trợ cho Nhật Bản tuần tra cũng phải được xem xét", "Nhật Bản cần tiếp tục bảo đảm phòng thủ quần đảo khổng lồ của mình. Điều quan trọng nhất là phải tăng cường năng lực an ninh trên biển".

Hạm đội Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản
Hạm đội Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản

Trong tương lai, điều này ở mức độ rất lớn tùy thuộc vào việc Trung Quốc có muốn kiềm chế tham vọng của họ hay không, gần đây, yêu sách chủ quyền đảo đá (vô lý, phi pháp của Trung Quốc) đã gây ra sự hoang mang cho Philippines và Việt Nam. Hiện nay, điều này xem ra không có khả năng lắm, sau khi tàu cảnh sát biển Trung Quốc đâm va 3 tàu cá Philippines gần đây, Trung Quốc rõ ràng đã bắt đầu tìm cách đoạt lấy lãnh thổ tranh chấp khác.

Smith cho rằng: "Cùng với sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, xung đột ở trên biển, đảo tranh chấp và khu vực xung quanh, cấp thiết cần xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp, nhưng Bắc Kinh vẫn không chấp nhận đề nghị xây dựng cơ chế liên quan".

"Nếu tiếp tục như vậy, các nước châu Á sẽ đơn phương hoặc hợp tác với những láng giềng có động cơ tương tự để bảo vệ lợi ích của mình".

Việt Dũng