Nga liên kết chặt chẽ hơn với Trung Quốc để đối phó với Âu, Mỹ?

16/04/2014 07:29
Đông Bình
(GDVN) - Theo Phó Thủ tướng Nga, hai bên hy vọng cuộc đàm phán cung ứng khí đốt đã kéo dài 10 năm hoàn thành trước khi ông Putin thăm Trung Quốc vào tháng 5 năm 2014.
Tổng thống Nga Vladimir Putin chuẩn bị thăm Trung Quốc (ảnh minh họa)
Tổng thống Nga Vladimir Putin chuẩn bị thăm Trung Quốc (ảnh minh họa)

Mạng quân sự sina Trung Quốc ngày 15 tháng 4 đăng bài viết nhan đề "Báo Mỹ: Nga bị phương Tây trừng phạt, liên kết chặt chẽ với Trung Quốc để đối phó".

Theo bài viết, đối mặt với mối đe dọa EU có thể tiếp tục trừng phạt Nga trong vấn đề Crimea, Tổng thống Nga Vladimir Putin lựa chọn gần gũi hơn với Trung Quốc, thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn thứ hai của Nga trên phương diện năng lượng như khí đốt.

Các nhân sĩ ngành tài chính Nga tích cực ủng hộ quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, doanh nghiệp nhà nước Nga cũng đã để ý đến trái phiếu dim sum (dim sum bonds), khai thác nguồn tài chính của Trung Quốc.

Hãng Interfax cho biết, Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich vào thứ hai cho biết, hai nước Trung Quốc và Nga đều hy vọng, làm cho cuộc đàm phán cung ứng khí đốt đã kéo dài 10 năm hoàn thành trước khi ông Putin thăm Trung Quốc vào tháng 5 năm 2014. Hai nước còn có kế hoạch tăng cường hợp tác trên phương diện cung ứng dầu mỏ và sản phảm dầu mỏ, than đá và điện.

Nguồn tin từ Bloomberg cho hay, cuộc khủng hoảng Ukraine đã làm tăng khả năng Trung-Nga ký kết thỏa thuận khí đốt vào tháng 5 tới, quan chức phụ trách liên lạc với nhà đầu tư của Gazprom nhận được lệnh, phải tìm kiếm nhiều cổ đông và tổ chức cho vay hơn từ châu Á và thị trường mới nổi khác.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Nga ngày 23 tháng 3 năm 2013 - chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông khi lên nắm quyền
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Nga ngày 23 tháng 3 năm 2013 - chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông khi lên nắm quyền

Tuần trước, trang mạng Thông tin phố Wall dẫn các nguồn tin cho biết, nhà sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới, công ty nhà nước Nga Gazprom đang cân nhắc phát hành trái phiếu nhân dân tệ. Khi Nga đối mặt với mối đe dọa tài chính do rủi ro địa-chính trị, trái phiếu nhân dân tệ ở nước ngoài như trái phiếu dim sum có thể đang gặp thời.

Số liệu của BofA Merrill cho biết, từ khi Nga tăng quân ở Crimea đến nay, tỷ lệ lợi nhuận trái phiếu kỳ hạn đến năm 2017 của tổ chức tài chính OAO Gazprombank thuộc Gazprom đã tăng 75 điểm. Tỷ lệ lợi nhuận bình quân của trái phiếu dim sum so với cùng kỳ đã giảm 5 điểm.

Công ty quản lý tài sản UralSib Asset Management cho rằng, tình hình bế tắc giữa Nga và Ukraine có nghĩa là Gazprom có thể sẽ không phải là doanh nghiệp nhà nước Nga cuối cùng tiếp nhận khuynh hướng của cấp cao Chính phủ Nga.

Giám đốc Alexey Korolenko, người giúp UralSib Asset Management quản lý khoảng 45 tỷ rúp (khoảng 1,3 tỷ USD) đánh giá Gazprom phát hành trái phiếu dim sum cho rằng: Điều này sẽ là tin tốt cho Trung Quốc.

Đây là một xu thế mới, là muốn tránh thị trường có thể tồn tại rủi ro trừng phạt. Cho nên, rất có thể sẽ không phải là trái phiếu nhân dân tệ duy nhất (của doanh nghiệp Nga).

Dầu khí - một công cụ chính trị hữu hiệu của Nga
Dầu khí - một công cụ chính trị hữu hiệu của Nga

Sau khi Nga và khu vực Crimea của Ukraine ký kết hiệp ước sáp nhập vào ngày 18 tháng 3, châu Âu và Mỹ mở rộng danh sách quan chức Nga bị trừng phạt công bố vào ngày 17, hủy bỏ Hội nghị thượng đỉnh G8, tạm thời trục xuất Nga ra khỏi nhóm G8, đồng thời đe dọa áp dụng nhiều hơn biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính.

Cuối tháng 3, hai doanh nghiệp nhà nước lớn của Nga là Gazprom và Rosneft Oil lần lượt đẩy nhanh bàn bạc thỏa thuận khổng lồ xuất khẩu dầu khí cho Trung Quốc và Ấn Độ.

Tổng thống Nga Putin đồng thời đề xuất, Nga có thể làm theo Trung Quốc và Nhật Bản, xây dựng hệ thống thanh toán quốc gia của mình, tìm cách giảm lệ thuộc kinh tế vào phương Tây.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Nga, chỉ sau EU, cũng là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc duy nhất không phụ họa phương Tây phê phán hành động quân sự của Nga ở Crimea. Nga đương nhiên có lý do "lôi kéo" Trung Quốc, "kết thành liên minh".

Cũng vào cuối tháng 3, tại Diễn đàn phát triển Trung Quốc lần thứ 15, nhà kinh tế hàng đầu Yevgeny Gavrilenkov của Sberbank  - ngân hàng thương mại nhà nước lớn nhất của Nga còn dự đoán rằng: "Đồng nhân dân tệ có thể trở thành đồng tiện dự trữ lớn trên thế giới trong tương lai".

Theo truyền thông, Nga đã quyết định bán hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Trung Quốc.
Theo truyền thông, Nga đã quyết định bán hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Trung Quốc.
Đông Bình