Quan chức Nga: Chiến tranh Trung-Mỹ chỉ còn là vấn đề thời gian

01/12/2014 09:11
Đông Bình
(GDVN) - Mặc dù Trung-Mỹ gần đây đạt được thỏa thuận về cơ chế lòng tin, nhưng chính điều đó phản ánh khả năng xung đột tiềm tàng giữa Trung-Mỹ, nhắc nhở hai bên...
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 11 tháng 11 năm 2014
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 11 tháng 11 năm 2014

Chiến tranh Trung-Mỹ chỉ là vấn đề thời gian

Tờ "Nhân Dân" Trung Quốc ngày 29 tháng 11 dẫn trang mạng Đài tiếng nói nước Nga đưa tin, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề quốc tế Duma Quốc gia Nga, Alexei Pushkov cho rằng, trong tương lai Trung-Mỹ có thể sẽ xảy ra xung đột quân sự.

Trong cuộc họp báo ở Moscow ngày 27 tháng 11, ông Alexei Pushkov nói: "Trên phương diện chính sách ngoại giao, Trung Quốc đưa ra ngày càng nhiều yêu cầu mang tính độc lập, ngày càng ít để ý tới Mỹ. Rất nhiều người cho rằng, trải qua một khoảng thời gian, giữa Trung-Mỹ sẽ bắt đầu đối đầu chính trị không thể tránh khỏi".

Ông cho rằng, sự thực các nhà lãnh đạo Trung-Mỹ ký kết thỏa thuận đề phòng xung đột quân sự ở Bắc Kinh "rất đáng để người ta thức tỉnh".

Theo Alexei Pushkov: "Điều này có nghĩa là, họ cho rằng, các cuộc xung đột như vậy là có thể. Quả thực, có khả năng xảy ra xung đột, bởi vì máy bay trinh sát Mỹ luôn quanh quẩn ở gần không phận Trung Quốc trên bầu trời Thái Bình Dương.

Hơn nữa, Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền đối với một số đảo ở khu vực này, những tuyên bố này đều nhằm vào đồng minh của Mỹ, ai biết tình hình sẽ phát triển như thế nào. Điều này đã có khả năng xảy ra xung đột".

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 11 tháng 11 năm 2014
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 11 tháng 11 năm 2014

Trung Quốc không minh bạch về quân sự

Trang mạng tạp chí “Chính sách ngoại giao” Mỹ vào giữa tháng 11 cũng có bài viết cho rằng, Washington và Bắc Kinh gần đây đạt được thỏa thuận quân sự là để tránh vô tình làm leo thang tình hình, cuối cùng dẫn đến cục diện làm trầm trọng hơn xung đột.

Bắc Kinh cho rằng, Mỹ tiến hành chuẩn bị cho khả năng xảy ra xung đột với Trung Quốc, vì vậy, Trung Quốc cũng đã chuẩn bị cho sự bất trắc này.

Quan hệ căng thẳng hai nước không chỉ do Bắc Kinh nhanh chóng mở rộng ngân sách quân sự hoặc Mỹ thúc đẩy thực hiện chiến lược “tái cân bằng”, tiếp tục đầu tư ngày càng nhiều nguồn lực quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương; mà vấn đề lớn nhất là sự không minh bạch của Trung Quốc.

Mặc dù quan chức Mỹ nhiều lần đề nghị, nhưng Bắc Kinh không sẵn sàng bàn về rất nhiều vấn đề quân sự quan trọng có thể giảm va chạm giữa hai bên, chẳng hạn quy mô và ý đồ tập kết lực lượng phản ứng nhanh của họ, sự phát triển công nghệ có thể làm suy yếu nghiêm trọng Hải quân Mỹ ở khu vực, sự tham gia của quân đội vào các cuộc tấn công mạng nhằm vào Mỹ. Hơn nữa, có lúc Bắc Kinh cắt đứt hoàn toàn trao đổi giữa quân đội hai nước như sau khi Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan vào năm 2010.

Dư luận Mỹ ngày càng không tin tưởng đối với Trung Quốc, thậm chí có chuyên gia đề nghị bố trí thủy lôi ở bờ biển Trung Quốc để phong tỏa các cảng chính của Trung Quốc và phá hủy đường dây thông tin trên biển của Trung Quốc; điều lực lượng đặc nhiệm vũ trang cho dân tộc thiểu số khu vực miền tây Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 11 tháng 11 năm 2014
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 11 tháng 11 năm 2014

Nhưng, Trung Quốc cũng đã có hành động tương tự. Chuyên gia Trung Quốc kêu gọi Bắc Kinh nâng cao số lượng và chất lượng vũ khí hạt nhân để thu hẹp khoảng cách giữa Trung Quốc với Nga và Mỹ. “Mô hình mới” quan hệ nước lớn do Trung Quốc đưa ra hầu như cũng đã loại bỏ khả năng đàm phán kiểm soát quân bị, yêu cầu Mỹ chấp nhận sự thực Trung Quốc trỗi dậy.

Cơ chế lòng tin quân sự không giải quyết triệt để vấn đề

Tờ “Tầm nhìn” Trung Quốc dẫn tờ “Điều tra toàn cầu” Canada ngày 13 tháng 11 cho rằng, từ khi lên cầm quyền, trước tiên, Barack Obama đã triển khai bao vây Trung Quốc về ngoại giao và quân sự, nhằm bảo vệ sự thống trị của Mỹ ở toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chiến lược “điểm tựa châu Á” của Mỹ chính thức công bố vào tháng 11 năm 2011.

Theo bài báo, Washington đã “đổ thêm dầu vào lửa” đối với tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, bao gồm tranh chấp nhóm đảo Senkaku giữa Trung-Nhật và tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông giữa Trung Quốc với một số nước Đông Nam Á.

Sau cuộc gặp giữa ông Barack Obama và Tập Cận Bình ở California vào tháng 6 năm 2013, một số khu vực tranh chấp đã xuất hiện một loạt sự kiện, những sự kiện này đều có khả năng gây ra xung đột quân sự khu vực và đe dọa sự ổn định khu vực, xung đột khu vực có thể leo thang thành chiến tranh trực tiếp giữa Trung-Mỹ.

Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương
Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương

Mỹ đang tích cực chuẩn bị về quân sự để chống lại lực lượng trỗi dậy ở châu Á, đã chuẩn bị triển khai 60% lực lượng không quân và hải quân ở châu Á để phục vụ cho chiến lược “tác chiến nhất thể trên không, trên biển” ở khu vực. Đây là một chiến lược dựa trên tấn công tên lửa, ném bom đường không và tiến hành phong tỏa trên biển đối với Trung Quốc.

Do xung đột Trung-Mỹ chỉ là vấn đề thời gian, cho nên Washington đã nhiều lần thúc giục Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe làm dịu tình hình căng thẳng với Bắc Kinh, theo đó, gần đây, “cuộc gặp thoáng qua” giữa lãnh đạo hai nước Trung-Nhật đã được tổ chức bên lề Hội nghị cấp cao APEC 2014.

Những xung đột tiềm tàng này buộc hai bên phải ký kết thỏa thuận về thông báo cho nhau các hành động quân sự quan trọng và bất ngờ gặp nhau trên biển, trên không ở vùng biển quốc tế.

Tờ “Nhật báo phố Wall” cho rằng: “Trước đây, nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn phản đối lý giải thỏa thuận đụng độ quân sự giữa Trung-Mỹ thành quan hệ thù địch giữa Mỹ và Liên Xô”.

Tuy nhiên, theo bài viết: “Trong 1 năm qua, hai bên nhận thức được họ không thể điều hòa sự giải thích khác nhau của hai bên đối với luật pháp quốc tế về các sự kiện trên biển, nhưng cũng không thể để các sự kiện bất ngờ của quân đội ảnh hưởng đến quan hệ tổng thể của hai nước”.

Theo bài báo, “cơ chế lòng tin” quân sự mới không giải quyết căn bản vấn đề đối đầu giữa hai bên trước sự hung hăng của Trung Quốc. Đạt được cơ chế này là kết quả Washington nhiều lần kêu gọi Trung Quốc tiến hành minh bạch hơn về quân sự. Lầu Năm Góc hy vọng hiểu sâu hơn về năng lực quân sự của đối thủ tiềm tàng.

Tập trận hải quân Vành đai Thái Bình Dương do Mỹ tổ chức, năm 2014 đã cho phép Trung Quốc tham gia
Tập trận hải quân Vành đai Thái Bình Dương do Mỹ tổ chức, năm 2014 đã cho phép Trung Quốc tham gia

Tại Bắc Kinh, Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ tái khẳng định sự kiên trì lâu dài của chính quyền Obama, Bắc Kinh cần hoàn toàn phục tùng khuôn khổ địa-chính trị và quân sự “Mỹ thống trị châu Á-Thái Bình Dương sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai”.

Bài học từ chiến tranh Triều Tiên

Trang mạng “Lợi ích quốc gia” Mỹ vào cuối tháng 10 cũng nhắc nhở cần ghi nhớ bài học từ chiến tranh Triều Tiên giữa Trung-Mỹ vào năm 1950, khi đó các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã khó hiểu được thông điệp từ Trung Quốc, không hiểu quan hệ phức tạp giữa Liên Xô-Trung Quốc-CHDCND Triều Tiên, hiểu nhầm đó là thể thống nhất không có bất đồng chính trị.

Về hành động quân sự, Mỹ hầu như không để ý tới sự cảnh báo xuất quân can thiệp của Trung Quốc, không thể hiểu được vai trò vùng đệm quan trọng của CHDCND Triều Tiên đối với Bắc Kinh và thực lực tổng thể của Quân đội Trung Quốc.

Về quân sự, hiện nay, tình hình chính trị, xã hội và khoa học kỹ thuật để xảy ra chiến tranh mặt đất quy mô lớn ở bán đảo Triều Tiên như trước đây không còn tồn tại. Mỹ đã quen giao chiến với các đối tượng giỏi “chiến tranh hỗn hợp”, nhưng mấy chục năm qua, Quân đội Trung Quốc đã lâu không tham chiến.

Đến nay, lực lượng mặt đất của Trung Quốc đang chuyển từ cơ giới hóa sang hậu cơ giới hóa, trong khi đó lực lượng không, hải quân đang hoàn thiện hệ thống tác chiến “chống can dự/ngăn chặn khu vực” rộng lớn nhất thế giới. Nếu tiếp tục xảy ra chiến tranh, Trung Quốc sẽ dùng phương thức chưa từng xảy ra trong chiến tranh Triều Tiên để thách thức quyền kiểm soát trên biển, trên không của Mỹ.

Mỹ tăng cường hiện diện quân sự trên Biển Đông
Mỹ tăng cường hiện diện quân sự trên Biển Đông

Bài học gây chú ý nhất và có ích nhất có lẽ liên quan đến kết cục chiến tranh vụng về. Sự trao đổi giữa Trung-Mỹ không thuận lợi, cộng với mối quan tâm của hai bên đối với uy tín của đối phương, thường để cho những vấn đề tương đối nhỏ bị phóng đại, làm cho chiến tranh lan tràn tới các lĩnh vực khác. Mỹ coi đó là chiến tranh đại diện càng làm cho vấn đề phức tạp hơn.

Trong bất cứ cuộc xung đột nào trong tương lai, thậm chí là khi sắp xuất hiện leo thang tình hình hoặc vấn đề chính trị có liên quan đến danh tiếng, Bắc Kinh đều có thể gây chú ý toàn diện của Mỹ.

Kinh nghiệm của chiến tranh Trung-Mỹ trước đây cần phải trở thành bài học sâu sắc cho các nhà hoạch định chính sách hai nước Trung-Mỹ. Chiến tranh Triều Tiên hoàn toàn không bất ngờ, sự tính toán nhầm và trao đổi không có hiệu quả làm cho cuộc chiến tranh vượt ranh giới cần thiết.

Đông Bình