Những ngày qua dư luận chưa khỏi bàng hoàng sau vụ tai nạn giữa tàu hỏa và xe tải Howo vào lúc 0h30’ ngày 24/5, tại nút gác chắn giao đường sắt và đường bộ Km 234+050, thuộc địa phận xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa.
Vụ tai nạn này đã khiến hai người tử vong là Nguyễn Xuân Đệ (Sinh năm 1985, Bắc Sơn, Ân Thi, Hưng Yên) và Nguyễn Thế Hùng (Sinh năm: 1976, Minh Tân, Hưng Hà, Thái Bình) và 11 người bị thương nặng.
Khi dư luận chưa hết bàng hoàng thì khoảng 17h ngày 26/5 hai tàu hàng lại đối đầu nhau tại huyện Núi Thành, Quảng Nam. Thời điểm này tàu hàng mang số hiệu SY2 lưu thông hướng Nam-Bắc bất ngờ tông vào tàu chở hàng khác số hiệu 2469 chạy hướng ngược lại.
Vụ tai nạn đã khiến thiệt hai toa tàu hư hỏng nặng. Một lần nữa đường sắt Bắc – Nam bị tê liệt.
Ngành đường sắt đang thiết lập kỷ lục buồn về tai nạn nhưng không ai từ chức để chịu trách nhiệm (Ảnh: TTXVN) |
Cùng vào thời điểm trên, một tàu hàng khác lại gặp sự cố trật bánh khỏi đường ray khiến 2 toa tàu bị đứt lật nghiêng khỏi đường ray. Mặc dù cũng không gây thiệt hại về người tuy nhiên một lần nữa sự cố này tiếp tục khiến nhiều chuyến tàu phải dừng lại.
Những vụ tai nạn đang được khắc phục thì ngày 13h05’ ngày 27/5, một chiếc xe tải cố vượt qua đường ngang dân sinh đoạn qua địa bàn xã Diễn An, huyện Diễn Châu, Nghệ An thì bất ngờ bị tàu hàng mang số hiệu SH3 lao đến tông phải.
Cú va chạm kinh hoàng khiến chiếc xe tải bị thổi bay khỏi đường ray, hư hỏng nặng. Rất may tài xế chỉ bị thương nhẹ. Phần đầu tàu cũng bị hư hỏng khá nặng.
Liên tiếp chỉ trong vài ngày 4 vụ tai nạn thảm khốc của ngành đường sắt đã khiến dư luận bàng hoàng, an toàn đường sắt hiện hành đã bị đặt câu hỏi lớn?
Ngày 28/5, trong cuộc họp khẩn để xem xét trách nhiệm khi để xảy ra tai nạn, với vai trò là người đứng đầu ngành Giao thông vận tải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể xin chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước, đồng thời gửi lời xin lỗi tới gia đình các nạn nhân trong những vụ tai nạn đường sắt vừa qua.
Thế nhưng, đến nay, người dân vẫn chưa thấy những trách nhiệm cụ thể của những người đứng đầu ngành đường sắt. (1)
Trước vụ việc nghiêm trọng như vậy không thấy ai đứng ra nhận trách nhiệm và từ chức.
Cũng trong những ngày gần đây, dư luận cả nước hồi hộp theo dõi phiên tòa xử bác sĩ Hoàng Công Lương, người được cho là sẽ phải nhận trách nhiệm trong vụ 9 nạn nhân chạy thận bị tử vong năm 2017.
Cuối cùng, Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án chạy thận khiến 9 người tử vong.
Dư luận vẫn đang hi vọng vào công lý sẽ đến với bác sĩ Hoàng Công Lương.
Trong quá trình theo dõi phiên tòa, dư luận không thấy được trách nhiệm của Lãnh đạo bệnh viện tỉnh Hòa Bình, Lãnh đạo Sở y tế Hòa Bình ở đâu… tất cả chỉ như đứng ngoài trước vòng xoáy của lao lý, tội lỗi. (2)
Trách nhiệm của lãnh đạo Sở y tế tỉnh Hòa Bình ở đâu trong vụ xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương? (Ảnh: TTXVN) |
Lâu nay, nhân dân vẫn đặt câu hỏi về văn hóa từ chức ở ta. Cũng đã nhiều lần có sự bàn luận và trong nghị trường, Quốc hội cũng đã có những đại biểu đặt câu hỏi về vấn đề đó.
Tuy nhiên, mọi thứ chỉ dừng lại ở mức đề cập vấn đề chứ chưa ai thực hiện. Văn hóa từ chức ở Việt Nam vẫn còn là vấn đề xa xỉ với mọi phẩm hàm.
Trong giáo dục, chúng ta vẫn nói nhiều về trách nhiệm, lòng tự trọng… cho học sinh phổ thông tuy nhiên có vẻ như không ai làm điều đó khi trở thành quan chức.
Trách nhiệm của cán bộ là trách nhiệm chính trị, với cương vị lãnh đạo, người cán bộ phải có trách nhiệm với nhân dân, nhà nước, Đảng…
Khi người lãnh đạo đó không có trách nhiệm với nhiệm vụ và sự kỳ vọng của nhân dân giao phó thì bất luận với lý do gì, việc lựa chọn giải pháp từ chức để bảo toàn uy tín, danh dự, nhân phẩm bản thân, là biểu hiện thái độ ứng xử văn hóa của người lãnh đạo.
Xưa nay, nhiều nhân sĩ như Chu Văn An, Nguyễn Công Trứ… những vị đã lưu danh sử sách vì dám từ chức, dám từ bỏ lợi ích cá nhân vì cảm thấy mình không đáp ứng được sự kỳ vọng của bách tính.
Ngày nay, ở nhiều quốc gia, không ít nhà chính trị cũng đã từ chức khi kết quả làm việc của họ không được như ý, hoặc khi có sự cố nào đó xảy ra trong lĩnh vực, ngành mà họ phụ trách.
Năm 2012, Bộ trưởng Bộ Giao thông Ai Cập đã từ chức sau tai nạn thảm khốc khiến 51 em nhỏ bị thiệt mạng.
Cũng trong năm này, Bộ trưởng bộ Giao thông vận tải Aghentina đã đệ đơn từ chức sau một tai nạn đường sắt khiến 51 người thiệt mạng.
Ở các nước như Anh, Nhật Bản... việc từ chức của các quan chức khi họ không đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân của cử tri, họ từ chức để bảo vệ danh dự, bảo vệ chính sự nghiệp chính trị của họ.
Thế nhưng những câu chuyện đó chỉ xảy ra trong chuyện xưa và chuyện thế giới bởi văn hóa từ chức ở Việt Nam ta hiện nay rất mờ nhạt.
Giáo sư, nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng đã từng cho biết: “Tôi biết có hai trường hợp vẫn được tín nhiệm nhưng xin từ chức đó là ông Nguyễn Kế Hào, Vụ trưởng vụ Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) và ông Lê Huy Ngọ (Bộ trưởng Bộ Ngông nghiệp và phát triển nông thôn).
Ở trường hợp của ông Hào, Vụ trưởng vụ Tiểu học, ông đang làm việc rất tốt nhưng xin từ chức vì kiến nghị của ông không được nghe.
Như vậy là không chỉ thế giới mới có từ chức, Việt Nam cũng có nhưng hơi hiếm”.
Từ chức có đồng nghĩa với về vườn (Ảnh minh họa: Ngọc Diệp) |
Gần đây cũng có sự tiến bộ hơn khi đã có những lời xin lỗi và mong chia sẻ từ phía nhân dân. Đó là lời xin lỗi của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải - ông Nguyễn Văn Thể hay Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận trách nhiệm trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 đang diễn ra. (3)
Những lời xin lỗi, nhận trách nhiệm đã được đưa ra nhưng nhân dân vẫn kỳ vọng nhiều hơn thế. Kỳ vọng vào những cá nhân chịu trách nhiệm và phải có hình thức xử lý.
Không có văn hóa từ chức đồng nghĩa với khí tiết của quan chức, cán bộ bị đặt câu hỏi lớn.
Văn hóa và đạo đức vốn là hai thành tố luôn gắn kết chặt chẽ không thể tách rời và khiếm khuyết về văn hóa cũng chính là biểu hiện khiếm khuyết về đạo đức.
Sự khiếm khuyết này cho thấy vấn đề đào tạo cán bộ của chúng ta còn thiếu những tiêu chí cơ bản lễ, nghĩa, liêm, sỉ.
Bởi vậy mới xuất hiện những cán bộ chây ỳ, chai lỳ trước phản ứng của dư luận, sự khiển trách, phê phán của cấp trên, bởi họ phải bấu víu lấy chức vụ và bổng lộc.
Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc đã từng phát biểu trên kênh ANTV rằng: “Ở ta thì chỉ có chức mới có quyền, và có quyền mới có lợi. Những điều đó dẫn đến những mặt trái của xã hội như mua quan, bán chức… cửa quyền, quan liêu.
Bản thân việc từ chức trở nên hiếm bởi vì nó là sinh kế. Bên cạnh đó, hệ giá trị của chúng ta vẫn coi chuyện từ chức như một cái gì đó xấu. Xã hội cũng vậy, đó là chưa nói việc đó sẽ mất đi rất nhiều quyền lợi. Chính vì vậy nó hiếm là vì thế”.
Còn bà Nguyễn Thị Bích Ngà, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đã từng phát biểu rằng có nhiều cán bộ cấp cao tham nhũng "nhưng không thấy ngượng". (4)
Muốn có văn hóa từ chức, phải bắt đầu từ việc xây dựng một nền hành chính dịch vụ mà ở đó, người quản lý làm nhiệm vụ phục vụ người dân chứ không phải là sự quản lý cai trị.
Cần xây dựng hệ giá trị cho cán bộ Đảng viên, quan chức, trước hết là bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm và sự tận tụy phục vụ nhân dân.
Sau đó là trình độ học vấn, hiểu biết chuyên sâu… Sở dĩ, các lãnh đạo chính khách của phương Tây, họ sẵn sàng từ trức rút khỏi chính trường là họ có thể làm một việc khác bằng chính khả năng của mình.
Còn ở ta, việc từ chức, rút khỏi vị trí gần như đồng nghĩa với chấm dứt sự nghiệp và chỉ còn.. .về vườn.
Hai từ về vườn khiến nhiều người không dám từ chức dù áp lực từ dư luận là rất lớn.
* Tài liệu tham khảo:
1. https://vov.vn/xa-hoi/ky-luc-buon-cua-duong-sat-viet-nam-trong-4-ngay-xay-ra-5-vu-tai-nan-767678.vov
2. https://vov.vn/vu-an/xet-xu-vu-chay-than-o-hoa-binhtoa-tuyen-tra-ho-so-de-dieu-tra-bo-sung-770549.vov
3. https://laodong.vn/giao-duc/bo-truong-phung-xuan-nha-nhan-trach-nhiem-truoc-quoc-hoi-ve-viec-giao-vien-bao-hanh-hoc-sinh-611348.ldo
4. http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/co-lanh-dao-dau-tinh-qua-tro-toi-tung-noi-thang-3349320/
5. http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Lanh-dao-duong-sat-Viet-Nam-noi-gi-khi-nhan-duoc-de-nghi-tu-chuc-post186858.gd