Vết ố bất thường trên áo nạn nhân tố cáo kẻ thủ ác

09/01/2012 07:54
Văn Hương/Hôn nhân & Pháp luật
Uất ức vì hai mẹ con bị "loại" ra ngoài số tài sản thừa kế, bà Chinh đã mâu thuẫn gay gắt với anh Nhường và nảy sinh ý định giết con riêng của chồng để trả thù.
Vụ án anh Nguyễn Văn Nhường (sinh năm 1975, trú tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) bị mẹ kế thuê người giết chết ở Sóc Sơn năm 2010 đã gây xôn xao dư luận. Bởi tính chất vụ án rất tàn độc và là vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng khi lần đầu tiên ở Hà Nội xuất hiện thủ đoạn giết người tinh vi bằng độc tố, khiến việc điều tra của công an cực kỳ khó khăn. Nhưng rồi, chỉ sau 20 ngày, thủ phạm của vụ án đã được làm rõ. Đây là vụ án mà vai trò của lực lượng kỹ thuật hình sự (KTHS) – Công an TP.Hà Nội là rất lớn trong việc tìm ra đối tượng, nhờ việc phân tích mẫu máu, xác định hóa chất mà nạn nhân bị đầu độc, cùng với sự thông minh, mưu trí và tận tụy của lực lượng công an các địa phương.

Vết ố lạ trên áo nạn nhân

Ngày 24/8/2010, một người dân tình cờ phát hiện xác người đàn ông nằm bên vệ đường ở dốc Dây Diều (Sóc Sơn, Hà Nội). Thông tin lập tức được báo cho cơ quan điều tra và lực lượng Công an xã nhanh chóng bảo vệ hiện trường. Khi các CBCS Công an Hà Nội có mặt, hiện trường vẫn được giữ nguyên, là cơ sở rất tốt cho việc thu thập tài liệu, chứng cứ. Nạn nhân nằm trên cỏ, tay trái giang rộng, một chiếc giày da nâu nằm bên người nạn nhân và trên vạt áo sơ mi trắng kẻ nhỏ màu xanh nhạt và cả trên da bụng có dính chất màu nâu vàng. Các cán bộ Phòng KTHS nhanh chóng bắt tay vào khám nghiệm và nhận thấy trên người nạn nhân có nhiều thương tích. Từ tấm thẻ cán bộ Ngân hàng Techcombank đeo trên cổ nạn nhân, công an nhanh chóng xác định được đó là anh Nguyễn Văn Nhường – cán bộ phòng Pháp chế và Kiểm soát tuân thủ - Ngân hàng Techcombank tại Hà Nội.

Lúc này, báo chí cũng vào cuộc, liên tục cập nhật thông tin về vụ án tưởng như không có manh mối này, khiến dư luận hết sức hoang mang. Điều đó đã tạo nên áp lực lớn cho cơ quan điều tra phải nhanh chóng tìm ra thủ phạm, ổn định dư luận xã hội. Ngày 31/8/2010, cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an huyện Sóc Sơn đã quyết định khởi tố vụ án hình sự và ngày 6/9/2010, Công an TP. Hà Nội cũng thành lập Ban chuyên án với bí số 191 P.

Việc rất quan trọng là phải xác định được thời gian nạn nhân đã nằm đó khi nào và nạn nhân chết từ bao giờ thì mới có thể xác định được thời điểm nạn nhân bị tấn công, cũng như nguyên nhân tử vong. Thực tế khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi cho thấy, những vết thương trên người nạn nhân không đủ để gây tử vong, vì chỉ là các vết xước da nông và mất một phần dái tai phải, cùng với một vòng tròn nhỏ trên cổ tay trái có tụ máu, có thể là vết hằn của chiếc đồng hồ, cho thấy trước khi nạn nhân chết đã có sự giằng co, chống cự. Tuy nhiên, quá trình thu thập dấu vết tại hiện trường, các cán bộ của Phòng KTHS đặc biệt chú ý đến vết ố màu nâu vàng ở trên áo và vùng bụng trái nạn nhân. Bởi đây không phải là vết máu khô, cũng không phải vết bẩn thông thường. Ban đầu, các anh cho rằng đó là màu do chiếc giày trên bụng nạn nhân phai ra, song, dù tìm mọi cách để lau thì vùng da đó vẫn không sạch. Thế là, các anh bắt tay vào tìm hiểu xem đó là chất gì. Với những người cán bộ KTHS giàu kinh nghiệm, những dấu vết khó lý giải tại hiện trường nhiều khi lại chính là đầu mối của vụ án.

Với linh cảm nghề nghiệp, các cán bộ KTHS thấy rằng vết màu đó là một vật chứng quan trọng, nên đã quyết định tổ chức mổ tử thi để xét nghiệm, tìm nguyên nhân tử vong của nạn nhân. Tuy nhiên, việc mổ tử thi gặp phải sự cản trở khá gay gắt của mẹ kế nạn nhân là bà Nguyễn Thị Chinh (43 tuổi, trú tại phường Phú Xá, thành phố Thái Nguyên). Song, bằng kinh nghiệm thực tế, các CBCS Phòng KTHS hiểu rằng để làm rõ nguyên nhân cái chết trong trường hợp này, không thể không mổ tử thi, nên đã gửi yêu cầu giám định cho Viện Pháp y Quốc gia.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Quyền – Trưởng phòng KTHS – Công an TP. Hà Nội – thì khi mổ tử thi, điều khiến các cán bộ khám nghiệm rất ngạc nhiên là dạ dày không hề bị xung huyết, mà đây vốn là dấu hiệu thông thường có độc tố trong người nạn nhân. Vậy là chỉ còn lại đầu mối duy nhất là xét nghiệm mẫu máu. Những giây phút chờ đợi kết quả xét nghiệm máu là thời khắc các CBCS Phòng KTHS hết sức sốt ruột. Bởi mổ tử thi đã là biện pháp cuối cùng để xác định nguyên nhân tử vong. Mà trong vụ án này, nếu không tìm được nguyên nhân thì dường như không thể tìm ra thủ phạm. Nhưng cơ quan điều tra đã hết sức bất ngờ khi kết quả xét nghiệm cho thấy có chất Cyanid trong máu nạn nhân, điều này trái với logic thông thường khi mà dạ dày lại không bị tổn thương. Lại tìm hiểu nguyên nhân để làm rõ sự bất thường này, thì ra, chất Cyanid cực độc nên có tác động ngay lập tức, chỉ trong 10 đến 15 giây, vì thế, nạn nhân uống chưa kịp xuống đến dạ dày đã bị chết. Vết ố vàng trên bụng nạn nhân cũng chính là hóa chất này.

 Mối thù về tiền bạc

Xác định được nguyên nhân cái chết, cơ quan điều tra cũng xác định ngay được vụ giết người là do thù tức cá nhân, vì tài sản mang trên người của anh Nhường vẫn còn nguyên vẹn. Ban chuyên án cũng nhận định vụ án phải có kẻ chủ mưu, còn thực hiện là một nhóm người. Các trinh sát lập tức tiến hành điều tra xem ở đâu lưu giữ loại độc dược này và ai là người có thể tiếp cận được loại hóa chất đó. Toàn bộ các mối quan hệ của nạn nhân với người xung quanh được rà soát, để tìm xem ai là người có thể thù oán đến mức gây ra cái chết đó. Vì nạn nhân là người vừa ly hôn, nên các mối quan hệ tình cảm riêng tư cũng được xác minh cặn kẽ. Mối quan hệ của những người có cạnh tranh về kinh tế, có khả năng mâu thuẫn với nạn nhân đều được đưa vào tầm ngắm.

Trong gia đình từng có mâu thuẫn gay gắt trong việc chia thừa kế giữa bà mẹ kế Nguyễn Thị Chinh với con chồng, nên bà Chinh cũng là một trong các đối tượng tình nghi của cơ quan điều tra. Thượng tá Đào Thanh Hải – Phó trưởng Phòng CSĐT  tội phạm về TTXH – Công an TP. Hà Nội – cho biết: Ban đầu, khi cơ quan công an đặt vấn đề nghi vấn Nguyễn Thị Chinh, những người trong gia đình anh Nhường đều không tin bà Chinh có thể đang tâm giết con chồng. Hơn nữa, mọi người cho rằng, mâu thuẫn giữa anh Nhường với bà Chinh đã được giải quyết mấy hôm trước và anh Nhường cũng đã xin lỗi bà Chinh. Thậm chí, ngay sau khi anh Nhường bị sát hại, Nguyễn Thị Chinh còn khóc lóc vật vã, tỏ ra là một người mẹ rất xót con. Chinh cũng là người sốt sắng và chu đáo nhất trong gia đình thực hiện việc ma chay cho anh Nhường. Sau khi anh Nhường đã mồ yên mả đẹp, Chinh còn dọn về nhà anh Nhường ở TP. Thái Nguyên để tự tay hương khói cho con chồng, bày tỏ sự đau khổ trước cái chết của nạn nhân. Vì thế, gia đình anh Nhường tuyệt đối không mảy may hoài nghi sự độc ác của bà Chinh. Do đó, bà Chinh từng được gạt ra khỏi những đối tượng tình nghi của công an.

Lúc này, Ban chuyên án xác định, chỉ có sớm tìm ra kẻ trực tiếp thực hiện việc sát hại anh Nhường mới có thể lật mặt được kẻ chủ mưu. Vì thế, một mặt tiếp tục xác định mâu thuẫn từ các mối quan hệ của nạn nhân, mặt khác, các trinh sát ráo riết sàng lọc ,xác minh các ổ nhóm đối tượng thường hoạt động đâm thuê, chém mướn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Nhờ sự lên tiếng của báo chí, một người lái taxi tên là Vũ Trí Hạnh đã biết được thông tin về vụ án và đến trình báo về việc anh chính là người đã lái chiếc taxi chở nhóm người bắt cóc anh Nhường và ép anh uống thuốc độc dẫn đến chết. Với sự hỗ trợ của người tài xế, lực lượng trinh sát đã dựng lên chân dung của ổ nhóm nghi vấn do Nguyễn Duy Niêm cầm đầu – Kẻ vốn đang liên quan đến một vụ bắt giữ người trái pháp luật và cướp tài sản tại Đông Anh (Hà Nội). Việc bắt Nguyễn Duy Niêm nhanh chóng được Công an tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện khi hắn đang đánh bạc tại khách sạn Phú Hưng (Vĩnh Phúc). Công an Hà Nội lập tức có mặt để tiến hành đấu tranh, khai thác hắn.

Từ đây, 7 tên đồng phạm khác trong vụ giết người lần lượt sa lưới. Thế nhưng, nghĩ rằng kịch bản do mình đạo diễn đã hết sức hoàn hảo, nên khi thấy công an đến bắt, Nguyễn Thị Chinh còn cười khẩy, thách đố lực lượng điều tra tìm ra chứng cứ! Nhưng với những dấu vết, chứng cứ, tài liệu thu thập tại hiện trường vụ án cùng công tác khám nghiệm, kết hợp với công tác điều tra xét hỏi, cơ quan điều tra đã chứng minh được đầy đủ hành vi phạm tội, buộc Nguyễn Thị Chinh phải khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Câu chuyện đau lòng bắt đầu từ chuyện chia thừa kế trong gia đình Nguyễn Thị Chinh. Năm 1989, sau khi vợ chết, ông Nguyễn Văn Nhuận – bố đẻ nạn nhân Nguyễn Văn Nhường – đã tái hôn với bà Nguyễn Thị Chinh và có một con gái chung. Đến tháng 3/2007, ông Nhuận mất. Tuy nhiên, bản di chúc của ông Nhuận do anh Nhường lập giúp bố lại chỉ chia tài sản cho ba người con ông với người vợ trước, vì khẳng định đó là tài sản riêng có trước khi ông Nhuận lấy bà Chinh. Do đó, sau khi ông Nhuận qua đời, bà Chinh và con gái buộc phải dời đi chỗ khác.

Uất ức vì hai mẹ con bị “loại” ra ngoài số tài sản thừa kế, bà Chinh đã mâu thuẫn gay gắt với anh Nhường. Đó chính là nguyên nhân khiến bà Chinh đã nảy sinh ý định giết anh Nhường để trả thù. Chinh đã bỏ ra 150 triệu đồng để thuê Nguyễn Sĩ Bắc giết con chồng, đồng thời, đưa ảnh, số máy của anh Nhường cho đối tượng nhận diện. Vì tiền, Các tên Dương Quang Thái, Đặng Anh Cương, Bùi Văn Ninh, Nguyễn Duy Niêm, Lê Nguyên Trưởng, Trần Quốc Việt và Nguyễn Trọng Minh đã trở thành những kẻ thực hiện ý đồ tội ác của bà mẹ kế, khi chúng ép anh Nhường lên một chiếc taxi, đến khu vực Sóc Sơn rồi đổ hóa chất vào miệng anh và vứt xác xuống vệ đường. Kế hoạch tưởng hoàn hảo của Nguyễn Thị Chinh đã bị lực lượng công an nhanh chóng khám phá bằng sự mưu trí, thông minh và tận tụy.

Trong phiên xử của TAND TP. Hà Nội vào cuối tháng 5/2011, Nguyễn Thị Chinh và đồng phạm đã bị kết tội giết người. Do còn nuôi con nhỏ dưới 3 tuổi, Chinh đã được hưởng mức án chung thân cùng với Nguyễn Duy Niêm và Đặng Anh Cương. 5 bị cáo khác cùng bị chịu các mức án từ 12 – 18,5 năm tù và một bị cáo bị phạt 18 tháng tù treo về tội không tố giác tội phạm.

Văn Hương/Hôn nhân & Pháp luật