B-52 Mỹ áp sát đá Châu Viên chỉ 2 hải lý

19/12/2015 10:09
Hồng Thủy
(GDVN) - Lầu Năm Góc đã không có kế hoạch điều động B-52 đi vào 12 hải lý ở Châu Viên tuần này để thực hiện quyền tự do đi lại theo UNCLOS.

The Wall Street Journal ngày 18/12 đưa tin, một chiếc máy bay ném bom B-52 của Mỹ trong khi thực hiện nhiệm vụ thường xuyên trên Biển Đông đã "vô tình" bay vào phạm vi 2 hải lý tính từ đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp, xây dựng bất hợp pháp ở đá Châu Viên, Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).

B-52 Hoa Kỳ, ảnh minh họa.
B-52 Hoa Kỳ, ảnh minh họa.

Giới chức Lầu Năm Góc nói với The Wall Street Journal, họ đang điều tra lý do tại sao một trong hai chiếc B-52 lại bay gần Châu Viên hơn so với kê hoạch bay ban đầu. Một quan chức quốc phòng Mỹ giải thích rằng, thời tiết xấu đã góp phần khiến chiếc B-52 này phải điều chỉnh đường bay đi vào khu vực tranh chấp.

Theo CNN ngày 19/12, Thôi Thiên Khải - Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ đã khiếu nại chính thức với Bộ Ngoại giao Mỹ. Đại diện đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh cũng nhận được yêu cầu của nước sở tại về việc Lầu Năm Góc phải xem xét vấn đề.

Ngày 27/10 tàu khu trục USS Lassen đã tiến hành tuần tra trong vòng 12 hải lý quanh đá Xu Bi. Trong tháng 11, hai chiếc B-52 cũng bay gần các đảo nhân tạo ở Trường Sa nhưng không tiến vào phạm vi 12 hải lý. Không giống như các cuộc tuần tra trước, chuyến bay của B-52 trong tuần này đã không được lên kế hoạch trước, theo Lầu Năm Góc.

Bill Urban, người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết chuyên bay của B-52 Mỹ trên Biển Đông tuần này không có kế hoạch tiến vào 12 hải lý các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi lấp. Lầu Năm Góc đang xem xét các kháng nghị của Bắc Kinh.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng, cả 2 chiếc B-52 Mỹ đã bay vào "vùng trời xung quanh các đảo và các rặng san hô liên quan mà không được phép hôm 10/12", tuy nhiên Lầu Bát Nhất không công bố chi tiết chính xác khu vực nào. Bắc Kinh gọi hành động này của Mỹ là "khiêu khích quân sự nghiêm trọng".

The Wall Street Journal nhận định, đây là sự cố ngoại giao khó xử đối với Nhà Trắng vốn đang cố gắng duy trì mối quan hệ ổn định với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Trong khi đó chính quyền Tổng thống Obama cũng đang phải đối mặt với áp lực từ các đồng minh, đối tác ở châu Á cũng như Lầu Năm Góc và Quốc hội Mỹ về cam kết đẩy lùi hành động bành trướng của Bắc Kinh gần đây trên Biển Đông.

Đảo nhân tạo và các công trình quân sự Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên đá Châu Viên, Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam. Ảnh: The Telegraph.
Đảo nhân tạo và các công trình quân sự Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên đá Châu Viên, Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam. Ảnh: The Telegraph.

Đá Châu Viên đã bị Trung Quốc bồi đắp, xây dựng thành đảo nhân tạo bất hợp pháp từ giữa năm 2014, đến nay diện tích đã lên tới 230 ngàn mét vuông. Trên đảo nhân tạo, Trung Quốc xây dựng 2 sân đỗ trực thăng, ụ súng, trận địa tên lửa và 2 tháp ra đa, theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington.

Nhiều chuyên gia pháp lý về Luật Biển cho rằng Châu Viên là một đảo đá (rock) chứ không phải một rặng san hô hay bãi cạn lúc nổi lúc chìm. Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), đảo tự nhiên (island) và đảo đá (rock) có lãnh hải 12 hải lý, trong khi rặng san hô và bãi cạn lúc nổi lúc chìm không có quy chế này.

Do đó Bill Urban nhấn mạnh, Lầu Năm Góc đã không có kế hoạch điều động B-52 đi vào 12 hải lý ở Châu Viên tuần này để thực hiện quyền tự do đi lại theo UNCLOS, thách thức những yêu sách lãnh hải 12 hải lý cho các thực thể không đủ điều kiện hưởng quy chế này.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc cũng cho biết, lực lượng quân sự Trung Quốc đóng ở Châu Viên đã cảnh báo máy bay Mỹ, nhưng không có dấu hiệu cho thấy máy bay phản lực quân sự Trung Quốc cất cánh. Ông từ chối xác nhận có hay không bất kỳ biện pháp kỹ thuật nào đã được thực hiện khi B-52 di chuyển sát Châu Viên.

Mỹ tiến hành các chuyến bay thường xuyên của B-52 qua Biển Đông, cất cánh từ căn cứ không quân Andersen ở Guam trong chương trình thể hiện sự hiện diện liên tục của máy bay ném bom, bắt đầu từ năm 2004 để chứng minh cam kết của Mỹ đảm bảo an ninh khu vực.

Hồng Thủy