Báo Nhật, Hồng Kông nói gì về ông Tập Cận Bình dự kiến thăm Việt Nam?

09/10/2015 06:33
Hồng Thủy
(GDVN) - Nguồn tin trong giới ngoại giao Nhật tiết lộ, Chủ tịch nước Trung Quốc ông Tập Cận Bình sẽ sang thăm chính thức Việt Nam từ ngày 9 đến ngày 11 tháng 11 tới.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Bắc Kinh tháng 4/2015. Ảnh: Tân Hoa Xã/SCMP.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Bắc Kinh tháng 4/2015. Ảnh: Tân Hoa Xã/SCMP.

Hãng thông tấn Kyodo News ngày 7/10 dẫn nguồn tin trong giới ngoại giao Nhật tiết lộ, Chủ tịch nước Trung Quốc ông Tập Cận Bình sẽ sang thăm chính thức Việt Nam từ ngày 9 đến ngày 11 tháng 11 tới. Kyodo News bình luận, Việt Nam và Trung Quốc là 2 nước láng giềng có mối liên hệ chặt chẽ về lịch sử và kinh tế, nhưng cũng đang có mâu thuẫn đối kháng về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Theo một số nhà phân tích, việc Việt Nam tăng cường hợp tác với Mỹ, Nhật Bản là một trong những mối quan tâm của Bắc Kinh. Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, ông Tập Cận Bình sẽ củng cố quan hệ Việt - Trung, thậm chí có người cho rằng Trung Quốc còn muốn kiềm chế quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Nguyên thủ tiền nhiệm của ông Bình, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã sang thăm chính thức Việt Nam năm 2006. Ông Tập Cận Bình cũng từng sang thăm Việt Nam năm 2011 trên cương vị Phó Chủ tịch nước. Trung Quốc (nhảy vào) tranh chấp chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (của Việt Nam). Năm 2014 nước này đã gây ra cuộc khủng hoảng giàn khoan 981 làm quan hệ Việt - Trung xấu đi nhanh chóng.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sớm bản tiếng Hán xuất bản tại Hồng Kông ngày 8/10 bình luận, chuyến thăm Việt Nam lần này của ông Tập Cận Bình là nhằm củng cố quan hệ hai nước và kiềm chế xu hướng Việt Nam tăng cường hợp tác với Mỹ - Nhật do những căng thẳng trên Biển Đông.

Trong chuyến thăm Trung Quốc tháng Tư năm nay của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngoài hội đàm với ông Tập Cận Bình, phía Trung Quốc còn bố trí các cuộc hội kiến giữa Tổng bí thư với các ông Lý Khắc Cường - Thủ tướng, Trương Đức Giang - Chủ tịch Quốc hội và Du Chính Thanh - Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc.

Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc sau chuyến thăm của Tổng bí thư khẳng định, hai nước nỗ lực tìm kiếm điểm chung, gác lại bất đồng, quản lý khác biệt, tăng cường tin cậy lẫn nhau và không làm phức tạp tình hình, tuân thủ thỏa thuận nguyên tắc cơ bản giải quyết các vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, thực hiện nghiêm túc DOC, cùng thúc đẩy tiến tới sớm ký kết COC, duy trì đại cục quan hệ Việt - Trung cũng như Biển Đông hòa bình, ổn định.

Trong chuyến thăm Mỹ tháng 7 và thăm Nhật Bản tháng 9, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã trao đổi với Tổng thống Obama và Thủ tướng Shinzo Abe về tình hình Biển Đông. Việt Nam, Hoa Kỳ và Nhật Bản nhấn mạnh mối lo ngại các diễn biến gần đây trên Biển Đông đi ngược lại luật pháp quốc tế. Mọi tranh chấp cần phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Ngoài ra, trong chuyến công du Hoa Kỳ và Nhật Bản của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, thúc đẩy đàm phán hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP cũng là một nội dung chính.

Hồng Thủy