"Đã đến lúc Mỹ kết thúc lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam"

19/09/2014 06:45
Hồng Thủy
(GDVN) - Paul J. Leaf cho rằng Việt Nam có thể là một lực lượng mạnh mẽ cân bằng ảnh hưởng và chống lại (sự bành trướng) của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Việc nới lỏng/dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam được Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain ủng hộ và thúc đẩy. Trong chuyến thăm Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey cũng đã đề cập đến việc này. Ảnh: Defense News.
Việc nới lỏng/dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam được Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain ủng hộ và thúc đẩy. Trong chuyến thăm Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey cũng đã đề cập đến việc này. Ảnh: Defense News.

Paul J. Leaf, một nhà bình luận về chính sách đối ngoại và quốc phòng, một luật sư từ một công ty luật quốc tế ngày 18/9 bình luận trên tờ The Diplomat, đã đến lúc Mỹ kết thúc lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam nếu như Washington thực sự muốn ngăn chặn Trung Quốc bành trướng, gây hấn và xâm lược trên Biển Đông.

Trong bối cảnh Mỹ phải cắt giảm ngân sách quân sự và đối mặt với những cuộc khủng hoảng mới sâu sắc trên phạm vi toàn cầu, Washington cần đối tác mạnh mẽ đặc biệt ở châu Á, nơi thường xuyên chứng kiến sự xâm nhập của Trung Quốc đe dọa hiện trạng các vùng biển. Do đó Mỹ nên kết thúc lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Năm 1984 Mỹ đã áp đặt một lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam với lý do "nhân quyền", tới năm 2007 chính quyền Bush đã nới lỏng lệnh cấm, cho phép xuất khẩu một số mặt hàng quốc phòng không sát thương sang Việt Nam.

Tuy nhiên, môi trường an ninh đang thay đổi yêu cầu Mỹ xem xét lại lệnh cấm vũ khí của mình đối với Việt Nam. Mỹ vừa phải cắt giảm ngân sách quân sự, đồng thời lại vừa bị kéo vào các cuộc xung đột mới ở Trung Đông và Đông Âu nên cần phải có đối tác đủ mạnh đối phó với sự gia tăng của mối uy hiếp từ Trung Quốc.

Trung Quốc đã trở thành mối đe dọa ngày càng tăng với ngân sách quân sự lớn thứ 2 thế giới, gần như vượt qua tổng ngân sách quốc phòng 24 nước ở Đông và Nam Á cộng lại. Bắc Kinh đã sử dụng nguồn quỹ này để trang bị một kho vũ khí ấn tượng và ngăn cản Mỹ truy cập vào các vùng biển, vùng trời xung quanh.

Tự tin vào sức mạnh quân sự của mình và cho rằng Mỹ khó có khả năng can thiệp, Bắc Kinh đã đẩy mạnh thực hiện tuyên bố chủ quyền (vô lý và phi pháp) trên Biển Đông và Hoa Đông.

Hành động của Trung Quốc đối với Việt Nam trong năm nay đã cho thấy rõ điều này. Tháng 1/2014 Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá (trái phép) trong phạm vi 90% diện tích Biển Đông. Từ tháng 5 đến giữa tháng 7 Trung Quốc hạ đặt (bất hợp pháp) giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam được công nhận bởi luật pháp quốc tế.

Trung Quốc ngang nhiên bất chấp luật pháp quốc tế kéo giàn khoan 981 với hạm đội tàu hộ tống hùng hậu xâm phạm và hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam đã gây ra cuộc khủng hoảng mới trên Biển Đông.
Trung Quốc ngang nhiên bất chấp luật pháp quốc tế kéo giàn khoan 981 với hạm đội tàu hộ tống hùng hậu xâm phạm và hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam đã gây ra cuộc khủng hoảng mới trên Biển Đông.

Trong thời gian này lực lượng tàu hộ tống Trung Quốc bao gồm cả tàu quân sự đã liên tục đâm va, cản trở hoạt động của các tàu thực thi pháp luật Việt Nam, đâm chìm tàu cá Việt Nam. Tháng trước Trung Quốc ngang nhiên công bố kế hoạch xây dựng 5 ngọn hải đăng (trái phép) ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ngay tuần trước, Trung Quốc quấy rối tàu cá và đánh đập ngư dân Việt Nam đánh bắt hợp pháp ở Hoàng Sa.

Paul J. Leaf cho rằng Việt Nam có thể là một lực lượng mạnh mẽ cân bằng ảnh hưởng và chống lại (sự bành trướng) của Bắc Kinh ở Biển Đông. Việt Nam có dân số lớn thứ 13 thế giới và lực lượng thực hiện nghĩa vụ quân sự lớn thứ 11 đang hoạt động. Chi tiêu quân sự của Việt Nam đã tăng 130% từ năm 2003 đến 2012 và tập trung chủ yếu vào hiện đại hóa Hải quân, Không quân.

Mặt khác vị trí của Việt Nam có giá trị chiến lược ở Biển Đông và hiện đang gặp khó khăn để đối phó với Trung Quốc đang bành trướng trên biển, đặc biệt qua vụ giàn khoan 981 vừa rồi.

Tuy nhiên, trước những phản ứng yếu ớt của Washington với đồng minh Philippines trong vụ Trung Quốc thôn tính bãi cạn Scarborough năm 2012, Việt Nam đã phải đặt câu hỏi liệu Mỹ có thực sự giúp mình đối phó với (sự bành trướng, xâm lược của) Trung Quốc. Vì vậy trừ phi Trung Quốc có hành động gia tăng thù địch, Việt Nam có khả năng sẽ tìm kiếm các cân bằng trung gian giữa Mỹ và Trung Quốc, học giả này bình luận.

Mặc dù vậy bằng cách kết thúc lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, Mỹ có thể giúp Việt Nam tăng cường khả năng phòng thủ và chống lại hiệu quả sự hung hăng gây hấn của Bắc Kinh, làm gần gũi hơn quan hệ đối tác Mỹ - Việt. Việt Nam sẽ có khả năng tốt hơn để chống lại sự xâm nhập của Trung Quốc nếu Mỹ tăng cường giám sát, thực thi luật pháp quốc tế về hàng hải và năng lực hải quân bất đối xứng ở Biển Đông.

Paul J. Leaf nhận định, Mỹ có thể giúp Việt Nam hiện đại hóa quốc phòng hiệu quả hơn Nga vì công nghệ tiên tiến, giá cả ưu đãi hơn và ít có khả năng vấp phải cản trở từ Trung Quốc hơn. Khi đã thực hiện điều này, hợp tác quân sự Mỹ - Việt sẽ gia tăng, Mỹ sẽ đào tạo cho lực lượng vũ trang Việt Nam sử dụng các thiết bị và có khả năng xây dựng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam để vận hành chúng.

Hợp tác, xây dựng trên những động lực này, cuối cùng Việt Nam có thể thực hiện các bài huấn luyện chiến đấu chung với Mỹ hoặc các đối tác và Mỹ sẽ tăng cường các chuyến thăm, tiếp cận căn cứ quân sự của Việt Nam hàng năm.

Hồng Thủy