LTS: Tiến sĩ Trần Công Trục, một nhà nghiên cứu dày dạn về biên giới lãnh thổ và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết mới nhất của ông xung quanh vấn đề tuyên truyền sao cho hiệu quả về các quyền, lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông.
Tòa soạn xin giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết này, trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Trần Công Trục!
Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Báo Thanh niên ngày 20/7 đưa tin, cùng ngày Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Báo Thanh Niên tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng thông tin, tuyên truyền đối ngoại về chủ quyền biển đảo cho phóng viên các cơ quan báo, đài khu vực phía Nam.
Là chuyên gia độc lập nghiên cứu về Biển Đông, chúng tôi thật sự vui mừng và hào hứng đón nhận tin vui này.
Đặc biệt, chúng tôi rất tâm đắc và đanh giá cao ý kiên của ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nhất là nội dung:
"Thời gian qua, báo chí luôn là lực lượng quan trọng, đi đầu trong việc thông tin, tuyên truyền đến người dân trong nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu rõ các quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về bảo vệ chủ quyền biển đảo;
Hiểu rõ hơn tính chính nghĩa của Nhà nước ta trong việc đấu tranh, giải quyết các vấn đề liên quan đến chủ quyền trên biển.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại về chủ quyền biển đảo vẫn còn một số hạn chế, nhất là so với yêu cầu trong tình hình mới…”
Tại buổi tập huấn này, ông Nguyễn Mạnh Đông, Vụ trưởng Vụ Biển - Ủy ban Biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao) đã cập nhật các thông tin về tình hình Biển Đông, các giải pháp tăng cường bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam hiện nay.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp. |
Theo ông Đông, Việt Nam thực hiện liên tục, nhất quán quyền chủ quyền, quyền tài phán theo công pháp quốc tế đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông.
Ông Đông khẳng định hoạt động kinh tế biển trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông diễn ra bình thường.
Để góp phần minh họa và làm rõ thêm về những nhân xét, đánh giá của những cán bộ có thẩm quyền nói trên, chúng tôi xin cung cấp một số thông tin có liên quan sau đây.
Qua theo dõi, nghiên cứu hầu hết những công trình nghiên cứu, những tác phẩm sách, báo chí, phát thanh, truyền hình...có liên quan đến biển, đảo trong thời gian qua, chúng tôi nhận thấy còn có nhiều bất cập, sai sót.
Thậm chí có những sai sót rất bất lợi, phản tác dụng đối với cuộc đấu tranh bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong Biển Đông.
Vì vậy, chúng tôi rất đồng tình với nhận xét của Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo:
“Nhiều cơ quan báo chí vẫn chưa mở chuyên trang, chuyên mục để thông tin, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời; mức độ, liều lượng tin, bài về biển đảo chưa đều;
Kiến thức về chủ quyền biển, đảo vẫn là một thách thức đối với đội ngũ phóng viên, biên tập viên báo chí, dẫn đến các sai sót khi viết về nội dung này, nhất là nhầm lẫn về vùng biển, thềm lục địa Việt Nam, gọi tên không chính xác các cấu trúc nổi trên biển…”
Đây quả là một nhận xét, đánh giá rất khách quan, trung thực và cầu thị. Chúng tôi xin phép nêu ra đây một số “thách thức” đó.
1. Nhận thức về lãnh thổ biển và các quyền, lợi ích quốc gia trên biển
Đây là kiến thức mà cho đến nay vẫn còn nhiều bất cập: Lãnh thổ biển của quốc gia bao gồm những vùng biển nào? Quy chế pháp lý của các vùng biển đó ra sao? Những loại tranh chấp đang tồn tại Biển Đông hiện nay là gì?...
Từ việc Indonesia đổi tên biển nhìn lại chuyện sử dụng địa danh Biển Đông |
Nghe qua, có lẽ nhiều người cho rằng đó là những kiến thức quá sơ đẳng, không cần phải mất thời gian đề cập đến: Ai mà chẳng biết “khổ quá nói mãi”!
Xin thưa, đúng là quá khổ tâm khi buộc phải nói rằng cho đến thời điểm hiện tại đại đa số chúng ta vẫn lặp đi, lặp lại thuật ngữ “chủ quyền biển đảo” trong nhiều hội nghị, diễn đàn, trên nhiều bài viết, sách báo…
Dường như nó đã trở thành một thuật ngữ “cửa miệng” mỗi khi đề cập đến nhiệm vụ bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp trên Biển Đông của Tổ quốc…
Nhưng nếu xét về mặt pháp lý thì thuật ngữ này đã cho thấy sự mơ hồ về nhận thức.
Bởi vì, căn cứ vào Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, lãnh thổ biển của quốc gia ven biển bao gồm 5 vùng.
Đó là nội thủy, lãnh hải, thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển;
Vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển.
Trong Biển Đông lại còn có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Vì vậy, không thể dùng thuật ngữ “chủ quyền biển đảo” để phản ánh đầy đủ và chính xác các quyền của của Việt Nam trong Biển Đông được.
Nếu cứ tiếp tục như vậy thì đồng nghĩa với việc chúng ta đã bỏ quên vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa rộng lớn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia.
Hoặc ngược lại, điều này sẽ tạo ra sự ngộ nhận rằng cả 5 vùng biển nói trên đều thuộc chủ quyền hoàn toàn đầy đủ của Việt Nam.
Hậu quả của nó sẽ dẫn tới những hành xử, phản ứng vượt quá quy chế và thủ tục pháp lý mà Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 đã quy định, cho phép quốc gia ven biển chỉ được phép thực thi quyền chủ quyền và quyền tài phán.
5 vùng biển theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, ảnh minh họa: Wikipedia. |
Vì vậy, chúng tôi xin để xuất thay cụm từ “chủ quyền biển đảo” bằng cụm từ “các quyền và lợi ích hợp pháp” của Việt Nam trong Biển Đông.
2. Nhận thức về các tranh chấp trong Biển Đông:
Cho đến nay, nhiều người vẫn chưa phân biệt được bản chất của các loại tranh chấp cũng như những diễn biến đã và đang diễn ra.
Đặc biệt là mối quan hệ của chúng với các thủ tục pháp lý khi giải quyết bằng biện pháp hòa bình.
Chúng tôi cho rằng đây là nội dung cần được đề cập và phân tích thấu đáo để nâng cao nhận thức, nhất là trong tình hình chúng ta đang thực hiện chủ trương giải quyết tranh chấp trong Biển Đông bằng biện pháp hòa bình.
Chúng tôi xin được cung cấp những thông tin cơ bản sau đây, với những lưu ý cần thiết, với mong muốn có thể góp phần giúp cho bạn đọc tránh được những sai sót có thể xảy ra:
2.1. Hiện tại, trong Biển Đông có 2 loại tranh chấp pháp lý chủ yếu:
Loại thứ nhất là tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Loại thứ hai là tranh chấp về ranh giới các vùng biển và thềm lục địa do các quốc gia ven Biển Đông khi vận dụng quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 để xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của mình, đã tạo ra những vùng chồng lấn.
Hai loại tranh chấp này hoàn toàn khác nhau về nội dung, tính chất, phạm vi và nguyên nhân…
Vì vậy, các nguyên tắc pháp lý để xử lý, giải quyết chúng cũng rất khác nhau.
Tuy nhiên, vì có mối quan hệ với nhau do tồn tại trong cùng một phạm vi địa lý và tác động qua lại của chúng, nhất là trong việc xác định phạm vi các vùng biển, thềm lục địa có tính đến hiệu lực của 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như thế nào, cũng là nguyên nhân gây nên những nhận thức khác nhau nói trên.
Loại thứ nhất:
Thực chất đây là tình trạng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ được tạo nên bởi một số nước trong khu vực đã lợi dụng cơ hội và sử dụng vũ lực để chiếm đóng một phần hay toàn bộ quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam ở giữa Biển Đông:
Đối với quần đảo Hoàng Sa:
Đánh cá truyền thống và quyền lịch sử với tài nguyên ở vùng đặc quyền kinh tế |
Trung Quốc đã nhảy vào tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Việt Nam vào đầu thế kỷ thứ XX.
Cụ thể, năm 1909 Đô đốc Lý Chuẩn chỉ huy 3 pháo thuyền ra khu vực quần đảo Hoàng Sa, đổ bộ chớp nhoáng lên đảo Phú Lâm.
Sau đó Lý Chuẩn phải chỉ huy quân rút lui vì sự hiện diện của quân đội viễn chinh Pháp với tư cách là lực lượng được Chính quyền Pháp, đại diện cho nhà nước Việt Nam, giao nhiệm vụ bảo vệ, quản lý quần đảo này.
Năm 1946, lợi dụng việc giải giáp quân đội Nhật Bản thua trận, chính quyền Trung Hoa Dân quốc đưa lực lượng ra chiếm đóng nhóm phía Đông Hoàng Sa.
Khi Trung Hoa Dân quốc bị đuổi khỏi Hoa lục, họ phải rút luôn số quân đang chiếm đóng ở quần đảo Hoàng Sa.
Năm 1956, lợi dụng tình hình quân đội Pháp phải rút khỏi Đông Dương theo quy định của Hiệp định Genève, trong khi chính quyền Nam Việt Nam chưa kịp tiếp quản quần đảo Hoàng Sa, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã đưa quân ra chiếm đóng nhóm phía Đông Hoàng Sa.
Năm 1974, lợi dụng quân đội Việt Nam Cộng hòa đang trên đà sụp đổ, quân đội viễn chinh Mỹ buộc phải rút khỏi miền Nam Việt Nam, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lại huy động lực lượng quân đội ra xâm chiếm nhóm phía Tây Hoàng Sa đang do quân đội Việt Nam Cộng hòa đóng giữ.
Mọi hành động xâm lược bằng vũ lực nói trên của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đều gặp phải sự chống trả quyết liệt của quân đội Việt Nam Cộng hòa.
Đồng thời, mọi hành động này của Trung Quốc đều bị Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, với tư cách là chủ thể trong quan hệ quốc tế, đại diện cho Nhà nước Việt Nam quản lý phần lãnh thổ miềm Nam Việt Nam theo quy định của Hiệp định Genève năm 1954, lên tiếng phản đối mạnh mẽ trên mặt trận đấu tranh ngoại giao và dư luận.
Đối với quần đảo Trường Sa:
a. Trung Quốc:
Trung Quốc đã nhảy vào tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa từ những năm 1930, mở đầu bằng một công hàm của Công sứ Trung Quốc ở Paris gửi cho Bộ Ngoại giao Pháp khẳng định: các đảo Trường Sa là bộ phận lãnh thổ Trung Quốc.
Năm 1946, quân đội Trung Hoa Dân quốc xâm chiếm đảo Ba Bình. Năm 1956, quân đội Đài Loan lại tái chiêm đảo Ba Bình.
Năm 1988, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa huy động lực lượng đánh chiếm 6 vị trí, là những bãi cạn nằm về phía tây bắc Trường Sa, ra sức xây dựng, nâng cấp, biến các bãi cạn này thành các điểm đóng quân kiên cố, như những pháo đài trên biển.
Năm 1995, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lại huy động quân đội đánh chiếm đá Vành Khăn, nằm về phía Đông Nam Trường Sa.
Hiện nay họ đang sử dụng sức mạnh để bao vây, tìm cách chiếm đóng bãi cạn Cỏ Mây, nằm về phía đông, gần với đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Như vậy, tổng số đảo, đá, bãi cạn mà phía Trung Quốc (kể cả Đài Loan) đã dùng sức mạnh để đánh chiếm ở quần đảo Trường Sa cho đên nay là 9 vị trí.
Trong đó Đài Loan chiếm đóng đảo Ba Bình là đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa và mở rộng thêm 1 bãi cạn rạn san hô, bãi cạn Bàn Than.
Các ấn phẩm của Báo Nhân Dân đến với các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa. Ảnh: ĐĂNG ANH / Báo Nhân Dân. |
b. Philippines:
Philippines bắt đầu nhảy vào tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa bằng sự kiện Tổng thống Quirino tuyên bố rằng, quần đảo Trường Sa phải thuộc về Philippines vì nó ở gần Philippines.
Từ năm 1971 đến năm 1973, Philippines đưa quân chiếm đóng 5 đảo; năm 1977-1978, chiếm thêm 2 đảo.
Năm 1979, Philippines công bố Sắc lệnh của Tổng thống Marcos ký ngày 11 tháng 6 năm 1979, gộp toàn bộ quần đảo Trường Sa, trừ đảo Trường Sa, vào trong một đơn vị hành chính, gọi là Kalayaan, thuộc lãnh thổ Philippines.
Năm 1980, Philippines chiếm đóng thêm 1 đảo nữa nằm về phía Nam Trường Sa, đó là đảo Công Đo…
Đến nay, Philippines đã chiếm đóng 10 vị trí trong quần đảo này, gồm 7 đảo, đá san hô và 3 bãi cạn, rạn san hô
c. Malaysia:
Malaysia mở đầu tranh chấp bằng sự việc Sứ quán Malaysia ở Sài Gòn, ngày 03 tháng 02 năm 1971 gửi Công hàm cho Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa hỏi rằng:
Quần đảo Trường Sa hiện thời thuộc nước Cộng hòa Morac Songhrati Mead có thuộc lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa, hay Việt Nam Cộng hòa có yêu sách đối với quần đảo đó không?
Ngày 20 tháng 4 năm 1971, Chính quyền Việt Nam Cộng hòa trả lời rằng:
Quần đảo Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam, mọi xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở quần đảo này đều bị coi là vi phạm pháp luật quốc tế.
Tháng 12 năm 1979, Chính phủ Malaysia xuất bản bản đồ gộp vào lãnh thổ Malaysia khu vực phía Nam Trường Sa, bao gồm đảo An Bang và Thuyền Chài đã từng do quân đội Việt Nam Công hòa đóng giữ.
Năm 1983-1984 Malaysia cho quân chiếm đóng 3 bãi ngầm ở phía Nam Trường Sa là Hoa Lau, Kiệu Ngựa, Kỳ Vân.
Năm 1988, họ đóng thêm 2 bãi ngầm nữa là Én Đất và Thám Hiểm… Đến nay, số điểm đóng quân của Malaysia lên đến 7 điểm nằm ở phía Nam Trường Sa, tất cả đều là những rạn san hô.
d. Brunei:
Tuy được coi là một bên tranh chấp liên quan đến khu vực quần đảo Trường Sa, nhưng trong thực tế Brunei chưa chiếm đóng một vị trí cụ thể nào.
Yêu sách của họ là ranh giới vùng biển và thềm lục địa được thể hiện trên bản đồ có phần chồng lấn lên khu vực phía Nam Trường Sa.
Phượng Hoàng hỏi Ts Trần Công Trục: Đường lưỡi bò do đâu mà có? |
Như vậy, cho đến nay, tình hình đóng quân của các bên liên quan là:
Quần đảo Hoàng Sa: Trung Quốc đang chiếm đóng hoàn toàn từ năm 1974.
Quần đảo Trường Sa:
- Việt Nam đóng giữ, quản lý 21 vị trí; không ngừng củng cố và phát triển các cơ sở vật chất phục vụ cho đời sống kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của huyện Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa.
- Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm 7 vị trí; Đài Loan chiếm đóng đảo Ba Bình và mở rộng thêm 1 bãi cạn san hô - bãi Bàn Than.
- Philippines: chiếm đóng 10 đảo đá, bãi cạm.
- Malaysia: chiếm đóng 7 đảo, đá, bãi cạn.
Loại thứ 2:
Tranh chấp trong việc hoạch định ranh giới biển và thềm lục địa chồng lấn.
Đây là loại tranh chấp được hình thành trong xu hướng thay đổi có tính chất cách mạng về địa-chính trị, địa- kinh tế trên phạm vi toàn thế giới.
Những thay đổi có tính cách mạng đó là:
Khoảng 36% diện tích biển và đại dương thế giới đã được đặt dưới chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển kể từ khi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 ra đời.
Sau 5 năm trù bị (1967-1972) và qua 9 năm thương lượng (1973-1982), trải qua 11 khóa họp, ngày 30 tháng 4 năm 1982, Hội nghị của Liên Hợp Quốc về Luật Biển lần thứ 3 đã thông qua được một Công ước mới.
Đó chính là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, với tỷ lệ 130 phiếu thuận, 4 phiếu chống, 17 phiếu trắng và 2 nước không tham gia bỏ phiếu.
Sau đó, ngày 10 tháng 12 năm 1982, tại Montego Bay (Jamaica), 117 Đoàn đại biểu quốc gia, trong đó Việt Nam, đã chính thức ký Công ước này.
Công ước có hiệu lực từ ngày 16 tháng 11 năm 1994.
Công ước được xây dựng theo nguyên tắc “cả gói”, bao gồm tất cả mọi khía cạnh liên quan đến Luật Biển và được các quốc gia chấp nhận theo nguyên tắc “nhất trí” (Consensus), không được phản đối, bảo lưu.
4 bài học cho Trung Quốc sau phán quyết trọng tài vụ kiện Biển Đông |
Công ước bao gồm 17 phần với 320 điều khoản, 9 Phụ lục với hơn 100 điều khoản và 4 Nghị quyết kèm theo, chứa đựng 1.000 quy phạm pháp luật quốc tế.
Kết quả là, trên thế giới còn khoảng 416 tranh chấp về ranh giới biển, thềm lục địa cần được hoạch định, trong đó khu vực Đông Nam châu Á cò khoảng 15 tranh chấp.
Tất nhiên người ta không tính đến tranh chấp được tạo thành bởi "đường biên giới lưỡi bò" của Trung Quốc, vì tính chất của nó phản khoa học và hoàn toàn đi ngược lại các tiêu chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
2.2. Đánh giá những hành động tranh chấp dưới ánh sáng của Luật pháp quốc tế:
Loại tranh chấp thứ nhất:
“Chủ quyền” được xác lập bằng vũ lực là hoàn toàn bất hợp pháp:
Một là, hành động đánh chiếm các đảo trong quần đảo ở Biển Đông bằng vũ lực là một sự vi phạm nghiêm trọng Điều 2 Khoản 4 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
Điều khoản này cấm các quốc gia sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là cấm sử dụng vũ lực để xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia khác.
Nội dung điều khoản này trong Hiến chương Liên Hợp Quốc là một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đòi hỏi tất cả các nước thành viên của Tổ chức Liên Hợp Quốc, trong đó có Trung Quốc, phải tuân thủ.
Nguyên tắc này được phát triển và cụ thể hoá trong Nghị quyết 2625 ngày 24 tháng 10 năm 1970 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, trong đó quy định:
“Các quốc gia có nghĩa vụ không đe dọa hay sử dụng vũ lực để vi phạm các biên giới quốc tế hiện có của một quốc gia khác, hay (coi đe doạ hay sử dụng vũ lực) như biện pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế, kể cả những tranh chấp về đất đai và những vấn đề liên quan đến biên giới của các quốc gia”.
Hai là, hành động Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm phần phía Đông của quần đảo Hoàng Sa năm 1956 và chiếm nốt phần phía Tây của quần đảo này năm 1974 thực chất là một hành động xâm lược lãnh thổ của Việt Nam.
Ba là, theo luật pháp quốc tế việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm các đảo ở quần đảo Hoàng Sa không tạo ra được chứng cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo, đá mà họ đã dùng vũ lực để chiếm đoạt.
Nghị quyết 2625 ngày 24/10/1970 của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc được trích dẫn ở trên đã nêu rõ:
“Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một cuộc chiếm đóng quân sự do sử dụng vũ lực trái với các quy định của Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm hữu của một quốc gia khác sau khi dùng vũ lực hay đe dọạ sử dụng vũ lực.
Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào đạt được bằng đe dọa hay sử dụng vũ lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp”.
Hành động xâm lược nói trên không bổ sung vào bộ hồ sơ pháp lý về chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Những hành động như vậy đã bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ và chắc chắn sẽ bị các toà án quốc tế bác bỏ một khi chúng được đưa ra tòa án quốc tế nhằm minh chứng cho chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Loại tranh chấp thứ 2
“Các vùng chồng lấn” được hình thành trên cơ sở các quốc gia ven biển đối diện hay kế cận nhau, khi các nước này dựa vào quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 đề xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của mình.
Vùng chồng lấn, vấn đề hoạch định ranh giới biển và thực tiễn Việt Nam |
Trong khi đó đường biên giới biển “lưỡi bò” của Trung Quốc lại hoàn toàn không dựa vào các tiêu chuẩn của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Trung Quốc tự vạch ra một con đường “hoang tưởng”, chiếm đến 85-90%, lúc thì 11 đoạn, lúc thì 9 đoạn, nay lại 10 đoạn…
Căn cứ vào quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, cũng như thực tiễn quốc tế có liên quan đến các yêu sách xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa có thể thấy:
Đường “biên giới biển lưỡi bò” này cho dù xuất hiện vào lúc nào và dưới hình thức gì, đều không có giá trị, không thể được công nhận như một yêu sách của một quốc gia ven biển đã là thanh viên của Công ước.
Thứ nhất, Trung Quốc đòi hỏi “quyền chủ quyền và quyền tài phán” đối với “đường lưỡi bò”, có nghĩa là đòi hỏi một vùng biển có quy chế pháp lý tương tự với quy chế của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Điều này trái với Công ước mà Trung Quốc cũng là thành viên kể từ năm 1996.
Vì vùng biển mà đường lưỡi bò chiếm đến khoảng trên 80% diện tích Biển Đông, nằm cách xa bờ biển Trung Quốc hàng nghìn km (chỗ xa nhất).
Theo quy định của Công ước, các vùng biển này không thể là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Trung Quốc.
Thứ hai, cho đến trước khi Trung Quốc yêu sách chính thức về đường lưỡi bò (tháng 5/2009), đường này không hề được đề cập, hay được quy định trong các văn bản pháp luật của Trung Quốc như:
Tuyên bố về lãnh hải năm 1958, Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp năm 1992, Luật về đường cơ sở lãnh hải năm 1996, Luật về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa năm 1998...
Thứ ba, yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc đã xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác định theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, của các quốc gia khác ven Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia, Brunei, cũng đều là thành viên của Công ước.
Thứ tư, thời điểm xuất hiện của “đường lưỡi bò” còn chưa được các tác giả Trung Quốc thống nhất, lúc thì nói là năm 1948, lúc thì nói là năm 1947, có lúc lại nói năm 1914.
Nguồn gốc đường này chỉ là một dạng xuất bản tư nhân, lúc thì vẽ 11 đoạn, lúc thì vẽ 9 đoạn…một cách tùy tiện, không có tọa độ rõ ràng, không thể xác định trên thực tế.
Chính phủ Trung Quốc cho đến nay vẫn giữ im lặng về việc giải thích tọa độ chính xác của các đường đứt đoạn trong yêu sách.
Thứ năm, Trung Quốc không chứng minh được là các chính quyền của họ đã thực thi “chủ quyền” trong “đường lưỡi bò” một cách thực sự, liên tục và hòa bình trong lịch sử.
Thực tế từ trước đến nay các nước xung quanh Biển Đông vẫn tiến hành thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của mình theo các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Các nước trong và ngoài khu vực vẫn tiến hành các hoạt động tự do hàng không, tự do hàng hải bình thường trong khu vực “đường lưỡi bò”.
(Trong đó có các vùng biển nằm ngoài các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của các quốc gia xung quanh Biển Đông).
Thứ sáu, thực tế tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các đòi hỏi của Philippines, Malaysia, Brunei đối với toàn bộ hoặc một bộ phận của quần đảo Trường Sa, cho thấy không thể nói yêu sách “đường lưỡi bò” trên Biển Đông mà Trung Quốc đòi hỏi đã được các nước khác công nhận.
Vì vậy, không thể gọi đây là “di sản lịch sử”, là “biển lịch sử” của Trung Quốc được.
Là thành viên của Công ước, không ai được phép duy trì những quy định của mình trái với Công ước, không được phép giải thích và áp dụng sai với nhưng quy định của Công ước Luật Biển chỉ vì lợi ích của riêng mình…
Mời quý bạn đọc theo dõi đón đọc phần 2: Các nguyên tắc pháp lý trên Biển Đông và sai sót cần khắc phục
Tài liệu tham khảo:
Đưa tin về biển đảo phải kịp thời, phù hợp và đúng sự thật, Đình Phú - Trung Hiếu, thanhnien.vn, 20/7/2017, http://thanhnien.vn/thoi-su/dua-tin-ve-bien-dao-phai-kip-thoi-phu-hop-va-dung-su-that-857403.html