Mỹ tăng cường triển khai tàu tuần duyên ở Biển Đông dù phải cắt giảm chế tạo

19/12/2015 08:42
Đông Bình
(GDVN) - Tàu tuần duyên Mỹ chốt giữ vị trí trọng yếu ở khu vực, trong tương lai sẽ trở thành lực lượng cốt lõi tuần tra Biển Đông, là "quân tiên phong" của Mỹ.

China News và tờ Người quan sát Trung Quốc ngày 18/12 đưa tin, khi gặp Bộ trưởng Hải quân Mỹ Ray Mabus vào ngày 14/12, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter yêu cầu hải quân Mỹ điều chỉnh số lượng chế tạo tàu tuần duyên từ 52 chiếc xuống còn 40 chiếc.

Ngày 21 tháng 11 năm 2015, Mỹ tổ chức lễ biên chế tàu tuần duyên Milwaukee LCS-5
Ngày 21 tháng 11 năm 2015, Mỹ tổ chức lễ biên chế tàu tuần duyên Milwaukee LCS-5

Yêu cầu kế hoạch chế tạo 5 năm tới là 6 chiếc (trong 4 năm tài khóa tới 2017 – 2020 mỗi năm chỉ chế tạo 1 chiếc, năm 2021 chế tạo 2 chiếc), giảm 8 chiếc so với kế hoạch ban đầu, đồng thời đến năm 2019 chỉ được lựa chọn chế tạo 1 loại tàu tuần duyên (hiện có 2 loại).

Ông Ashton B. Carter hy vọng Hải quân Mỹ phân phối lại vốn, thông qua cắt giảm chế tạo tàu tuần duyên để mua nhiều hơn máy bay chiến đấu F/A-18 và F-35, tên lửa hạm đối không SM-6 và hỗ trợ nghiên cứu phát triển mô-đun tải trọng thông dụng của tàu ngầm hạt nhân lớp Virnigia.

Nhưng mệnh lệnh này của ông Aston B. Carter đã bị Hải quân Mỹ phản đối mạnh mẽ.

Được biết sau năm 2021, Hải quân Mỹ sẽ chính thức đổi tàu tuần duyên thành tàu hộ vệ. Trong tương lai, Mỹ có kế hoạch chế tạo một loại phiên bản cải tiến của tàu tuần duyên, trang bị vũ khí hạng nặng hơn. Đây là quyết định được đưa ra bởi cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel vào năm 2014.

Ngày 21 tháng 11 năm 2015, Mỹ tổ chức lễ biên chế tàu tuần duyên Milwaukee LCS-5
Ngày 21 tháng 11 năm 2015, Mỹ tổ chức lễ biên chế tàu tuần duyên Milwaukee LCS-5

Tờ Stars and Stripes Mỹ ngày 17/11 cho rằng, tàu tuần duyên là loại tàu được thiết kế có tốc độ cao và đa năng, là thành viên khá mới của Hải quân Mỹ, mục đích là hoạt động ở ven bờ, có thể nhanh chóng thay đổi mô hình tác chiến như chống thủy lôi hoặc săn ngầm.

Theo Kendall Bridgwater - chỉ huy tàu tuần duyên Milwaukee Mỹ, chức trách của hải quân nước này là bảo vệ sự thông suốt của các tuyến đường hàng hải, đây là chức trách đã thực hiện vài thế kỷ.

Kendall Bridgwater nói: “Chúng ta ở trong chiến tranh hay trong thời bình hoàn toàn không quan trọng. Hải quân đang thực hiện chức trách bảo đảm thông suốt cho các tuyến đường hàng hải. Trước đây, Hải quân Mỹ được thành lập là để tấn công cướp biển”.

Theo Kendall Bridgwater, chế tạo tàu tuần duyên không phải là để đối phó với tàu chiến ở cự ly gần.

Theo tư tưởng thiết kế của Hải quân Mỹ, tàu tuần duyên có 8 sứ mệnh chính, đó là: tác chiến săn ngầm, tác chiến chống hạm mặt nước, tác chiến thủy lôi, trinh sát trên biển, chặn đánh trên biển, tác chiến đặc biệt và vận tải.

Ngày 21 tháng 11 năm 2015, Mỹ tổ chức lễ biên chế tàu tuần duyên Milwaukee LCS-5
Ngày 21 tháng 11 năm 2015, Mỹ tổ chức lễ biên chế tàu tuần duyên Milwaukee LCS-5

Được biết, Mỹ đã tổ chức lễ biên chế tàu tuần duyên Milwaukee LCS-5 vào ngày 21/11/2015. Tàu Milwaukee là tàu tuần duyên lớp Freedom thứ năm chế tạo ở nhà máy đóng tàu Marinette. Chiếc đầu tiên lớp Freedom hạ thủy, biên chế vào năm 2008 ở Milwaukee.

Tàu tuần duyên Milwaukee có thể chở theo một máy bay trực thăng có người lái hoặc không có người lái. Tàu này không sử dụng chân vịt, mà sử dụng 4 động cơ phun nước, chạy với tốc độ 45 hải lý/giờ.

So với tàu chiến trước đây, tàu tuần duyên sử dụng rất ít thủy thủ. Tàu tuần duyên Milwaukee cần 54 người để vận hành, cho dù có chở thêm máy bay trực thăng thì nhân viên sẽ tăng lên khoảng 100 người. Trên đài chỉ huy chỉ có 3 người.

Sau khi đi vào hoạt động, tàu tuần duyên USS Milwaukee sẽ cùng với các tàu đồng hạng lấy căn cứ San Diego ở bang California làm cảng chính, đồng thời sẽ được luân phiên điều tới Tây Thái Bình Dương thực hiện nhiệm vụ. Địa điểm triển khai tuyến đầu hiện là căn cứ Changi, Singapore; trong tương lai còn có thể triển khai ở Nhật Bản và Philippines.

Theo giám đốc chương trình tàu tuần duyên Hải quân Mỹ, Chuẩn Đô đốc Brian Antonio, không lâu nữa, tàu tuần duyên Milwaukee sẽ tham gia các hoạt động tuần tra ở Biển Đông của Hải quân Mỹ.

Tàu tuần duyên Milwaukee LCS-5 Hải quân Mỹ
Tàu tuần duyên Milwaukee LCS-5 Hải quân Mỹ

Trước năm 2018, Hải quân Mỹ sẽ thực hiện kế hoạch triển khai 4 tàu tuần duyên ở Biển Đông để bảo vệ tự do hàng hải. Hiện nay, tàu USS Fort Worth LCS-3 đang thực hiện nhiệm vụ ở Biển Đông.

Kết hợp với hành động tuần tra vùng biển quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp bất hợp pháp mà Mỹ tiến hành gần đây, có nhà phân tích dự đoán, trong tương lai, tàu tuần duyên Mỹ có thể trở thành lực lượng cốt lõi triển khai hành động tuần tra ở Biển Đông.

Ở khu vực Đông Nam Á, Hải quân Mỹ triển khai tàu tuần duyên tại căn cứ Changi, Singapore có thể thực hiện nhiệm vụ ở các vùng biển xung quanh.

Theo nhà phân tích này, các tuyến đường hàng hải chiến lược ở khu vực này như eo biển Malacca, eo biển Sunda, eo biển Lombok đều là những vùng biển hẹp và phức tạp, phù hợp với hoạt động của tàu tuần duyên.

Trong đó, eo biển Malacca là một trong 16 tuyến đường hàng hải quan trọng toàn cầu mà Quân đội Mỹ muốn kiểm soát. Eo biển này kết nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, kiểm soát gần 40% vận tải đường biển toàn cầu. Trong khi đó, Singapore là nơi án ngữ cửa ra vào eo biển Malacca.

Tàu tuần duyên Milwaukee LCS-5 Hải quân Mỹ
Tàu tuần duyên Milwaukee LCS-5 Hải quân Mỹ

Mặt khác, Biển Đông, duyên hải Philippines và vùng biển Indonesia đều có rất nhiều đảo đá, cũng là khu vực hoạt động lý tưởng của tàu tuần duyên.

Như vậy có thể thấy, trong quá trình “quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương” của Quân đội Mỹ, tính năng đặc biệt của tàu tuần duyên sẽ phát huy vai trò quan trọng trên phương hướng nhằm vào Trung Quốc, thực sự trở thành “quân tiên phong” trong chiến lược khu vực của Mỹ.

Ở Biển Đông, tàu tuần duyên có thể dựa vào các căn cứ ở Singapore và Philippines, tận dụng tốc độ cao và tính linh hoạt, tiến hành hoạt động thường xuyên đối với các đảo đá ở quần đảo Trường Sa.

Hành trình vốn là điểm yếu của tàu tuần duyên, nhưng khi hoạt động ở Biển Đông, nó cách căn cứ tiếp tế rất gần, vì vậy, sẽ không tồn tại vấn đề rõ rệt. Ngày 11/5/2015, tàu tuần duyên USS Fort Worth đã tiến hành tuần tra ở Biển Đông, khi đó nó đã bị tàu hộ vệ mang tên lửa Diêm Thành Type 054A của Hải quân Trung Quốc bám đuôi.

Trong lần chạm trán này, tàu Mỹ và Trung Quốc không tiếp xúc ở cự ly gần, mà tuân thủ “quy tắc gặp nhau bất ngờ trên biển”. Trong tương lai, hành động tuần tra này có thể ngày càng nhiều.

Ngày 11 tháng 5 năm 2015, tàu tuần duyên USS Fort Worth Hải quân Mỹ hoạt động ở gần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị tàu hộ vệ Diêm Thành, Trung Quốc bám đuôi
Ngày 11 tháng 5 năm 2015, tàu tuần duyên USS Fort Worth Hải quân Mỹ hoạt động ở gần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị tàu hộ vệ Diêm Thành, Trung Quốc bám đuôi

Điều đáng chú ý là, tàu tuần duyên Mỹ có thể chở theo các thiết bị trinh sát điện tử và do thám âm thanh nước mới nhất của Hải quân Mỹ, có thể tiến hành theo dõi, do thám đối với các tàu chiến mặt nước, tàu ngầm hoạt động ở Biển Đông, hình thành thể chế giám sát thường xuyên, tích lũy các tài liệu thông tin cần thiết cho thời chiến.

Tàu tuần duyên Mỹ có các mô đun khác nhau, vì vậy hoạt động của nó ở Biển Đông chắc chắn cũng là để thử nghiệm và thăm dò. Theo đó, Biển Đông trở thành nơi thử nghiệm của tàu tuần duyên Mỹ.

Bất kể là về trang bị, chiến thuật hay bảo đảm, các hoạt động ở Biển Đông đều có thể tích lũy rất nhiều kinh nghiệm cho Quân đội Mỹ.

Mặc dù vậy, theo báo chí Trung Quốc, Mỹ triển khai tàu tuần duyên ở khu vực sẽ không làm thay đổi cục diện chiến lược khu vực về căn bản. Việc triển khai này vừa hỗ trợ cho hành động quân sự khu vực của Mỹ, nhưng phần nhiều là khẳng định sự hiện diện, tiếp sức cho một số nước, an ủi đồng minh, răn đe đối thủ tiềm tàng.

Đối với "nước lớn chủ yếu ở Tây Thái Bình Dương", sự xuất hiện của tàu tuần duyên Mỹ có thể gây ra một số phiền phức, nhưng không tạo ra mối đe dọa to lớn, hành động của tàu tuần duyên có ý nghĩa chính trị lớn hơn ý nghĩa quân sự, báo Trung Quốc viết.

Trên thực tế, năng lực chiến đấu của tàu tuần duyên cũng khá hạn chế, nó thích hợp hơn với nhiệm vụ trinh sát, quấy rối, hộ tống.

Tàu tuần duyên USS Freedom Hải quân Mỹ
Tàu tuần duyên USS Freedom Hải quân Mỹ

Tàu tuần duyên cũng mắc phải vấn đề giá thành. Chi phí chế tạo của nó không hề thấp. Đơn giá của nó đã từ khoảng 200 triệu USD ban đầu tăng mạnh lên khoảng 400 triệu USD. Chi phí thời gian và tài chính cho việc thay đổi các mô đun nhiệm vụ của nó cũng rất cao.

Hơn nữa, tàu tuần duyên Mỹ cũng tồn tại một số vấn đề công nghệ. Chiếc đầu tiên triển khai ở Singapore bị ăn mòn bởi nước biển nhanh hơn dự kiến. Tàu tuần duyên mới nhất USS Milwaukee cũng đã gặp sự cố động cơ vào ngày 11/12 sau 20 ngày biên chế, khi đó nó đang di chuyển từ Halifax, Canada để đến Mayport, Florida, đích đến là cảng San Diego.

Mặc dù vậy, qua quá trình thử nghiệm ở Biển Đông, Mỹ cũng đang tiến hành cải tiến đối với tàu tuần duyên nhằm tăng cường năng lực hoạt động của nó ở đây trong tương lai.

Năm 2005, Hải quân Mỹ từng có kế hoạch chế tạo 82 tàu tuần duyên, nhưng đến nay kế hoạch này đã thay đổi, số lượng tàu tuần duyên được chế tạo sẽ giảm đi nhiều, con số cuối cùng còn chưa rõ. 

Ngày 21/11/2015, Hải quân Mỹ biên chế tàu tuần duyên USS Milwaukee
Ngày 21/11/2015, Hải quân Mỹ biên chế tàu tuần duyên USS Milwaukee
Đông Bình